Bỏng ngô là đồ ăn vặt yêu thích của cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên loại snack tưởng như vô hại này có thể gây nguy hiểm cho con bạn, nhất là trẻ dưới 4 tuổi.
Năm 2019, tờ USA Today chia sẻ câu chuyện của một bà mẹ 3 con kể lại về cậu con trai 2 tuổi đã phải nhập viên sau khi ăn bỏng ngô cùng gia đình.
Cậu bé bị ho và sốt. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bỏng ngô đã xâm nhập vào phổi của cậu bé và gây viêm.
Bà mẹ giải thích rằng do cơ thể nhận ra bỏng ngô là dị vật nên đã sinh mủ xung quanh, khiến cậu bé bị viêm phổi trái.
Cậu bé được phẫu thuật để gắp các mảnh bỏng ngô ra. Rất may sau 2 ca phẫu thuật, bé đã hồi phục tốt.
Để cảnh báo cho những bậc cha mẹ khác về tai nạn hóc dị vật này, người mẹ đã đăng bài viết chia sẻ trên Facebook.
Bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn bỏng ngô và một số loại thực phẩm khác. Đây là điều mà mọi bậc phụ huynh cần lưu ý.
Theo các chuyên gia, trẻ trước khi lên 4 tuổi có nguy cơ bị hóc cao hơn. Chỉ đến khi lên 4 trẻ mới có thể hoàn toàn nhai thức ăn theo cách thích hợp.
Nguyên nhân là do khi ở độ tuổi này, trẻ đã mọc răng hàm, đồng thời kỹ năng nhai đủ tốt để phá vỡ thức ăn thành các mảnh nhỏ hơn để nuốt.
Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thường dễ bị xao nhãng bởi những sự việc diễn ra xung quanh, do đó nguy cơ hóc dị vật càng cao. Đó là lý do vì sao trẻ nhỏ cần luôn được trông chừng khi ăn uống.
Đi, chạy, cười, nói chuyện khi ăn hoặc ăn quá nhanh cũng có thể dẫn tới hóc thức ăn.
Không chỉ bỏng ngô, bác sĩ nhi khoa cũng cảnh báo một số loại thực phẩm mà cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ ăn, ví dụ như:
- Xúc xích
- Kẹo cứng
- Quả hạch và các loại hạt
- Cà rốt sống
- Táo
- Nho nguyên quả
- Bơ đậu phộng
- Kẹo dẻo, kẹo cao su
Nếu bạn không chắc chắn những loại thực phẩm nào bạn có thể cho trẻ nhỏ ăn ở độ tuổi nhất định, bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia để được chỉ dẫn.
(Theo Bright Side)