Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, đột quỵ não (tai biến mạch máu não, stroke) là các tổn thương chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, tồn tại trên 24 giờ, hoặc tử vong trong vòng 24 giờ, trừ sang chấn sọ não.
Đột quỵ não có 2 dạng là nhồi máu não và chảy máu não. Trong đó, thiếu máu cục bộ não (ischemic stroke) hay nhồi máu não – là dạng phổ biến của đột qụy, chiếm 80%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông (embolic), huyết khối (thrombus), hoặc hẹp do mảng vữa xơ động mạch… khu vực não được tưới máu bởi mạch đó bị thiếu máu và hoại tử.
Chảy máu não (hemorrhagic stroke – tai biến xuất huyết , chiếm 20%): xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh nhu mô não, thường do tăng huyết áp gây nên.
Các trường hợp đột quỵ não sống sót thường để lại di chứng và là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Nếu không được chăm sóc về dinh dưỡng và hộ lý tốt, bệnh nhân có thể tử vong vì suy kiệt, bội nhiễm, lở loét, viêm phổi, nhiễm trùng huyết…
Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ, PGS Trần Đình Toán cho biết thêm, hầu hết những bệnh nhân đột quỵ não đều có nguy cơ suy dinh dưỡng và việc kiểm soát rất phức tạp.
Nhiều bệnh nhân có tình trạng khó nuốt và khả năng đưa thức ăn tới miệng thường bị hạn chế.
Nếu bệnh nhân không nuốt được, hoặc nuốt khó, cần được đặt sonde dạ dày hoặc mở thông dạ dày để nuôi dưỡng.
Năng lượng ước tính cho từng bệnh nhân phải được điều chỉnh tuỳ theo tình trạng rối loạn thần kinh và biểu hiện lâm sàng cũng như mục tiêu điều trị.
Bệnh nhân béo phì cần một lượng năng lượng thấp (25-30Kcalo/kg thể trọng/ ngày).
Bệnh nhân nhẹ cân hoặc những người có mức sử dụng nhu cầu năng lượng cao do có cơn co giật hay có tình trạng co giật như Parkínon…là 35-40Kcalo/kg/ngày.
Bệnh nhân chấn thương vùng đầu cũng có sự gia tăng nhu cầu năng lượng, ít nhất 35 – 40 Kcalo/kg thể trọng/ngày và tăng tương ứng với thang điểm hôn mê của Glasgow.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh cần bắt đầu nuôi ăn qua ống thông sớm, lý tưởng là trong vòng 48 giờ, sẽ giúp ích cho bệnh nhân.
Thực hiện dinh dưỡng sớm để giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng khả năng sống sót và giảm tình trạng mất chức năng.
Ở bệnh nhân đột quỵ nuôi ăn đường ruột bắt đầu trong vòng 72 giờ sẽ giúp giảm thời gian nằm viện.
PGS Toán khuyến cáo, chế độ ăn cần lưu ý một số điểm sau đây:
– Nhiệt độ thức ăn và các đồ uống lạnh sẽ kích thích các cảm giác ở miệng và tăng cường việc nuốt.
– Độ acid – cảm thụ quan nuốt phản ứng tích cực với thức ăn acid như nước ép trái cây, nước chanh.
– Vị ngọt – gây nên kích thích nước bọt quá mức, có thể gây nên rối loạn nuốt
– Khẩu phần thức ăn lớn – dễ gây nên vấn đề về nuốt, tốt hơn là nên cho ăn thường xuyên-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày.
– Độ đồng nhất: cung cấp đủ năng lượng và protein cần thiết với thức ăn đặc hoặc lỏng đồng nhất là việc không dễ dàng. Các bệnh nhân không thể dung nạp dịch có thể đổi thành nuốt thức ăn dạng nửa rắn.
– Đa dạng hoá thức ăn với các công thức nuôi ăn tổng hợp hoặc nuôi ăn ít một luôn luôn cần thiết. Bổ sung vi luợng đặc biệt là vitaminC và B12 ở người lớn tuổi.
– Nước bọt: Bình thường mỗi ngày nước bọt tiết ra từ 1-1,5lít. Tăng lượng nước bọt mà không thể nuốt sẽ tăng nguy cơ và rủi ro. Nước bọt đặc cũng có thể ảnh hưỏng đến việc nuốt thức ăn, có thể khắc phục bằng cách ăn thức ăn có vị chua (chất ngọt cũng làm giảm tiết nước bọt).
– Khó nuốt:
Cần chia thành các mức độ khó nuốt và cách kiểm soát như sau:
+ Không khó nuốt-không cần điều chỉnh thức ăn hoặc dịch.
+ Khó nuốt nhẹ-ăn đường miệng bình thường không cần trợ giúp, tránh một số thức ăn, nước uống nhất định, lưu ý môi trường xung quanh khi ăn.
+ Khó nuốt vừa phải-ăn đường miệng, cần thiết phải thay đổi độ đặc thức ăn bệnh nhân có thể cần trợ giúp khi ăn, khuyên bệnh nhân ăn chậm.
+ Khó nuốt vừa phải đến nặng-hạn chế thức ăn có độ đặc thay đổi khi ăn đường miệng, hướng dẫn cặn kẽ cho bệnh nhân, có thể bổ sung nuôi ăn bằng đường ống thông.
+ Khó nuốt nặng-không ăn đường miệng hoặc ăn một ít thức ăn có độ đặc thay đổi. Nuôi ăn đường ruột qua ống thông. Có thể xem xét nuôi ăn qua đường tĩnh mạch nếu suy dinh dưỡng trầm trọng.
+ Khó nuốt rất nặng-không ăn đường miệng, nuôi ăn đường ruột qua ống thông, nuôi ăn đường tĩnh mạch có thể được xem xét nếu suy dinh dưỡng trầm trọng.
Thức ăn không nên dùng hoặc dùng ít khi bị tai biến mạch máu não đó là những loại thức ăn mặn chứa nhiều muối Natri, các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hoà, chứa nhiều cholesterrol, các loại đồ uống có tính chất kích thích thần kinh trung ương chẳng hạn như: Thịt muối, dưa muối, thịt mỡ, rượu, óc, nội tạng động vật, đường, cà phê, trà đặc…
L.MBạn đang xem bài viết Nên ăn uống như thế nào khi bị đột quỵ não? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].