Thay vì cố bắt trẻ tự kỷ phải hòa nhập với cuộc sống, các chuyên viên trị liệu học cách để bước vào thế giới riêng của chúng.

Dãy hành lang trong một buổi chiều đầu tuần tại Đơn Nguyên Kỹ thuật cao điều trị Tự kỷ và Bại não (Vimec Times City) vắng lặng. Bên trong mỗi căn phòng, các chuyên viên trị liệu âm nhạc, thiền vận động, mỹ thuật, giáo dục đặc biệt… đang dạy các đứa trẻ mang hội chứng tự kỷ những bài học tưởng như là bản năng của một con người.

Empty

“Đồ, rê, mi, pha, son, la, si…”

Những nốt nhạc được dẫn dắt bởi cô Phùng Ngọc Hà (chuyên viên trị liệu âm nhạc, Đơn Nguyên Kỹ thuật cao điều trị Tự kỷ và Bại não, Vimec Times City) và được phát ra bằng giọng nói của Phương Anh – một đứa trẻ mang trong mình hội chứng tự kỷ.

Phương Anh bắt đầu buổi học bằng bài học “đọc” các nốt nhạc thông qua màu sắc nhận biết. Tuỳ từng đứa trẻ mà Ngọc Hà chọn cách giúp chúng ghi nhớ nốt nhạc bằng màu sắc, số hay chữ cái.

Khi dạy những đứa trẻ tự kỷ, Ngọc Hà khám phá thêm được khả năng sáng tạo của mình.

“Bây giờ Phương Anh đàn một bài cho cô và mẹ nghe nhé! Con thích bài nào con tự đi lấy đĩa nhạc nào…”, Ngọc Hà nhịp nhàng chuyển sang hoạt động khác trong buổi trị liệu.

Phương Anh chạy đi rồi mang lại khoảng 10 cái đĩa giấy, trên đó là những nốt nhạc được tô các màu để phân biệt với nhau. Đó là những học cụ do các chuyên viên trị liệu âm nhạc tại đây tự làm. Phương Anh chọn chiếc đĩa có ghi tên bài "Đàn gà con". Ân cần và chờ đón, Ngọc Hà chỉ vào từng nốt nhạc một, cô bé 7 tuổi gõ theo màu sắc tương ứng.

Mỗi ngày gặp các con, cô giáo bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam với đề tài “Sử dụng âm nhạc trong giáo dục trẻ tự kỷ” đều cảm thấy vui vẻ.

Bản nhạc không lời vang lên, Ngọc Hà dạy các con thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt với những bản nhạc không lời mang đủ sắc thái hỉ - nộ - ái - ố, sử dụng âm nhạc với đủ chất liệu, hình thức, thể loại phong phú để giải phóng năng lượng khi trẻ bị ức chế, để trấn tĩnh khi trẻ tăng động và dạy trẻ chơi một số nhạc cụ đơn giản để trẻ tương tác, hòa tấu với nhau.

Với Ngọc Hà, âm nhạc tuyệt vời ở chỗ nó như sợi dây vô hình giúp trẻ tự kỷ kết nối với người khác một cách tự nhiên nhất và “Ở đâu ngôn ngữ bất đồng thì ở đó âm nhạc vang lên thay thế”.

Mục đích quan trọng nhất của Ngọc Hà khi sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ không phải là dạy các con biết đàn, biết hát mà thông qua âm nhạc để khắc phục các thiếu hụt và dạy cho trẻ các kĩ năng sống. Âm nhạc thu hút những đứa trẻ tự kỷ tập trung tham gia và thực hiện các yêu cầu của người lớn, giúp chúng dễ dàng hiểu và tiếp thu hơn.

“Nhìn thấy con có chút tiến bộ thôi cũng thấy hạnh phúc, kể cả việc dạy cái vỗ tay mất 2 tháng trời”, Ngọc Hà chia sẻ.

Mỗi khi bước chân vào căn phòng trị liệu âm nhạc này – nơi trước kia được bố trí dự định là phòng điều trị bệnh của bệnh viện, Ngọc Hà đều tìm niềm hứng khởi. Vì với cô, mình là người truyền năng lượng cho các con và phụ huynh nên không thể tỏ ra mệt mỏi hay chán nản được.

