Để giúp giới trẻ hiểu hơn về lịch sử chữ Hiếu của người Việt và vận dụng cho đúng trong hoàn cảnh hiện nay, Gia Đình Mới đã có buổi trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) về chủ đề này.
PV: Ca dao xưa có câu: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Xin ông cho biết, chữ Hiếu của người Việt xưa được hiểu thế nào?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Văn hoá Hiếu đạo của người Việt có biểu hiện vô cùng phong phú vì đó là sự tích hợp của trải nghiệm thực tế, của chữ Hiếu trong các tôn giáo như Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo…
Trải nghiệm thực tế thì chúng ta có thể thấy rõ qua cuộc sống. Từ cổ xưa, người mẹ, người cha là người sinh thành, dưỡng dục, nâng niu chúng ta nên người, nhịn ăn nhịn mặc cho ta lớn lên, nhẫn nhục mang tiếng khi ta sai quấy, mừng rơi nước mắt khi ta trưởng thành. Công ơn đó là ai cũng cảm nhận được, công ơn đó khiến ta sẵn sàng báo đáp trong cuộc sống để đem đến hạnh phúc cho cha mẹ.
Đạo hiếu cũng rất được coi trọng trong các tôn giáo và chữ hiếu luôn phải thực hành trong đời sống hàng ngày.
Phật giáo quan niệm chữ Hiếu là “chí đạo” tức là cái đạo đức tối cao, tận cùng của con người. Kinh sách dạy Hiếu hạnh xem đạo Hiếu có “hiếu thế gian” và “hiếu xuất thế gian”. Hiếu thế gian là cung dưỡng, chăm sóc, phục vụ hết lòng khi cha mẹ còn sống, già yếu. Hiếu xuất thế gian là giúp cha mẹ tu tập, giác ngộ chân lý và cứu rỗi cha mẹ ngay cả khi họ xuất thế.
Nho giáo trong Hiếu kinh coi Hiếu đạo là nền tảng cốt yếu của Đạo đức con người. Khổng Tử dạy: “...Hiếu là căn bản của của Đức... Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra, không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết tận cùng của chữ hiếu...”.
Nho giáo sau này có định đề “Tam bất hiếu” nổi tiếng gồm: Theo lời mù quáng đẩy người thân vào việc bất chính là tội bất hiếu thứ nhất; Nhà nghèo, cha mẹ già mà không chịu ra làm quan để lấy bổng lộc về phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu thứ hai; Không chịu lấy vợ, không có con nối dõi để cúng tế ông bà tổ tiên là tội bất hiếu thứ ba (Mạnh Tử).
Chữ Hiếu trong Nho giáo cũng rất rộng rãi và chủ yếu là con cái chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ còn sống và cúng thờ gia tiên khi họ đã mất. Vì đạo Nho là đạo của người quân tử, người đàn ông học hành làm quan nên dần dần họ rút lại rất hẹp ở cái gọi là "tam bất hiếu".
Còn Kitô giáo quan niệm Hiếu là “hạt giống đầu tiên của Đức Chúa Trời gieo vào tâm hồn mỗi người”. Thực hành Hiếu hạnh là vun trồng mầm cây thiện lành đó theo lời dạy của Đức Chúa.
Mỗi tôn giáo đã lan toả, tiếp biến cùng trải nghiệm trong thực tiễn Việt Nam làm nên đạo Hiếu của người Việt với truyền thống thực hành hiếu hạnh đậm đà, phong phú, trở thành một nét đạo đức, ứng xử, lẽ sống nhiều đời.
PV: Chữ Hiếu ngày nay đã có sự khác biệt trong suy nghĩ của không ít người, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo ông, thế hệ trẻ ngày nay nên hiểu và thực hành chữ hiếu thế nào cho đúng?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Điều này thật khó nói vì xã hội, thời nào cũng vậy, rất phức tạp trong cách hiểu một phạm trù đạo đức hay tư tưởng. Đến thực hành lại càng muôn màu muôn vẻ.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy, thế hệ các thầy cô giáo của tôi (giờ họ đã gần 90 tuổi, 100 tuổi) và thế hệ của chúng tôi (gần 80 tuổi) cơ bản là thế hệ theo hai chữ Đại Hiếu “trung với nước, hiếu với dân”. Nhưng trước hiểm nguy, giữa sinh và tử cận kề, họ thốt lên từ tâm can: Mẹ ơi! Cha ơi!
Thế hệ đó hầu như muốn giữ tiếng thơm cho gia đình, dòng tộc. Nhưng họ nghèo, rất giàu băn khoăn là chưa trọn đạo Hiếu cùng cha mẹ. Thầy cô giáo của tôi nhiều người đến giờ vẫn rất nghèo. Cái khó nó bó cái khôn.
Còn thời bây giờ, cái gọi là “lớp trẻ”, họ cũng muôn màu lắm. Về cơ bản, họ đã khá đủ điều kiện để thực hành đạo Hiếu với bề trên, từ kinh tế đến sự nhận thức. Nhiều người phụng dưỡng được cha mẹ đầy đủ khi sống và phụng sự song thân, tiên tổ chu đáo khi khuất núi.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài xu hướng có ảnh hưởng khác đi, tạo ra những tiêu cực như:
- Vì vất vả kiếm sống mà có khi xao lãng việc phụng dưỡng cha mẹ
- Vì nghiêng về kinh tế mà phạm luật, không để lại danh thơm trên đời cho gia đình, họ hàng.
- Vì bị thao túng bởi các dị giáo mà quên đi những giá trị văn hoá và tín ngưỡng tốt đẹp cha ông để lại.
- Vì lòng ham muốn cá nhân mà không lập gia đình, không sinh con nối dõi, khiến dân số sụt giảm.
- Không kiệm ước trong việc thờ tự, tạo nên việc đua tranh xa hoa, lãng phí.
PV: Theo ông, thời đại 4.0 như hiện nay, chữ hiếu nên được hiểu thế nào, có cần phải ở bên cha mẹ mới là có hiếu?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Theo tôi, không chỉ cứ phải ở bên cha mẹ mới trọn vẹn chữ Hiếu. “Thần hôn định tỉnh”, “Quạt nồng ấp lạnh” là tốt. Nhưng cuộc đời đâu chỉ vậy. Các cuộc loạn lạc chiến chinh, các đợt đi dân liên miên, các dịch bệnh và thiên tai trong lịch sử, các cuộc “hạ hải” tìm đất mới, tìm thị trường... khiến con người ta đâu được an lành trong không gian làng xã. Đến các nhà sư, nho sĩ, giáo sĩ đi tuyên truyền cho đạo Hiếu họ cũng dứt gánh bôn ba vì tinh thần “từ vì đạo” để giáo hoá chúng dân.
Ngày nay, phương tiện giao thông, truyền thông và an sinh xã hội đã phát triển gấp trăm ngàn lần so với trước kia. Thời nay, con cái đem đến niềm tự hào cho bố mẹ nhiều khi còn thiết thực hơn cả điều kiện vật chất. Gửi tiền bạc, thuốc thang, hình ảnh, vật dụng... có khi còn nhanh hơn đi rừng đào củ mài, củ ráy xưa kia. Vì vậy, để phụng dưỡng cha mẹ tốt nhất nằm ở cái tâm Hiếu nghĩa, còn hành động cụ thể thì ngày nay thuận lợi lắm rồi.
PV: Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ hiếu trong gia đình thế nào và người con cần làm gì để giữ gìn và phát huy chữ Hiếu, thưa ông?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Các tín ngưỡng, các tôn giáo được pháp luật nước ta thừa nhận đều có những cốt lõi nhân đạo, nhân văn. Cái quan trọng là thấu hiểu được cái cốt lõi đó, không để mình bị dẫn dụ và thao túng bởi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.
Một khi đã thấu hiểu những giá trị nhân đạo, nhân văn thì mỗi người chúng ta sẽ biết cách tự mình bảo tồn lấy những giá trị tốt đẹp, đồng thời sáng tạo trong thực hành làm lan tỏa giá trị tốt đẹp đó.
Trong một gia đình, có người có điều kiện thực hành đạo Hiếu hơn thì người khác cần có lòng ghi nhận và tri ân. Khi mình đủ điều kiện thì góp sức thực hành. Làm sao cho thật hài hoà và hạnh phúc.
Bản thân tôi trong thực hành đạo Hiếu cũng vẫn luôn băn khoăn tự hỏi: Thế này mình đã trọn đạo Hiếu chưa?!
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!