Ngày 8/11, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (11/1989 - 11/2019). Tới dự buổi lễ có UV BCH TW Đảng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Từ "Tổ tim mạch" đầu tiên
Tiền thân của Viện là Tổ tim mạch được thành lập năm 1959 với những ban sỹ ban đầu như GS Đặng Văn Chung và các bác sĩ Đỗ Đình Địch, Bùi Thế Kỳ, Trần Đỗ Trinh...
Năm 1972, khoa Tim mạch đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai được thành lập.
Trong giai đoạn sơ khai này, dù còn rất nhiều khó khăn khi đất nước đang trong chiến tranh nhưng các bác sĩ của Khoa đã nỗ lực, học hỏi với những thăm dò như Điện tâm đồ, Tâm thanh cơ động đồ...
Khi điều kiện hội nhập quốc tế được mở rộng, các giáo sư, thầy thuốc tiên phong của khoa Tim mạch đã nắm bắt cơ hội, thúc đẩy phát triển.
Ngày 11/11/1989 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về chất khi Viện Tim mạch Việt Nam được thành lập theo quyết định số 704 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Khi mới thành lập, Viện Tim mạch Việt Nam chỉ có 55 giường bệnh với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất chủ yếu là các thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ...
Đến Viện tim mạch hàng đầu của cả nước
Trải qua 30 năm luôn nỗ lực và phát triển, đến nay, Viện đã có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức, tim mạch, các thăm dò hình ảnh, điện tiêm và đặc biệt là đơn vị Tim mạch can thiệp với 6 phòng máy, 1 đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, mỗi năm Viện điều trị nội trú cho trên 20.000 lượt bệnh nhân tim mạch phức tạp.
Chức năng số một của Viện Tim mạch Quốc gia là khám và điều trị các bệnh nhân Tim mạch với ứng dụng kỹ thuật cao bao gồm 3 lĩnh vực tim mạch: nội khoa, can thiệp và phẫu thuật ở cả hai đối tượng: người lớn, trẻ em. Đồng thời,đào tạo và chỉ đạo tuyến - với trách nhiệm cao nhất của Viện Tim mạch đầu ngành.
Với 3 mũi nhọn: Tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch và cấp cứu – chăm sóc tích cực tim mạch, mỗi năm có hơn 12.000 lượt bệnh nhân được tiến hành can thiệp tim mạch.
Viện là nơi đi đầu trong việc triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành như: các kỹ thuật siêu âm tim phức tạp, các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến, thăm dò điện sinh lý tim, phẫu thuật tim hở...
Viện là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho bệnh viện trong nước và quốc tế.
Với những đóng góp tích cực cho nên Y học Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước: Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ.
Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện tim mạch Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Một số cá nhân, tập thể của Viện được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế trao tặng.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Viện Tim mạch VN đã phối hợp với Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học "Tim mạch trong kỷ nguyên mới: Từ chuyên khoa tuyến cuối đến chăm sóc sức khỏe ban đầu" trong 2 ngày 9 - 10/11/2019.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Viện Tim mạch Việt Nam: Từ 'tổ tim mạch' trở thành Viện chuyên khoa hàng đầu cả nước tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].