Trong căn phòng này, Ngọc Hà bỗng thấy bệnh viện không chỉ là nơi đấu tranh để giành giật giữa sự sống và cái chết mà còn là nơi thắp sáng niềm tin và hy vọng cho những đứa nhỏ và bố mẹ của chúng.

Tiếng đàn của Phương Anh kết thúc ca trị liệu bằng âm nhạc kéo dài 30 phút.

Empty

Cách đó 3 tầng, chuyên viên trị liệu thiền và vận động Vân Hà đang đợi Phương Anh di chuyển từ tầng 3 lên. Chiếc cửa kính lớn ngăn cách khu nội trú với hành lang bên ngoài, mẹ Phương Anh phải cần một cái thẻ mới vào được bên trong. Căn phòng 6-103 mở ra, mùi hương tinh dầu và thứ ánh sáng màu vàng nồng ấm đón Phương Anh vào vòng tay cô Vân Hà.

- Cô chào Phương Anh!

- Con chào cô Hà!

Một buổi trị liệu thiền và vận động kéo dài trong 30 phút của Phương Anh bắt đầu với tiếng cười chào nhau của hai cô trò.

Hai năm trước, Vân Hà quyết định rẽ hướng sang một lĩnh vực vô cùng mới mẻ sau một thời gian dài trải nghiệm những công việc vốn đã nhàm chán và quen thuộc. Cô gái ấy quyết tâm đi tìm những đam mê đích thực và sẵn sàng đánh đổi một phần thanh xuân để sống thật trọn vẹn với chính mình.

Sau khi trở về từ chuyến hành trình rèn luyện yoga và thiền định rất ý nghĩa ở phương Nam, người phụ nữ 25 tuổi khi ấy vẫn luôn khắc khoải với mong ước mãnh liệt là được giúp đỡ người khác bằng phương pháp trị liệu của mình.

Như một cái duyên đã được định trước, Vân Hà chính thức trở thành một huấn luyện viên hướng dẫn thiền – yoga, đồng thời là tình nguyện viên cho một trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ trước khi gia nhập bệnh viện quốc tế Vinmec. Những ngày đầu, tại nơi lần đầu tiên cho Vân Hà biết thế nào là hội chứng tự kỷ, cô ngạc nhiên trước những biểu hiện và hành vi khác lạ của những đứa trẻ tại đó.

Giống như cô gái nhỏ Phương Anh đang ngồi cùng Vân Hà thực hiện động tác vận động nghiêng trái, nghiêng phải bây giờ, từng khuôn mặt nhỏ xinh ở trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ đó cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của cô.

Trong buổi trị liệu hôm nay, Vân Hà thử thách Phương Anh bằng một động tác mới và khó hơn mọi ngày. Cô bé đã làm thành công và được cô khen “Phương Anh giỏi lắm!”. Tiếng cười lý lắc của Phương Anh làm gian phòng trị liệu cá nhân như bừng sáng, khiến Vân Hà vui khấp khởi. Niềm vui của Vân Hà lúc đó cũng giống cảm giác của cô cách đây gần 3 tháng, cô phải mất 3 ngày để Phương Anh có thể điền vào chỗ trống mà không cần sự trợ giúp: “Chúng ta bắt đầu chơi trò…” – “Ném phi tiêu ạ!”

“Chỉ cần các con nhìn mình một cái, con có thể làm được cái này, cái kia thôi cũng khiến tôi vui cả ngày”, Vân Hà chia sẻ.

Mỗi ngày, Vân Hà đón các con vào phòng trị liệu trong suy nghĩ một chặng đường lại quay về nơi bắt đầu với những mục tiêu phụ thuộc vào sức khoẻ và tâm trạng của các con hôm đó. Được trải qua tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ cùng những đứa trẻ, Vân Hà coi đó là một điều may mắn. Công việc này đem lại cho Vân Hà nhiều cảm xúc yêu thương và ý thức trách nhiệm với việc mình làm.

