“Nhà bà có mùi gì thơm đặc biệt thế?”
“Mùi bơ, mùi bột, mùi sữa chứ mùi gì…”
Chị Vũ Ánh Nguyệt hay trả lời như vậy mỗi lần bạn bè của vợ chồng chị đến nhà chơi. Căn bếp thơm mùi của những mẻ bánh mới ra lò len lỏi từng góc, lan toả khắp căn nhà của vợ chồng chị.
Căn bếp đó là nơi khơi nguồn cho niềm đam mê làm bánh bất tận của chị Nguyệt và những cuộc vui chụp hình sản phẩm của ba mẹ con chị khi “anh đi công tác xa”. Đó cũng là nơi thổi bùng lên sức mạnh của chị trong quá trình vượt qua nỗi đau tột cùng.
4 năm sau thành công vang dội của cuốn sách “Hành trình bếp bánh”, chị quay lại với công chúng, chị có nghĩ mình đã bỏ qua nhiều cơ hội không?
- Nhiều người cũng nói tôi đã bỏ lỡ cơ hội mà có thể mang tới cho tôi nhiều thành công hơn nữa. Nhưng đúng là cuộc sống không lường trước được điều gì. Biến cố ập đến quá bất ngờ, tôi buộc phải dừng lại tất cả để tập trung lo công việc gia đình.
Cuộc đời không có điều gì không phải đánh đổi, cái gì cũng có giá của nó. Tôi nghĩ, không có gì là muộn cả, kể cả bây giờ, tôi bắt đầu lại từ con số 0 thì tôi cũng không thấy nuối tiếc việc mình đã bỏ lỡ những gì trong 2 năm qua.
Chị có nhắc tới biến cố khiến chị buộc phải dừng lại tất cả. Chị có thể chia sẻ biến cố đó là gì?
- Tôi là con út trong gia đình gia giáo có 5 anh chị em, cuộc sống của tôi trôi qua êm đềm, ấm áp. Tôi lấy chồng, sinh con như bao người phụ nữ khác và có một cuộc sống hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi nghĩ được cuộc đời của mình sẽ thiếu vắng đi những người mà tôi yêu thương. Vậy mà 2 năm trước, chồng tôi không may mắc phải căn bệnh ung thư và anh ấy đã ra đi cách đây hơn 1 năm. Tôi suy sụp hoàn toàn.
Chị đã trở lại với “Mùi của Bếp” như thế nào?
- Nếu như "BakingFun - Hành trình Bếp bánh” ra đời với cả một quá trình thử nghiệm, tích lũy và chuẩn bị suốt 8 năm, thực hiện toàn bộ khâu hình ảnh và thiết kế trong suốt 1 năm - với gần 300 đêm làm việc sau 0 giờ và vô vàn sự tỉ mỉ, cặn kẽ khác thì “Mùi của Bếp” lại được ươm mầm từ hơn 3 năm trước. 2/3 nội dung cuối sách, cũng được tôi hoàn thành từ 3 năm trước đó. Nhưng rồi, mọi thứ chững lại khoảng 1 năm, để tôi dồn hết tinh thần, sức lực vào những gì tôi có thể làm cho chồng và 1 năm tiếp theo để tôi hàn gắn nỗi đau trong lòng.
Cuốn sách còn dang dở được chị hoàn thiện như thế nào?
- Sau khi chồng tôi ra đi, tôi vùi đầu vào công việc, vào những thứ mình đam mê trước đây, để tạm quên đi nỗi đau. Và khi được sống với đam mê đó của mình, tôi được làm chính mình, và tôi lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Tôi có bạn bè, người thân, những người luôn bên cạnh khi tôi yếu đuối nhất, mệt mỏi nhất. Họ đã cho tôi thấy, cuộc sống này còn tươi đẹp lắm, cuộc đời này còn nhiều điều có ý nghĩa và đáng trân trọng lắm. Họ luôn khích lệ tôi, cho tôi thêm sức mạnh để đi qua quãng đường tăm tối nhất, để tôi được sống với chính đam mê của mình, và để tôi có nghị lực hoàn thiện nốt cuốn sách còn dở dang.
Có vẻ chị cũng giống như bao người, lao vào công việc để quên đi tất cả?
- Trước đó, gần 1 năm chăm chồng bị bệnh, tôi không có chút thời gian nào ngưng lại để suy nghĩ bất cứ điều gì, việc tới đâu thì xử lý tới đó. Sau đó, tôi lao vào nghiên cứu và tìm hiểu các công thức bánh bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, để cải thiện bữa ăn khắt khe của chồng tôi.
