BTV Minh Hà: 'Thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô, tạng là tấm thẻ đẹp nhất, giá trị nhất tôi từng có'

Sau cuộc trò chuyện với 2 khách mời về trường hợp bé Hải An, BTV Minh Hà đã quyết định đăng ký hiến toàn bộ cơ thể sau khi qua đời.

Được biết, chị đăng ký hiến toàn bộ cơ thể sau khi qua đời. Điều gì khiến chị đưa ra quyết định này?

- Ý định này tới khi tôi được biết về trường hợp của bé Hải An. Câu chuyện của An đã mang tới rất nhiều cảm xúc trong tôi. Và duyên tới khi tôi được chương trình Café sáng với VTV3 phân công thực hiện một buổi phỏng vấn với bác sĩ đã trực tiếp thực hiện một trong hai ca ghép giác mạc của An cho người bệnh khác, cùng một nhà báo đặc biệt - người đã thầm lặng đóng góp rất nhiều cho mảng báo chí y tế nói chung, và những ca ghép mô, tạng nói riêng.

Tôi đã tìm đọc các bài báo về chị ấy, rồi khi nghe chia sẻ trực tiếp từ chị và bác sĩ, tôi đã quyết định viết đơn hiến giác mạc luôn. Sau buổi phỏng vấn đó mấy ngày, chính chị ấy cũng đã đưa tôi đi đăng ký hiến toàn bộ cơ thể sau khi qua đời.

Chị có thể chia sẻ cảm xúc của chị khi được một người chị đưa đến Trung tâm điều phối mô tạng Quốc gia để viết đơn đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể?

- Hôm đó là một ngày lịch làm việc của tôi kín đặc, nên trên đường đi, tôi sốt ruột chỉ lo muộn giờ. Lúc tôi tới nơi, có một sư thầy vừa làm đơn xong và đang trò chuyện với các anh chị em ở trung tâm. Thầy đang tu tập tại Thái Lan và lặn lội về nước, tìm tới tận trung tâm để thực hiện việc này.

Một lần nữa chữ “duyên” đưa đẩy, khi tôi đến để trao đi thân mình thì lại được nhận về cả những bài giảng pháp mà không phải lúc nào mình cũng có cơ hội để được nghe. Tôi thấy hoan hỉ, thân tâm an lạc.

Chị cầm trên tay và lưu giữ tấm thẻ ghi nhận hiến mô, tạng từ tay Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc trong tâm thế như thế nào?

- Thẻ làm rất nhanh, người hiến được tự chọn một bức ảnh mình thích. Cầm thẻ trên tay, tôi thấy đây là tấm thẻ đẹp nhất, giá trị nhất mình từng có. Tôi có một niềm tin mãnh liệt, rằng mọi thứ đang biến chuyển, nhận thức của cộng đồng đang dần thay đổi.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ với tôi, từ sau câu chuyện của thiên thần Hải An, số lượng người tham gia đăng ký hiến đã tăng 100 lần so với mọi năm. Tôi là người thứ 696 viết đơn đăng ký hiến mô, tạng trong năm nay.

Ở VTV3 cơ quan tôi, lãnh đạo Ban cũng rất quan tâm tới chủ đề này và tạo điều kiện để các anh chị em biên tập viên, phóng viên được truyền tải thông điệp “cho đi là còn mãi” tới khán giả.

Trưởng ban của chúng tôi, nhà báo Tạ Bích Loan cũng có một tấm thẻ như thế. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi như  BTV, MC Hồng Nhung, Mai Trang… cũng đã đăng ký hiến mô, tạng và các bộ phận cơ thể…

Nhiều người Việt đang bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Họ lo sợ việc “chết không toàn thây”. Còn chị nghĩ sao?

- Nếu thực sự là người am hiểu văn hóa tâm linh và nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là Phật giáo một cách nghiêm túc, thì họ sẽ hiểu thân thể này chỉ là giả tạm, chẳng có gì mãi mãi.

Tôi có một câu nói cửa miệng: “Người không có gì để mất là người giàu có nhất”, chứ không phải người có rất nhiều và phải canh cánh lo giữ của. Thân thể ở một góc độ duy vật, có thể coi là một loại tài sản. Con người ta qua đời không thể mang theo tiền bạc, thì tài sản đặc biệt này cũng vậy. Tiền bạc có thể để lại cho con cháu, cho các quỹ từ thiện, nôm na là cho những nơi cần đến, thì cơ thể cũng vậy – hãy trao cho ai cần, ai thiếu.