Thấy Phương Anh mất tập trung, nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ đeo tay, Vân Hà nhẹ nhàng tháo ra, nhanh tay để nó khuất tầm mắt của Phương Anh. Cách chỗ đeo đồng hồ khoảng 10cm là một vết xước đang lên da non trên bụng tay Vân Hà. Đó là một trong nhiều hậu quả đến từ hành vi xâm kích của những đứa trẻ được Vân Hà trị liệu.

Vân Hà tâm sự, cô từng bị các con cào, cấu, tát, húc chân vào bụng, nhổ phì phì nước bọt vào mặt… Những lúc đó, Vân Hà không giận các con mà chỉ thấy thương các con vô cùng. Với Vân Hà, chắc hẳn trong các con có điều gì đó bứt rứt, khó chịu khiến các con không vui nên chúng mới làm những hành vi không phù hợp như vậy. Vì thế, Vân Hà luôn cố gắng làm sao để con được chơi, được vui trước đã rồi mới thực hiện các bước can thiệp tiếp theo.

Thiền và vận động thân thể khoảng 15 phút liên tục, Vân Hà cho Phương Anh nghỉ vài phút.

- Bây giờ cô cho Phương Anh nghỉ một, hai phút nhé. Con muốn chơi gì? Cô Hà cho con chọn…

- Chơi xếp gỗ ạ.

Vân Hà hỏi và để các con được quyền lựa chọn làm gì cũng là cách giúp các bé có cảm giác được quan tâm và tôn trọng. Bản nhạc không lời vẫn vang lên trong căn phòng có Vân Hà, có Phương Anh và những vật dụng cần thiết hỗ trợ cho cuộc trị liệu. Hai cô trò thực hiện động tác lăn dọc sống lưng, Phương Anh cười hềnh hệch “lên”, “xuống”.

Vân Hà luôn cảm nhận phải cực kì vững vàng và kiên nhẫn thì mới có thể làm tốt công việc của mình được. Khi từng giây, từng phút trôi mà các con không có tiến bộ hay không đạt được kết quả, Vân Hà cũng không tránh khỏi sốt ruột giống như bao đồng nghiệp khác của mình.

Hơn 1 năm làm chuyên viên trị liệu trẻ tự kỷ, cô luôn thấy những điều mình biết và cố gắng là chưa đủ. Nhiều khi, chỉ hơi to tiếng với các con thôi nhưng Vân Hà thấy đó là cả một sự thất bại.

- Hôm nay Phương Anh làm tốt lắm. Cô chào Phương Anh!

- Con chào cô Hà ạ!

Cái ôm chào Phương Anh để sang phòng trị liệu khác như cho cô thêm sức mạnh để nuôi dưỡng khát khao làm những điều có ý nghĩa cho xã hội. Nhiều lúc Vân Hà cảm nhận những đứa trẻ đó như người thân của cô. Vì chúng cũng biết ôm hôn và thể hiện cảm xúc của mình. Không gì khác, đó chính là tình yêu thương vẫn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi.

Empty

“Mỗi sáng thức dậy, điều gì khiến bạn thấy hạnh phúc nhất?”, Ngọc Hà cùng nhiều đồng nghiệp của mình đã nhận được câu hỏi như vậy từ một người thầy trong khoá đào tạo. Nhiều câu trả lời được đưa ra.

Thầy đáp lại, “Việc chúng ta thấy hạnh phúc đơn giản là chúng ta làm chủ cuộc sống của mình, tự xúc cơm ăn được, tự đứng lên đi được… Và công việc của chúng ta là ở đây giúp những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể làm được những điều như vậy…”

Hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản đó, lại là một điều khó đạt được với những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Và đó cũng là cả trời mong ước của từng phụ huynh có con không may mắn mang trong mình hội chứng này.  

Ngọc Hà mời mẹ của Phương Anh cùng tham gia trò chơi với hai cô trò. Tấm vải dù bảy sắc cầu vồng được tung lên, hạ xuống theo nhịp điệu của bản nhạc khiến Phương Anh cười khanh khách. Mẹ của Phương Anh nhìn theo từng diễn biến cảm xúc được biểu hiện trên nét mặt cô bé này. Chị cũng cười theo con và hai chuyên viên trị liệu âm nhạc.

