Cách nhận biết những thẩm mỹ viện được cấp phép, tránh sa bẫy các cơ sở chui, không giấy phép hoạt động, hành nghề sai quy định, thậm chí gây hiểu lầm, lừa đảo khác hàng.
Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY
Tránh nhầm lẫn thẩm mỹ viện với spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội chia sẻ cách phân biệt cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ.
Trước hết, với tên gọi Thẩm mỹ viện mà các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang sử dụng hiện nay phải được hiểu là cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp…
Những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như này ngành y tế không cấp giấy phép hoạt động. Sau khi được cơ quan chức năng cấp đăng ký kinh doanh, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện chăm sóc sắc đẹp thông thường.
Với những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như này, Sở Y tế quản lý ở góc độ kiểm tra mỹ phẩm cơ sở sử dụng là loại nào, sử dụng như thế nào.
Ngành y tế không cấp phép cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, nhưng theo điều 37, Nghị Định 109/2016/NĐ-CP, các cơ sở này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Còn cơ sở thẩm mỹ chịu sự quản lý của Sở Y tế là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và các khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại các bệnh viện thuộc Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, điều kiện để nhận biết phòng khám đã được cấp phép hay chưa thì ngay từ phía ngoài cửa phòng khám phải có biển hiệu có thông tin tên phòng khám, giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có địa chỉ và số giấy phép mà Sở Y tế đã cấp được dán trên biển hiệu.
Tiếp đó, khi vào vị trí tiếp đón của phòng khám sẽ thấy cơ sở niêm yết giấy phép hoạt động, danh sách, ảnh hoặc chứng chỉ của người hành nghề, niêm yết bảng giá dịch vụ tại vị trí đón…
Đây là những cơ sở để người có nhu cầu làm đẹp nhận diện cơ sở này đủ điều kiện để hành nghề và có thể yên tâm thăm, khám”.
Trước khi lựa chọn đến các cơ sở để làm đẹp, người dân có thể tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội về các cơ sở thẩm mỹ được phấp phép.
Nếu cơ sở mà bạn muốn lựa chọn để làm đẹp không có những điều kiện thông tin đã nêu trên thì cần cân nhắc việc lựa chọn làm đẹp tại những cơ sở này.
Tránh tình trạng truyền miệng giới thiệu, giá rẻ. đến các cơ sở kém uy tín vừa ảnh hưởng cho sức khỏe, vừa tiếp tay cho các cơ sở vi phạm làm sai.
Ngoài ra, Sở Y tế còn quản lý phòng khám da liễu, chăm sóc da liễu có biển hiệu gắn tên bác sĩ.
Nếu các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện các thủ thuật xâm lấn, chảy máu, tiêm chọc là hành nghề không phép, nếu bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, người dân khi đi làm các dịch vụ phải để ý biển hiệu, vào các cơ sở làm đẹp cũng phải hỏi nhân viên làm cái này là làm gì, mỹ phẩm gì, sử dụng cái gì…, sản phẩm của cơ sở nào, hàng nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu…
Khi có nghi ngờ thì không nên thực hiện các dịch vụ làm đẹp và phản ánh với các cơ quan chức năng vào số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế.
Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY