Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 30 năm qua, Chính phủ Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện luật pháp và chính sách quốc gia.
Việt Nam đã nghiêm túc đưa vấn đề bình đẳng giới vào xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách nhằm xóa bỏ các quy định phân biệt đối xử với phụ nữ hoặc nam giới; Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản pháp luật khác đã có những quy định mới nhằm bảo đảm quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã được ban hành với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đa dạng nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tháng 1/2024, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông, thúc đẩy bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực đã được Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sự tham gia tích cực của Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện pháp luật, chính sách đã mang lại những kết quả quan trọng.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30,26%); phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ CEO xuất sắc của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế trên thế giới ghi nhận và tôn vinh.
Bên cạnh đó, khoảng cách giới ở mọi cấp học đã được thu hẹp; hệ thống chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị đã được tăng cường; hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng và cải thiện.
Những kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới đã nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.
Nhờ những thành tựu này mà, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.
Như vậy, từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là bằng chứng không thể phủ nhận về thành tựu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam.
An AnBạn đang xem bài viết Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].