Ta yêu thương con cháu, ta di chúc tài sản, thì hãy mở rộng hơn tình yêu thương này để có thể yêu thương cả những người không quen biết và trao cho họ thứ họ cần từ cơ thể mình. Điều đó giống như một triết lý của nhà văn tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất mọi thời đại – García Márquez: “Cao hơn cả tình yêu, đó là lòng nhân ái”.

Vậy thì, phản ứng của gia đình, người thân và bạn bè của chị như thế nào trước việc làm ý nghĩa này của chị?

- Gia đình tôi đã quen với việc tôi đi hiến máu, nên có lẽ mọi người không bất ngờ. Tôi cũng không kể gì với nhà, có thể người nhà tôi biết qua facebook và báo chí.

Bố tôi vốn là bác sĩ, công tác trong ngành xã hội, lại làm về chính sách y tế. Cả cuộc đời bố đã chứng kiến và giải quyết nhiều vấn đề xã hội nhức nhối, nên chắc trong mắt bố tôi, việc này là bình thường. Mẹ tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, và cũng đi hiến máu ở tuổi U60 nên dù mẹ không nói, tôi nghĩ với mẹ tôi, việc trao đi đơn giản là việc cần làm, là trách nhiệm của một công dân, không có gì to tát.

Chị chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của chị cũng đã đăng ký hiến mô, tạng và các bộ phận cơ thể. Tấm lòng nhân ái đang được lan tỏa ngay trong môi trường chị làm việc hàng ngày. Công việc của một BTV truyền hình đem lại cho chị những trải nghiệm như thế nào?

- Công việc tại Đài không mang tới thu nhập cao như những công việc khác tôi đã và đang làm, nhưng từ đầu tôi đã xác định rõ: có những thứ chúng ta làm để tích lũy tài chính cho bản thân, và có những việc ta làm không phải vì tiền. Làm truyền hình mang lại cho tôi những giá trị khác mà không công việc nào có được, đó là một tuổi thanh xuân rực rỡ sắc màu.

Tôi được hòa mình vào đời sống của những người lính, được trải nghiệm về sự hồi sinh sau cơn lũ dữ của bà con vùng cao, được tiếp cận những chính sách mới theo nhiều góc nhìn và quan điểm khách quan, được trực tiếp đặt câu hỏi tới những yếu nhân của đất nước, được làm cầu nối để hóa giải những băn khoăn thắc mắc giữa chính quyền và người dân, được làm chim bồ câu truyền đi những thông điệp lạc quan về cuộc sống, được mang niềm vui, mang thông tin cho mọi người… Có công việc nào mang lại nhiều hạnh phúc như thế cho một tuổi trẻ không bất tận?

Làm việc trong môi trường đòi hỏi sự sáng tạo cao và áp lực. Chị tìm lại cân bằng cách nào?

- Tôi không tìm. Sự cân bằng luôn ở trong mỗi chúng ta, là trạng thái nguyên sơ và cơ bản nhất của mỗi người. Chỉ có tự chúng ta để cho yếu tố bên ngoài tác động vào mình, thì trạng thái cân bằng đó mất đi, chứ tự nó không biến chuyển được.

Tôi không đợi nó mất đi rồi mới tìm lại. Từ ban đầu, tôi hiểu nguyên lý cân bằng, và tôi tự quyết định cho mình mở lòng đón nhận sự việc gì, và ngưng dành thời gian, tâm trí cho việc gì.

Có một thời gian chị tập trung công việc tại Đài Truyền hình rồi quay lại màn ảnh nhỏ với vai diễn trong phim "Hôn nhân trong ngõ hẹp". Chị cũng áp dụng nguyên lý cân bằng trong việc này...

- Nguyên lý cân bằng không liên quan gì đến quyết định này. Đơn giản, những năm đầu về làm tại VTV, tôi còn nhiều bỡ ngỡ vì không học chuyên ngành báo chí, vì thế tôi tạm ngưng đóng phim để tập trung trau dồi kiến thức chuyên môn.

Giống như trước đây, tôi học Pencak Silat suốt những năm cấp 2, được đi thi đấu, có huy chương, tôi mê võ vô cùng. Nhưng đến năm cuối cấp, cần tập trung ôn thi vào cấp 3, gia đình tôi quyết định tôi sẽ ngừng tập võ để chuyên tâm học hành. Tôi không tập võ nữa đâu phải vì tôi hết mê Silat.