Và đây chính là tâm nguyện, là mong ước của tôi, rằng tôi phải tìm hiểu sâu hơn nữa về dòng bánh tốt cho sức khỏe này, để thay đổi dần cách sống, để có thể hạn chế bớt những rủi ro với sức khỏe của chúng ta, để có thể cải thiện sức khỏe của chúng ta, cho dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Những lúc gắn mình với căn bếp là khi tôi nghĩ mình đã vượt qua biến cố nhưng sau khi rời căn bếp, nỗi đau vẫn còn như mới hôm qua. Tôi chỉ nghĩ mình đang trong quá trình vượt qua thử thách, và tôi tin, tôi sẽ làm được.
Căn bếp có phải một nguồn an ủi của chị thời điểm ấy?
- Vâng, đúng vậy! Trước đây, con tôi đã từng nói “khi mẹ ốm, chỉ cần mẹ vào bếp, là mẹ lại khỏe ngay”. Còn với thời điểm khi tôi phải vượt qua nỗi đau đó, thì căn bếp chính là một người bạn, lặng lẽ cùng tôi thực hiện từng mẻ bánh, âm thầm ôm trọn lấy tôi, xoa dịu nỗi đau của tôi với những hương thơm từ chính căn bếp đó. Và tôi đã tìm thấy sự bình an trong căn bếp của mình.
Hẳn chị vẫn luôn cảm nhận được chồng mình vẫn ở bên hằng ngày, đúng không?
- Khi anh ấy mới đi, tôi tự huyễn hoặc mình, là anh chỉ đi công tác xa thôi. Dần dần, tôi nghĩ mình nên đối diện với thực tế về sự ra đi này. Nhưng tôi tin rằng, anh ấy vẫn luôn ở bên cạnh và dõi theo chúng tôi, nên khi có việc gì đó, tôi vẫn nói chuyện với chồng qua tâm thức hoặc đôi khi, đứng trước di ảnh của anh để nói chuyện. Như khi được thông báo 23/3 là ngày cuốn “Mùi của bếp” được phát hành, ngay lập tức, tôi reo lên trong đầu: “Em đã làm được rồi, được rồi anh ạ!”
Có phải chị làm “Mùi của Bếp” để tặng chồng của mình?
- “Mùi của bếp” gợi cho tôi nhớ tới bữa cơm gia đình, khi tất cả mọi người trong nhà đoàn tụ lại với nhau, sau một ngày làm việc, học hành. Đó là lúc mọi người chia sẻ, tâm sự; là lúc các thành viên trong gia đình kết nối gần nhất và nhiều nhất với nhau, và cũng là lúc chia sẻ sự quan tâm, yêu thương khi các thành viên quây quần bên mâm cơm buổi tối. Nó gợi cho tôi về một gia đình hạnh phúc, ấm cúng.
Chị gửi gắm điều gì trong “Mùi của bếp”?
- Điều tôi muốn truyền tải trong cuốn sách này không phải là những công thức trong đó mà là tình cảm gia đình được gìn giữ thông qua người phụ nữ - bà chủ của căn bếp đó. Người ta vẫn nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Với tôi, căn bếp không thể thiếu trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Từ chính tình yêu thương mà người phụ nữ trong gia đình dành cho người thân yêu của họ, họ sẽ vào bếp, mày mò chế biến các món ăn. Đó có thể là những món ăn chưa ngon, chưa đẹp mắt với nhiều người nhưng trong gia đình, nhưng đó là niềm hạnh phúc, là sự quan tâm, chia sẻ với nhau. “Con đường ngắn nhất đến trái tim đàn ông là đi qua... dạ dày” mà (cười). Căn bếp cũng chính là nơi cho ra những bữa cơm gia đình, là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.
Nhiều người tự nhận thấy, họ trở nên đàn bà hơn trong chính căn bếp của mình…
- Người phụ nữ nào cũng vậy, cho dù có làm gì, có thành công ngoài xã hội đến đâu thì khi trở về nhà, họ cũng vẫn là người mẹ, người vợ, là người giữ lửa hạnh phúc gia đình mình bằng chính ngọn lửa trong căn bếp.
Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn không phải lúc nào cũng cho phép người vợ và cũng nhiều bà mẹ cho rằng không phải dâu đảm vợ hiền là phải vào bếp…
- Đúng là cuộc sống bận rộn không phải lúc nào người phụ nữ cũng có thể vào bếp nấu nướng cho cả gia đình, ngay cả tôi cũng có nhiều lúc như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không yêu gia đình của mình. Họ vẫn thể hiện tình yêu, sự quan tâm với người thân bằng nhiều cách khác nhau, ở trong chính căn nhà của họ.
Vậy thì, tinh thần trong căn bếp của chị như thế nào?
