Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

60 năm thành lập Khoa Nhi BV Bạch Mai: Hành trình khó khăn thành động lực phát triển

Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) được biết đến là đơn vị nhi Khoa đầu tiên nằm trong bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, thuộc tuyến cao nhất trong bậc thang điều trị ngành y tế Việt Nam.

  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám và điều trị cho bệnh nhi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám và điều trị cho bệnh nhi

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nên một thương hiệu, một địa chỉ tin cậy trong công tác khám chữa bệnh cho người dân của cả nước.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai về chặng đường xây dựng và phát triển của Khoa. 

PV: Là người về Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai ngay từ những ngày đầu tái thành lập của Khoa, ông nhìn nhận gì về Khoa trong thời điểm này?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:

Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai được thành lập từ năm 1959, sau 10 năm phát triển thành Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em. Từ năm 1981, Viện này chuyển đi cơ sở mới mà bây giờ đổi tên thành Bệnh viện Nhi Trung ương thì Khoa nhi được tái thành lập trên cơ sở cũ của Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em để lại.

Ở 20 năm đầu, từ 1980 – 2000, Khoa Nhi tiếp nhận lại cơ sở cũ của Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em. Giai đoạn này rất vất vả vì thiếu thốn đủ thứ. Các phương tiện còn dùng được đã được chuyển lên Viện Nhi. Máy móc cũ kĩ, không có nhiều… trong khi đó người dân đến khám đông đúc. Khi tôi về Khoa được phân công làm Trưởng đơn vị cấp cứu, ngày nào cũng tràn ngập bệnh nhân.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Khoa chủ yếu chuẩn bị cơ sở vật chất, con người và thêm trang thiết bị. Chủ yếu khi đó vẫn là cấp cứu, chữa cho trẻ lớn còn việc điều trị bệnh cho trẻ sơ sinh gần như chưa phát triển.

Thiếu trang thiết bị nên chúng tôi phải sửa, cải tiến máy móc cũ áp dụng cấp cứu cho bệnh nhân. Dù vậy cũng đã có rất nhiều thành công khi cứu chữa được nhiều bệnh nhân rất nặng, chủ yếu ở trẻ ngoài sơ sinh. Có những ca suy hô hấp nặng tưởng không qua khỏi vẫn được cứu sống.

PV:  Với sự thiếu thốn trang thiết bị như vậy, các y bác sĩ đã có phương án ra sao để khắc phục khó khăn, cứu chữa nhiều bệnh nhân nặng, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:

 Thời gian đầu khi mới tái lập lại, Khoa Nhi chỉ có hai máy thở cũ, một cho trẻ sơ sinh chỉ có tác dụng vận chuyển và một máy thở dùng cho người lớn. Khi đó máy thở cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không có nên chúng tôi phải cải tiến máy thở chỉ dành cho trẻ lớn là chiếc máy của Liên Xô cũ và đã cứu sống được rất nhiều trẻ bị suy hô hấp dưới 5 tuổi.

Từ năm 2001, nhờ viện trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, Khoa đã có một cơ sở mới với thiết kế cho 50 giường bệnh và các trang thiết bị cho chẩn đoán và điều trị hiện đại, nhờ vậy mà chúng tôi cứu sống được nhiều bệnh nhân mà trước kia chúng tôi phải bó tay.

Nhiều bệnh trước kia không chẩn đoán và điều trị được thì nay đã phát hiện và điều trị kịp thời cứu sống được các bệnh nhi, ví như bệnh đái ra Porphyrin niệu, bệnh hẹp động mạch thận, bệnh có nhiều u máu ở ruột…

Cùng với đó, Khoa còn đưa nhiều kỹ thuật cao vào công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chẳng hạn như ứng dụng thành công phương pháp thông khí nhân tạo mới (BIPAP) bằng máy thở EVITA Drager 2 và sau này là phương pháp thở không xâm lấn đầu tiên được áp dụng cho trẻ em ở nước ta.

Đo khí máu qua da bằng máy TCM3 để theo dõi liên tục các trẻ bị suy hô hấp cũng là phương pháp mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Nhiều trẻ vào viện trong tình trạng thập tử nhất sinh đã được cứu sống.

  Lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PV: Trong chặng đường phát triển, ông có nhìn nhận thế nào về các lĩnh vực mũi nhọn của Khoa?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:

Là nơi tiếp nhận và điều trị tuyến cuối cho bệnh nhân các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng, Khoa thường xuyên hoạt động trong tình trạng quá tải.

Giai đoạn đầu chỉ có 10 bác sĩ và 20 điều dưỡng. Bây giờ đội ngũ y bác sĩ đã tăng lên, với hơn 30 bác sĩ và hơn 50 điều dưỡng thay nhau làm việc suốt ngày đêm.

Mỗi tối có 5 bác sĩ trực, 7 điều dưỡng và cộng thêm các bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện khác về học nâng cao tay nghề. Khoa Nhi tới nay là mô hình hoàn chỉnh nằm trong Bệnh viện đa khoa Trung ương và có thể là hình mẫu cho khoa Nhi của các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh

Sự phát triển của Khoa phải kể đến đơn vị cấp cứu - sơ sinh. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhi – sản không chỉ cứu sống được trẻ mà còn giúp trẻ không để lại những biến chứng như hại mất não, cứu sống được trẻ non.

Sau 7 năm hoạt động, vào năm 2010, đơn vị sơ sinh đã có tiếng vang lớn khi cứu sống được cháu bé 700gr đã ngừng tim, mẹ tử vong vì nhiễm trùng huyết.

Đến nay, cháu bé đi học, sinh hoạt bình thường. Đây là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y năm đó, khi mà việc cứu sống trẻ dưới 1kg thời điểm đó là rất khó. Giờ thì nhiều cháu sinh non được sinh ra ở những bà mẹ bị bệnh cực kì nặng như ung thư, tim, thận… tỷ lệ cứu sống cao. Trẻ sinh ra phát triển hoàn toàn bình thường. Đến nay đơn vị cấp cứu sơ sinh còn nâng lên một tầm cao mới trong liên kết mà chúng tôi gọi là Nhi-Sản và các chuyên khoa khác của toàn bệnh viện như Tim mạch, Huyết học, Ung bướu, Thận, Gan mật… và đặc biệt là với khoa điều trị tích cực, vì càng ngày càng có nhiều các bà mẹ bị bệnh rất nặng vẫn muốn có con do vậy việc chữa trị cho các cháu sơ sinh sinh ra từ các bà mẹ bệnh trọng này là một nhu cầu đòi hỏi thực tế. Với sự phối hợp này chúng tôi đã cứu sống được rất nhiều trường hợp cả mẹ và con đều bị bệnh nặng

Không chỉ cấp cứu sơ sinh mà cấp cứu hồi sức hô hấp, ngộ độc, nhiễm khuẩn, thần kinh,… cũng là mũi nhọn của khoa. Khoa đã cứu được rất nhiều trẻ bị rắn độc cắn ngừng thở, xuất huyết… từ những nơi khác chuyển về. Hay hàng loạt trẻ bị ngộ độc chì nặng, các biến chứng viêm phổi gây suy hô hấp nặng trên trẻ bị ung thư máu, các trẻ đột quỵ xuất huyết não do dị dạng bẩm sinh mạch máu não vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng đều được cấp cứu thành công.

Về phương diện các bệnh dịch nguy hiểm như Cúm A H1N1 gây suy hô hấp cực nặng cũng đã được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt trong vụ dịch sởi năm 2014 diễn biến bất thường làm cho nhiều trẻ biến chứng nặng. Toàn thể nhân viên trong khoa đã phối hợp với nhiều khoa phòng, ban trong bệnh viện tổ chức phòng chống dịch tốt, nỗ lực từng giây phút cứu sống nhiều bệnh nhân sởi biến chứng viêm phổi, viêm não gây suy hô hấp, hôn mê, co giật nặng. Tổ chức cách ly bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện. Hiện nay do nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao nên Khoa Khi được mở rộng thêm với số giường tăng lên, từ 50 lên 120 giường, đã đẩy mạnh tập trung chữa các bệnh mạn tính như bệnh máu, thận, khớp…

  Việc chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh non tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai gặt hái được nhiều tiến bộ

Việc chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh non tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai gặt hái được nhiều tiến bộ

PV: Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, trong những năm qua, Khoa Nhi đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho các cơ sở nhi khoa tuyến dưới. Việc làm này có ý nghĩa như thế nào đối với việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng:

Thực tế cho thấy vẫn có một khoảng cách giữa tuyến Trung ương và địa phương. Đây là lý do tại sao người bệnh chấp nhận bỏ ra chi phí cao để vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh.

Nhằm giúp giảm chi phí của người dân cũng như giảm tải đối với các bệnh viện tuyến trên, dần tiến tới xóa bỏ khoảng cách chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới, hàng năm khoa đều cử nhiều cán bộ xuống các tỉnh, huyện, xã trong cả nước để chỉ đạo việc thực hiện các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảng dạy cập nhật các kiến thức chuyên sâu về bệnh lý hô hấp và cấp cứu trẻ em và sơ sinh

Khoa nhận đào tạo cho các bác sĩ về học bổ túc thêm về kiến thức và thực hành cấp cứu nhi khoa, sử dụng và vận hành tốt các máy móc hiện đại như máy thở, máy theo dõi monitoring đa chức năng cho khoa Nhi các bệnh viện như: Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc…; khoa nhi của các bệnh viện tỉnh/thành như: Hà Đông, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Tĩnh…

Hàng năm, khoa nhận đào tạo cho các sinh viên của các trường đại học nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật, Úc, Mỹ… về học thực hành tại khoa.

Ngoài ra, quy trình cấp cứu chu sinh phối hợp sản nhi cũng đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện. Chỉ sau một năm chuyển giao kĩ thuật cấp cứu sơ sinh, thở máy họ đã cấp cứu được rất nhiều trẻ, ví như hiện tại Bắc Ninh, Thái Nguyên… sơ sinh cũng đã rất phát triển. Hầu hết các đơn vị được Khoa Nhi giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương.

Hướng tới việc cấp cứu và điều trị bệnh nhân bằng khoa học tiên tiến của thế giới bởi vậy, Khoa Nhi đã tăng cường hợp tác với các nước hàng đầu về lĩnh vực điều trị và chăm sóc nhi khoa như với Trung tâm y tế quốc tế tại Tokyo Nhật bản, Trung tâm bà mẹ, thai nhi và sơ sinh Saitama Nhật bản, Trường đại học Colorado và bệnh viện Mayo Clinic Hoa kỳ để áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào việc điều trị chăm sóc bệnh nhân trong và ngoài nước. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xin chúc ông cùng toàn thể cán bộ nhân viên của Khoa sức khỏe, đạt được nhiều thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng!

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO