Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở Việt Nam. Hiện Bộ y tế ghi nhận 3,5 triệu người Việt đang sống chung với bệnh tiểu đường, dự báo sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2045.
Theo Bộ Y tế, 69% người Việt bị tăng đường huyết chưa phát hiện, chỉ mới có 29% người bệnh đang điều trị. Người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 2 lần so với người trẻ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường là vấn đề đáng lo ngại khi xuất hiện những trẻ 14,15 tuổi mắc bệnh.
Điều trị bệnh cho nhóm này khó khăn hơn vì thuốc uống hạ đường huyết ít được nghiên cứu ở trẻ em, việc tuân thủ điều trị kém, không đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp với người bệnh.
Ngày 14/11, Bộ Y tế giới thiệu Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey). Đây là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động (hoàn toàn miễn phí), được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan được Bộ Y tế phê duyệt (Như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc…).
Ứng dụng đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán, đồng thời đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam để các cán bộ y tế quyết định lựa chọn. Đối tượng sử dụng là các cán bộ y tế đang tham gia công tác chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 ở các cơ sở y tế.
Để tăng cường công tác phòng, chống đái tháo đường tại Việt Nam, hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường, Bộ Y tế kêu gọi các hành động:
Mỗi người dân: hãy có trách nhiệm với sức khỏe của chính chúng ta; chú ý và duy trì lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh khác; và đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đối với nhân viên y tế, nhiệm vụ là nâng cao nhận thức và kiến thức về bệnh này cho mọi người và nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân để tư vấn, điều trị và quản lý bệnh hiệu quả, sử dụng nguồn lực y tế khác nhau như các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, ưng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường… trong chẩn đoán và điều trị.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, làm cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường trở thành ưu tiên của ngành y tế; và thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để ngăn ngừa và quản lý bệnh và bảo vệ người dân của chúng ta khỏi bệnh đái tháo đường hoặc tạo môi trường để người bệnh sống một cuộc sống lành mạnh với căn bệnh này.
Bộ Y tế kêu gọi tất cả các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức đoàn thể và mọi người bảo vệ gia đình họ khỏi nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và kiểm soát tốt hơn căn bệnh này và cùng nhau hành động để thay đổi tương lai của bệnh này.
V.LinhBạn đang xem bài viết Ra mắt ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị miễn phí tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].