Ngưng làm gì, ngưng gặp ai không có nghĩa việc đó, người đó không còn giá trị với ta. Cái gì đến sẽ đến vào đúng thời điểm của nó. Mọi quyết định hay lựa chọn trong đời cũng vậy. Khi nào tôi thấy tôi cần gì, thiếu gì và muốn gì, tôi sẽ ưu tiên thời gian, tâm trí của mình cho cái đó.

Vai diễn nhà báo Minh An trong bộ phim “Lựa chọn cuối cùng” giúp chị lần đầu tiên có tên trong đề cử giải thưởng VTV Awards 2017 ở hạng mục Diễn viên nữ ấn tượng, có vẻ con đường diễn xuất của chị đang thăng hoa?

- Như tôi đã chia sẻ trên báo nhiều lần trước đây, chưa bao giờ tôi coi mình là diễn viên, và diễn xuất chưa bao giờ là con đường tôi đi. Tôi thấy mình may mắn khi các vai diễn của tôi được truyền thông ưu ái, các cô chú anh chị trong nghề động viên, được đề cử…, nhưng về bản chất, tôi biết năng lực của mình tới đâu. Tôi vẫn luôn đặt các nghệ sĩ thực thụ ở một đẳng cấp khác những người tay ngang như tôi.

Chị chia sẻ, diễn viên không là nghề của chị. Chắc hẳn chị đã từ chối nhiều kịch bản…

- Năm ngoái, tôi từ chối 2 phim. Trong cuộc đời bao giờ cũng vậy, luôn có những thời điểm chúng ta phải đứng giữa các lựa chọn. Nói lời từ chối cũng là một lựa chọn ai cũng từng trải qua.

Lý do từ chối các kịch bản phim thì nhiều: vướng lịch không sắp xếp được thời gian, vai diễn không phù hợp, nhân vật không gây cảm hứng, chưa cảm được kịch bản hay đơn giản là biết mình sẽ làm không tốt trong khi có nhiều sự lựa chọn nhân sự hợp lý hơn mà đoàn phim có thể nhắm tới. Cái gì mình chắc chắn mình làm tốt thì hãy nhận, và nhận rồi thì phải làm cho tử tế.

Công việc truyền hình mang lại nhiều hạnh phúc cho một tuổi trẻ không bất tận. Vậy thì, việc bắt đầu học thiết kế thời trang và sáng lập một thương hiệu thời trang mang tới cho chị điều gì? Chị bắt đầu với điều này như thế nào?

- Tới năm 29 tuổi, tôi mới bắt đầu dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình ở lĩnh vực kinh doanh và thiết kế thời trang, và tới nay vẫn đang trong giai đoạn mày mò thử nghiệm. 30 tuổi, tôi quay lại giảng đường để học về thời trang, lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật… để phục vụ dự án dài hơi này.

Hiện tại, tôi đang là học viên của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội. Việc đi học ở lứa tuổi này khiến cho quỹ thời gian của tôi luôn căng thẳng, nhất là khi bài tập luôn dày và nặng. Nhưng đó là một hạnh phúc kiểu khác mà tôi tự thiết lập cho mình. Đi học, tôi nhận ra thể lực và trí lực của bản thân dồi dào hơn tôi vẫn tưởng. Tôi thích môi trường của nghệ thuật sáng tạo vì nó làm cho con người ta luôn tươi mới, luôn vận động.

Nhiều người ngạc nhiên, 30 tuổi mà chị vẫn còn đi học...

- Quan điểm của tôi, muốn xây cao thì móng phải vững, muốn làm nghề cho tử tế thì phải học hành bài bản, nghiêm túc từ những khái niệm sơ đẳng nhất. Tôi là người cầu toàn, duy mỹ. Thế giới xung quanh thì bao la, rộng lớn. Đi học ngoài bổ sung kiến thức, kỹ năng thì còn giúp cho tư duy của mình nhạy bén hơn, đến gần với thế giới bên ngoài, và đi sâu vào thế giới bên trong hơn.

Tôi đã nhận bằng thạc sĩ hai năm nay. Tôi không biết mình có thể học gì nữa trong tương lai, nhưng nếu có điều kiện, tôi vẫn muốn đi học.


Tin liên quan