- Hương vị trong bếp của mỗi gia đình đều khác nhau, nó phụ thuộc và chủ nhân của căn bếp đó. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung, nó không đơn thuần là mùi của thực phẩm, bánh trái… mà còn là hương vị tình yêu, là sự gắn kết của các thành viên trong gia đình.
Bạn hãy thử hình dung nhé, người vợ chuẩn bị nấu cơm, chồng giúp nhặt rau, con quét nhà. Tất cả vừa làm việc, vừa truyện trò vui vẻ. Thật hạnh phúc phải không ạ? Vì thế, theo tôi, tinh thần trong căn bếp của chúng ta, đó chính là sự vui vẻ, ấm cúng, sẻ chia, và sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên.
Tại sao lại là những cái tên “Hành trình Bếp bánh” và “Mùi của Bếp”?
- Đó thực sự là những cái tên rất… đơn giản, phải không? Nó đơn giản như chính con người tôi thôi (cười). “Hành trình bếp bánh” là một cuộc dạo chơi, khám phá cuộc sống xung quanh, thông qua các công thức đa dạng, “Mùi của bếp” đưa tôi về với gia đình, với sự ấm áp, với tình yêu của người phụ nữ, dành cho người thân của cô ấy. Tất cả chỉ đơn giản vậy thôi.
Mùi của Bếp là hơn 30 công thức bánh đỉnh cao được tác giả Vũ Ánh Nguyệt nghiên cứu và thực hiện trong một quá trình dài. Bên cạnh đó, cuốn sách không thể thiếu những nguyên tắc cơ bản về bánh mì được tác giả tóm gọn trong phần mở đầu.
Mùi của Bếp sẽ lan tỏa hương thơm của nó tới các gian bếp khác, ở các gia đình khác. Đó chính là hương thơm tình yêu của những người phụ nữ mang tới cho gia đình, người thân của họ.
Mùi của Bếp sẽ được ra mắt độc giả vào 25/3.
Đặng Trầm – Giám đốc của ba thương hiệu sách ‘I love Cookbook’ chia sẻ: “Hành trình bếp bánh là cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích, đã bán được hơn 1 vạn bản và là cuốn sách thay đổi cuộc đời của rất nhiều người”. Với chị, chị tìm thấy đam mê làm bánh của mình như thế nào và nó đã thay đổi cuộc đời chị ra sao?
- Niềm đam mê làm bánh đến với tôi rất tình cờ. Nó tới từ việc, cô con gái của tôi rất còi, nên tôi đã tìm hiều, học hỏi từ bạn bè trên mạng, với hy vọng, con gái mình sẽ béo lên một chút (cười).
Khi thấy con gái lớn còi cọc, tôi nghĩ cách làm thế nào để chế biến ra những món ăn giúp con ăn uống ngon miệng và tăng cân. Tôi nghĩ những chiếc bánh thơm ngậy bơ sữa có thể giúp tôi giải quyết bài toán đau đầu này. Thế là, tôi mày mò các công thức trên internet, thực hành và sáng tạo những loại bánh mới. Nhưng rút cuộc, con không béo lên nhưng tôi lại phát hiện ra được niềm đam mê của mình.
Đam mê này đã mang lại cho tôi rất rất nhiều người chị em tốt trong cuộc sống. Và chính họ là người đã giúp tôi đứng vững, và tiếp tục bước đi trên con đường, trên hành trình của mình.
Niềm đam mê đó lan toả tới cộng đồng những người yêu thích việc bánh như thế nào?
- Tôi tin rằng, khi bạn thực sự đam mê một điều gì đó, thì bạn sẽ lan tỏa được tinh thần ấy tới những người xung quanh, bằng chính năng lượng và nhiệt huyết của bản thân bạn. Vì thế, tôi muốn khơi lên những sự tiềm ẩn đó trong mỗi người phụ nữ - những người bạn, người em, người chị của tôi.
Và khi họ đã tự tay làm được một món ăn, hay món bánh mà người thân yêu thích, thì đó chính là động lực để họ tiếp tục bước sâu hơn nữa trong hành trình này.
Và biết đâu, trong chuyến hành trình đó, họ sẽ tìm ra được sự yêu thích, niềm đam mê của chính họ. Tôi tin như vậy, vì đó là bản chất của phụ nữ, là luôn mong muốn mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người thân xung quanh.
Vài năm trở lại đây, trào lưu làm bánh được chia sẻ rộng rãi và được nhiều chị em hưởng ứng. Tuy nhiên, có những người làm bánh được vài lần rồi bỏ ngang…
- Thực ra, mỗi khi làm điều gì đó, nếu có bạn bè, người thân ủng hộ, động viên thì mình sẽ có động lực để tiếp tục thực hiện điều đó. Giống như việc hôm nay bạn thử nghiệm công thức làm bánh mới, mang tới cho đồng nghiệp hay bạn bè ăn, họ khen ngon, vậy là bạn có thêm niềm tin để làm những mẻ bánh tiếp theo rồi…
Và tất nhiên cũng có những người làm vài lần rồi bỏ ngang, điều đó có nghĩa, đó chưa phải là đam mê, là sở thích của họ mà thôi, chứ chưa chắc là họ không làm được. Cũng giống như việc bạn thì thích đọc sách, còn tôi thích đi du lịch chẳng hạn (cười).
Hai cô con gái nhỏ đã tham gia cùng mẹ như thế nào trong hành trình hoàn thiện cuốn “Mùi của Bếp”?
- Mọi người cứ nghĩ việc làm bánh là vất vả nhưng với tôi, chụp ảnh cho từng công thức mới là khâu khó khăn nhất, và tôi cần sự hỗ trợ đắc lực của hai cô con gái. Mỗi lần chụp hình sản phẩm, tôi cần một bạn hắt sáng, một bạn rắc bột hoặc bê bánh để tôi chụp. Chúng nó rất sợ mỗi khi tôi gọi phụ tôi chụp ảnh, bởi có khi mất tới vài tiếng để chụp được một bức ảnh ưng ý (cười).
Hai cô con gái nhỏ có khi nào nhắc tới bố không?
- Các con tôi không nhắc tới bố nhiều, nhưng tôi biết rằng, không phải là chúng không nhớ bố, chúng rất nhớ, chỉ có điều, chúng muốn cất nỗi nhớ đó đi, để tất cả chúng tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường trước đây, với những tiếng cười, niềm vui và sự lạc quan, tích cực vốn có.
Tôi thấy chị có vài hình xăm đều có hình hoa sen. Biểu tượng này có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Tôi có hình xăm nho nhỏ đầu tiên, sau khi biến cố qua đi gần 1 năm. Lúc ấy, sự chông chênh trong tôi vẫn đong đầy. Hình xăm đầu tiên này là chữ OM. OM là một phần của biểu tượng được tìm thấy trong bản thảo thời cổ đại và trung cổ, trong các ngôi chùa, tu viện và các địa điểm tâm linh trong Ấn Độ giáo, Phật giáo.
Trong Ấn Độ giáo, OM là một trong những biểu tượng tâm linh quan trọng nhất, có nghĩa là tất cả, là sự khởi nguồn, là chuyển động và là ý thức của cả vũ trụ. Và đó chính là con đường dẫn tới sự giác ngộ, và là sự giải thoát khỏi đau khổ. Chính vì thế, tôi quyết định xăm hình này.
Hình xăm thứ hai là bông sen nhỏ trên ngón tay, tôi thực hiện vào ngày cuối cùng của năm 2017. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống dù có khó khăn như thế nào, rồi cũng sẽ qua đi, để rồi lại bắt đầu một khởi đầu mới, cuộc sống mới. Hoa sen tượng trung cho sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, đương đầu với nghịch cảnh để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn
Nhìn lại mình 2 năm đã qua, chị nhận ra điều gì?
- Hãy trân trọng những phút giây hiện tại, cuộc sống hiện tại của bạn đang có. Tôi đã chứng kiến rất nhiều và chợt nhận ra rằng, cuộc sống này quá đỗi mong manh.
Vì thế, hãy sống sao cho tốt nhất, an yên nhất, và hạnh phúc nhất có thể, để rồi không bao giờ phải nói lời hối tiếc về sau. Hãy biết yêu thương lấy chính bản thân mình, tới sức khỏe của mình. Vì chỉ có khỏe mạnh – cả tinh thần và thể chất – thì bạn có thể làm được tất cả.
Về 'Mùi của bếp'
MÙI CỦA BẾP bao gồm 30 công thức về bánh mì mềm - bánh mì ngọt. Đây là một trong những dòng bánh mì khá tiện lợi để ăn sáng, ăn xế hay thậm chí là sử dụng trong các bữa tiệc nho nhỏ của gia đình. Bạn có thể kết hợp với một số loại sốt như caramel, chocolate hay các loại mứt hoa quả phết ăn cùng cũng rất hấp dẫn. Các công thức mứt cũng được viết kèm theo trong cuốn sách này để giúp cho các bạn tiện thực hiện.
Ngoài phần thực hành thì những kiến thức cơ bản về bánh mì, những lỗi thường gặp và cách nhận biết, khắc phục cũng được đề cập tới ở phần đầu cuối sách để bạn đọc dễ hình dung hơn.
Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp ích phần nào cho bạn, để bạn làm phong phú các loại bánh hơn cho gia đình và cho những người thân yêu của mình.
Ngày phát hành: 23/03/2018
Sự kiện ra mắt sách: 25/03/2018