Hơn một lần Ngọc Hà có ý định bỏ cuộc vì những khó khăn chưa khi nào vơi đi. Thế nhưng, chính những đôi mắt to tròn không nhìn cô nhưng khi âm nhạc bắt đầu, cô trò nắm tay nhau, cùng nhảy múa. “Cả cô và trò đều cảm thấy sảng khoái vì bọn trẻ được giải phóng năng lượng, được tung tăng làm điều chúng thích, được thể hiện đủ các động tác kỳ cục mà cô cũng bắt chước theo chúng và chính điều ấy làm bọn chúng “khoái” tôi và tôi đã thành công trong việc bước vào thế giới riêng của chúng”, Ngọc Hà mừng rỡ.

“Cô cố lên!”, “Cảm ơn cô, lần đầu tiên chúng tôi có cảm giác con giống như những đứa trẻ khác”… , thi thoảng Ngọc Hà nhận được những tin nhắn động viên như vậy từ phụ huynh.

“Trong cuộc chiến này, chiến thắng chỉ dành cho người không bỏ cuộc và tôi tin họ là chiến binh kiên cường sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”, Ngọc Hà chia sẻ.

Vân Hà tự hứa với lòng mình sẽ ở bên các con chừng nào có thể, sẽ kiên nhẫn và dặn chính mình cần cố gắng không ngừng trong từng hơi thở vào và hơi thở ra.

Nhiều người đã từng hỏi Vân Hà, định nghĩa về sự bình an. Họ bảo: nói thì dễ mà làm thì khó. “Đối với cô, bình an là mỗi ngày được thu xếp lại cuộc sống của một người lớn, đồng hành cùng các con trong căn phòng quen thuộc, được trông thấy các con vô tư nói cười và gạt bỏ hết đi những ồn ào, xôn xao ngoài phố.

Là mỗi khi nhận lấy thông tin bệnh án, lưu lại cẩn thận trong báo cáo rồi ngày qua ngày ghi lại những dòng đánh giá sau tốt hơn ngày hôm trước. Những cái tên dần trở nên quen thuộc. Là mỗi khi các con ê a, mắt nhìn vô hồn, nhịp tay nhịp chân một cách vô thức, các cô vẫn tin là các con rất ngoan và hiểu chuyện”, Vân Hà thổ lộ.

Với các chuyên viên trị liệu cho trẻ tự kỷ như Ngọc Hà hay Vân Hà, lúc nào họ cũng cười, bởi họ không dạy gì nhiều cho bọn trẻ, chỉ đơn giản là họ cùng chúng học cách lắng nghe, dạy chúng cách cảm nhận về mọi thứ xung quanh. Thay vì cố bắt chúng phải hòa nhập thế giới của mình, họ học cách để bước vào thế giới riêng của trẻ. Lúc họ được lắng nghe, chia sẻ với các con và với mọi người là những lúc họ thấy hạnh phúc.

Chặng đường trị liệu cho mỗi đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ còn rất dài. Họ - những chuyên viên trị liệu ngôn ngữ, mỹ thuật, tâm lý, giáo dục đặc biệt, âm nhạc, thiền và vận động vẫn đang cần mẫn mỗi ngày, phối hợp với nhau để làm những điều tốt nhất cho các con. 

"Mỗi ngày trôi qua, tôi sẽ không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ nếu thiếu đi sợ trợ giúp của những ngừoi đồng nghiệp mà cũng là những người chị em, người bạn thân thiết của mình. Chúng tôi luôn luôn là một đội", Vân Hà thổ lộ. 

Ngày mai, trong mỗi căn phòng trị liệu, vẫn là dáng hình cần mẫn của cô Ngọc Hà, Vân Hà và rất nhiều chuyên viên trị liệu khác. Những âm thanh quen thuộc mà chỉ ở trong mỗi căn phòng mới biết chính xác được điều gì đang diễn ra. Đó là trở thành một phần cuộc sống của một giáo viên và chuyên viên trị liệu.

Và tất cả họ đều lướt qua hành lang, gõ từng căn phòng trị liệu, thắp lên niềm tin ít ỏi và hi vọng mong manh cho những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ và bố mẹ của chúng.

*Tên nhân vật trẻ tự kỷ đã được thay đổi

footer

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính