Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo dùng vitamin A liều cao, trong thời gian dài có thể gây ngộ độc

Việc sử dụng vitamin A không đúng cách sẽ gây thừa, làm giảm mật độ khoáng trong xương, sinh quái thai và bất bình thường gan.

Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Vitamin A tốt cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là đối với cơ thể trẻ nhỏ từ 6 – 36 tháng tuổi.

Vitamin A được biết đến với 4 vai trò chính là giúp bảo vệ thị giác, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng và tham gia vào việc tạo ra các biểu mô.

Nhu cầu của cơ thể đối với vitamin A chỉ khoảng vài trăm microgam/ngày, nhưng khi thiếu nó lại gây ra những rối loạn chuyển hóa quan trọng, nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Cho trẻ sử dụng vitamin A không đúng cách sẽ gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ

Đối với trẻ nhỏ, nếu thiếu vitamin A sẽ bị giảm thị lực, gây khô da ở màng tiếp hợp, giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn đến mù lòa.

Bên cạnh đó, thiếu vitamin A còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể trẻ với bệnh tật, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Do đó, nhiều trường hợp vitamin A được chỉ định dùng cho trẻ em chậm lớn, mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp…

Ngoài ra, vitamin A được chỉ định dùng cho người mắc bệnh quáng gà, rối loạn nhìn màu mắt, khô mắt, bệnh vẩy cá, trứng cá, chứng tóc khô dễ gãy, móng chân, móng tay bị biến đổi, hội chứng tiền đình, rối loạn mãn kinh, xơ teo âm hộ, chứng mất khứu giác, viêm mũi họng mãn, điếc do nhiễm độc, ù tai, nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa, phòng thiếu hụt vitamin A ở người mới ốm dậy, phụ nữ cho con bú, cường giáp...

Dấu hiệu ngộ độc vitamin A 

Biểu hiện ngộ độc vitamin A ở mỗi người là khác nhau, nhưng thường có một số dấu hiệu như: 

- Đau xương khớp, loãng xương 

- Đau đầu, buồn nôn 

- Da khô, tóc rụng 

- Trẻ nhỏ còn thóp thì sẽ hơi phồng thóp 

- Mờ mắt, nhìn không rõ đồ vật 

- Chóng mặt liên tục 

- Tiêu chảy 

- Mất ngủ 

- Da bị mẩn ngứa, rối loạn sắc tố da, vàng da lòng bàn tay và lòng bàn chân 

- Kinh nguyệt bất thường…

Dùng vitamin A không đúng cách sẽ gây ngộ độc

Mặc dù vitamin A rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, quá lạm dụng với liều lượng lớn, trong thời gian dài sẽ gây thừa vitamin A và có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc, buồn nôn, đau xương khớp, gan lách to…

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng lý giải nguyên nhân gây ra thực trạng này là do vitamin A là vitamin tan trong dầu, khi thừa không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày như các loại vitamin tan trong nước mà tích luỹ lại trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc.

Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như: gan động vật, trứng, sữa..., có trong các loại củ, quả có màu vàng, đỏ,

Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như: gan động vật, trứng, sữa... Dạng tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong các loại củ, quả có màu vàng, đỏ, da cam như: cà rốt, đu đủ, gấc, chuối, bí đỏ… và các loại rau lá có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, rau khoai lang, mồng tơi...

Do đó, tình trạng thừa vitamin A không chỉ do uống thuốc, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng… mà còn do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bổ sung quá nhiều thực phẩm chứa beta-caroten.

Thực tế thăm khám bệnh, bác sĩ Hưng gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ quá lo lắng con bị thiếu vi chất, trong đó có vitamin A mà cho con ăn nhiều cà rốt, bí đỏ, gan động vật… và làm trẻ bị thừa beta-caroten.

Và khi thấy da của con bị vàng, nhất là da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân vàng mới hốt hoảng đưa con đi bác sĩ thăm khám.

Cha mẹ phải biết rằng, đối với trẻ nhỏ, tất cả các vitamin đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ nên phải bổ sung đầy đủ, hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm để trẻ phát triển toàn diện.

Ngoài ra, cần chú ý bổ sung thêm chất béo, dầu mỡ vào khẩu phần của trẻ. Do vitamin A là loại vitamin tan trong dầu nên khẩu phần ăn thiếu dầu mỡ sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin A của cơ thể.

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung vitamin A hữu hiệu cho trẻ, giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.

Trong giai đoạn đầu đời, trẻ cần tới 60% năng lượng từ chất béo để đáp ứng quá trình phát triển thể chất, hình thành màng tế bào và đặc biệt là hệ thần kinh.

Vì thế việc ăn thiếu chất béo không những gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ mà còn hạn chế khả năng hấp thụ các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.

Bên cạnh đó, cần cho trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để được các bác sĩ hướng dẫn và bổ sung vitamin A theo đúng định kỳ, đúng liều lượng theo từng độ tuổi.

Giới hạn tiêu thụ vitamin A 

- Giới hạn tiêu thụ vitamin A là mức tiêu thụ vitamin A cao nhất trong thời gian dài mà không có khả năng gây ảnh hưởng phụ đối với tất cả mọi người. 

- Có 3 tác dụng phụ đáng chú ý khi tiêu thụ vitamin A quá liều là giảm mật độ khoáng trong xương, sinh quái thai và bất bình thường gan. 

- Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh liều phòng và chữa bệnh không nên vượt quá 200 µg/ngày. Phụ nữ có thể hoặc đang có thai không nên dùng quá liều vitamin A 3000 µg (10000 IU)/1 ngày hoặc 7500 µg (25000 IU)/1 tuần.

Khi cho trẻ đi uống vitamin A, cha mẹ cần khai báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về việc con mình đang sử dụng loại thuốc, thực phẩm nào, với liều lượng bao nhiêu và thời gian bao lâu

Cho trẻ uống vitamin A liều cao có bị thừa?

Theo bác sĩ Hưng, vitamin A có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ.

Do đó, với những vùng mà trẻ có nguy cơ cao bị thiếu vitamin thì việc tổ chức cho trẻ uống vitamin A hai lần trong năm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng, nhất là cải thiện rất nhiều tình trạng quáng gà, nâng cao sức đề kháng của trẻ.

Tuy nhiên cũng phải cảnh giác khi cho trẻ uống vitamin liều cao, bởi, có không ít trường hợp các em bé trước đó hoặc đang được cha mẹ bổ sung thuốc có chứa vitamin A, hoặc thuốc vitamin A.

Do đó, để tránh nguy cơ rủi ro khi thừa vitamin A, khi cho trẻ đi uống vitamin A, cha mẹ cần khai báo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về việc con mình đang sử dụng loại thuốc, thực phẩm nào, với liều lượng bao nhiêu và thời gian bao lâu.

Và như vậy, các bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ biết được tình trạng sức khỏe của bé và sẽ quyết định liều lượng thích hợp nhất cho trẻ tại thời điểm đó.

Đặc biệt là không nên tự ý uống thêm vitamin A khi không cần thiết. Việc sử dụng các loại vitamin, trong đó có vitamin A, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Đối với phụ nữ mang thai nên dùng vitamin A theo sự chỉ định của bác sĩ. Mẹ bầu cũng có thể tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, không nên kéo dài thời gian sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A. Thay vào đó, nên đa dạng hóa thực phẩm để có chế độ ăn tốt nhất cho cơ thể.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan