Gia đình và người mẹ luôn là trung tâm của văn hóa và truyền thống Việt Nam, trong bối cảnh hiện đại, vai trò này càng trở nên quan trọng hơn.
Chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam - Gia đình Việt Nam” không chỉ tôn vinh người mẹ mà còn thúc đẩy những giá trị bền vững của gia đình trong thời kỳ hội nhập, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và tạo động lực phát triển cho cộng đồng.
Vai trò của gia đình và người mẹ trong xã hội hiện đại
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học Việt Nam, Văn kiện đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt vấn đề phải xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.
“Trong cách đặt vấn đề như vậy, chúng ta thấy hệ giá trị gia đình Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, công việc xây dựng hệ giá trị quốc gia hay hệ giá trị văn hóa cũng phải gắn với hệ giá trị gia đình. Khi nói đến gia đình Việt Nam, người Việt Nam hay nhắc đến người mẹ. Mẹ được quan niệm vừa là nóc nhà, vừa là người giữ lửa và truyền lửa trong gia đình. Gia đình Việt Nam gắn bó chặt chẽ với mẹ Việt Nam, nên nói đến gia đình Việt Nam nhất định phải nói đến mẹ Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức cho biết.
Cùng nói về vai trò của người mẹ, theo nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong lịch sử đất nước ta từ nghìn xưa, người mẹ Việt Nam không chỉ là người chăm sóc gia đình mà còn gắn liền với những sứ mệnh cao cả hơn, tham gia bảo vệ đất nước và xây dựng xã hội.
Hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu đứng lên kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã khắc sâu vào tâm trí người Việt Nam như biểu tượng của lòng yêu nước và sức mạnh phi thường của phụ nữ. Từ đó, người mẹ không chỉ là người tạo dựng mà còn là người nuôi dưỡng, truyền tải những giá trị văn hóa, tinh thần bất khuất cho thế hệ kế tiếp.
“Điều quan trọng là người mẹ trong gia đình không chỉ làm nhiệm vụ sinh thành, dưỡng dục mà còn có trách nhiệm gắn kết và hòa hợp các thành viên trong gia đình với cộng đồng. Điều này tạo ra một sức mạnh vô hình nhưng bền vững, đó là tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và lòng vị tha. Chính vì vậy, xã hội Việt Nam dù trải qua nhiều thăng trầm, những biến động lịch sử và văn hóa, vẫn duy trì được bản sắc riêng biệt, bởi vì trong từng gia đình luôn có bóng dáng người mẹ là trung tâm, là trụ cột tinh thần”, ông Dương Trung Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, một xã hội mạnh mẽ chỉ có thể xây dựng từ những gia đình vững chắc, và gia đình Việt Nam chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Người mẹ Việt không chỉ là người chăm lo về thể chất mà còn là người định hướng về tinh thần, đạo đức cho con cháu.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay, khi nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một bởi những lối sống mới, vai trò của gia đình và người mẹ lại càng cần được đề cao.
Đặc biệt, trước những thách thức của thời đại số và sự phát triển chóng mặt của công nghệ, việc giữ gìn và phát huy các giá trị gia đình truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng. Các gia đình cần trở thành nơi nuôi dưỡng nhân cách, sự sáng tạo và ý thức cộng đồng cho thế hệ trẻ, đồng thời phải là môi trường an toàn để bảo vệ, bồi dưỡng những giá trị văn hóa dân tộc.
Sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ trẻ về gia đình có thể khiến chúng ta lo ngại rằng gia đình truyền thống sẽ mất đi vị thế. Tuy nhiên, chính trong thời kỳ này, sự hiện diện của người mẹ với khả năng thấu hiểu và thích nghi lại càng quan trọng hơn.
Người mẹ hiện đại không chỉ chăm sóc con cái mà còn gợi mở, định hướng để con ý thức rõ ý nghĩa của gia đình và giá trị bền vững của truyền thống Việt Nam.
Tôn vinh vai trò người mẹ, khẳng định sức mạnh gắn kết gia đình
Nói về chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, “Chương trình do Tập đoàn Truyền thông Halotimes tổ chức, cùng các đối tác Hội Triết học Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Triết học, Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Du lịch TP.HCM đồng hành, mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ nhằm tôn vinh vai trò người mẹ mà còn khẳng định sức mạnh gắn kết của gia đình Việt Nam trong quá trình phát triển xã hội. Đây không chỉ là sự nhắc nhở về giá trị của gia đình, mà còn là một chiến lược để bảo vệ, gìn giữ bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập”.
Ông cho biết thêm: “Thông qua chiến dịch truyền thông này, chúng ta không chỉ nhìn lại và hiểu sâu hơn về những giá trị của người mẹ và gia đình Việt mà còn tìm ra phương hướng để tiếp tục phát huy những giá trị đó trong bối cảnh mới. Để quốc gia phát triển bền vững, chúng ta cần một nền tảng văn hóa và xã hội vững chắc, và gia đình chính là nền tảng đó. Gia đình không chỉ là nơi sinh sống của mỗi cá nhân mà còn là nơi các giá trị tinh thần được bảo tồn và phát huy".
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, chiến dịch “Mẹ Việt Nam - Gia đình Việt Nam” là một chương trình tổng hợp, đồng bộ trong nhiều lĩnh vực. Chương trình này đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nhà khoa học, nhà báo, các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý và các nhà sản xuất.
Mục đích của Chiến dịch góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó lấy việc phát huy giá trị văn hóa gia đình làm nòng cốt. Chương trình sẽ được thực hiện một cách toàn diện từ các phương diện nghiên cứu, sáng tạo đến tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế.
Mục tiêu của chương trình là tạo ra nhiều nội dung trên các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế; hỗ trợ các gia đình Việt Nam có thêm việc làm, thu nhập thông qua việc quảng bá các sản phẩm của người sản xuất nói chung, người nông dân nói riêng trên các nền tảng truyền thông; sáng tạo ra một loạt các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật về chủ đề mẹ, gia đình Việt Nam.
Cơ hội cho gia đình Việt thông qua chiến dịch “Mẹ Việt Nam - Gia đình Việt Nam”
Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, với mục tiêu của chương trình hành động này, ý tưởng giúp người dân làm giàu trên chính quê hương của mình là một điều rất đáng trân trọng, mang tính lý luận sâu sắc và thực tiễn cao.
Tinh thần mà Halotimes đã truyền đạt đến nhiều vùng miền trong cả nước. Ở Việt Nam, việc làm giàu ngay trên chính quê hương mình, dựa vào các sản vật địa phương, sức lao động và những giá trị văn hóa đặc thù, là một hướng đi rất cần được khuyến khích.
“Tôi hy vọng rằng những người nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần này và tận dụng tốt tiềm năng của quê hương. Tuy nhiên, để làm giàu trên mảnh đất của mình, người dân không thể chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân hoặc nguồn lực sẵn có. Họ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp công tư, cũng như các tổ chức đoàn thể khác.
Hơn thế nữa, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế, xã hội để tạo ra một môi trường thuận lợi. Cơ chế, chính sách và hệ thống luật pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ này đạt hiệu quả.
Tôi hy vọng rằng chiến dịch do Halotimes phát động sẽ nhanh chóng trở thành một hướng đi thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hà Giang, giảng viên khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cho rằng mục tiêu của chiến dịch là giúp người dân có thêm việc làm, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là vô cùng thiết thực và quan trọng. Người nông dân Việt Nam vốn cần cù, chịu khó và rất sáng tạo.
Nếu kết hợp những đặc tính này với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Halotimes thì nông dân sẽ không chỉ có những ý tưởng sáng tạo mà còn có thể biến chúng thành hiện thực.
Điều này sẽ góp phần xây dựng những nông thôn hiện đại, văn minh, đồng thời giúp người nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn. Họ có thể vươn ra tầm quốc tế, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng chính là một trong những cách để thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc”.
Chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam - Gia đình Việt Nam” là chương trình truyền thông xã hội được phát động với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó lấy việc phát huy giá trị văn hoá gia đình làm nòng cốt.
Với tình yêu thương và trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, ban tổ chức chương trình mong muốn phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; lấy việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống làm trọng tâm, từ đó mang lại sự thịnh vượng cho những gia đình Việt Nam.
Trong tương lai, khi những người nông dân có thể làm giàu trên đất quê hương, kế thừa và phát triển từ những công việc, nghề nghiệp mà cha ông để lại thì cũng chính những gia đình ấm no ấy tạo nên một gia đình Việt Nam đoàn kết và thịnh vượng.
Chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam - Gia đình Việt Nam” do các đơn vị truyền thông phối hợp tổ chức gồm: Tập đoàn Truyền thông Halotimes, Tạp chí Triết học, Tạp chí Du lịch TP. HCM, Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Gia đình mới, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Yolo24h, Mạng xã hội du lịch Soctrip.