Làm thế nào để có bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho cả gia đình?
Chiều 24/12, Báo Phụ nữ Thủ đô kết hợp cùng Acecook Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình".
Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, trong cuộc sống hiện đại, thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh đang chiếm lĩnh các bữa cơm gia đình, cũng như trở thành trào lưu phổ biến của giới trẻ. Chính điều này đã dẫn tới hệ lụy tỷ lệ thừa cân, béo phì, đái tháo đường tăng cao đối với người Việt, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ em là ăn thừa chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng, ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biểu sẵn, thực phẩm nhiều đường… Cùng với đó là quan niệm sai lầm của các gia đình hiện nay đối với trẻ mầm non là thích trẻ bụ bẫm nên luôn cho trẻ em ăn thừa dinh dưỡng. Hậu quả của việc thừa cân, béo phì là nảy sinh các bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch… Vậy làm thế nào để lựa chọn được những thực phẩm an toàn, xây dựng bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình?
Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, bữa ăn đủ dinh dưỡng theo nhóm lứa tuổi khác nhau sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bữa ăn đủ dinh dưỡng còn giúp nâng cao tuổi thọ.
Một bữa ăn lành mạnh với các thực phẩm lành mạnh và được chế biến phù hợp giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu để cơ thể khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực hơn. Vì vậy, mọi người nên có bữa ăn gia đình với cách chế biến lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Bữa ăn đó còn là nơi gắn kết tình cảm gia đình.
Để có bữa ăn lành mạnh, chúng ta cần phải chú trọng khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm. Chúng ta cần lựa chọn các thực sạch, an toàn, chế biến cân đối chất bột đường, đạm, đủ rau xanh, quả chín.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã đưa ra các tháp dinh dưỡng cho các nhóm tuổi khác nhau từ trẻ em, học sinh tiểu học, lứa tuổi thành niên, người cao tuổi... ứng dụng cho mỗi người mỗi ngày.
Ví dụ, ở người trưởng thành nên ăn 3 - 4 phần rau, quả chín; ăn đa dạng các loại đạm thịt, cá, đậu phụ… Cách chế biến món ăn cũng tuỳ thuộc vào từng lứa tuổi cho phù hợp. Các bé nhu cầu cao hơn thì có thể ăn món rán với lượng vừa phải, còn người cao tuổi nên hạn chế món rán, nên ăn nhiều các món ăn luộc, hấp… để giảm chất béo, phòng ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Với các món ăn đơn giản như mì ăn liền thì nên chọn sản phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm. Khi ăn mì ăn liền nên ăn kèm với rau xanh, trứng, thịt… để cân bằng dinh dưỡng.
Dinh dưỡng đúng cách giúp cơ thể khỏe mạnh
Chia sẻ tại chương trình, TS.BS Chu Thị Tuyết - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Hữu Nghị cho biết, bữa ăn lành mạnh với các thực phẩm lành mạnh và chế biến phù hợp giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu để cơ thể khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực hơn. Muốn một cơ thể khỏe mạnh cần có sự cân bằng năng lượng đưa vào với năng lượng tiêu hao. Một chế độ dinh dưỡng tốt cần ăn uống hợp lý, phù hợp với thể trạng mỗi người và cần cân đối, đa dạng.
Chất đưa vào cơ thể không chỉ có đạm, thịt, cá mà cần chú ý chất xơ. Chất xơ là môi trường nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột, vi khuẩn có lợi, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh được mỡ máu… Đối với người không có bệnh lý kèm theo cần 400g rau trong một ngày, đối với người có bệnh đái tháo đường, mỡ máu cần 500 - 600g rau/ngày. Nhu cầu năng lượng của mỗi người khác nhau nên cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Đỗ Nam Khánh – Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh, trong Đông y cũng yêu cầu sự cân bằng trong ăn uống. Cân bằng ở đây nghĩa là cân bằng giữa số lượng và chất lượng; giữa ngũ cốc (lương thực), ngũ súc (thịt, cá), cân bằng về ngũ thái (các loại rau), cân bằng về ngũ quả (các loại quả), cân bằng về tính hàn nhiệt (âm dương)…
Ngoài ra, yếu tố tinh thần cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng. Khi con người thoải mái, giúp cho việc tiêu hóa, hoạt động của lục ngũ phủ tạng (tất cả các cơ quan) trong cơ thể được tốt hơn. Khi mà tâm lý căng thẳng, stress kéo dài thì khí trệ, huyết ứ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng với đó cần tăng cường vận động, chúng ta lười vận động, nhu động ruột sẽ kém.
Những chia sẻ của các chuyên gia đã giúp bạn đọc trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng bữa ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, lựa chọn chế độ ăn phù hợp với từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Chuyên gia dinh dưỡng chỉ cách ‘Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình’ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].