Đến với Hải Dương, ngoài thăm quan các danh lam thắng cảnh, thưởng thức các sản vật địa phương thì du khách chắc chắn khó lòng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm các làng nghề truyền thống đặc biệt là điểm đến mang nét đẹp văn hóa Bắc Bộ đặc trưng như làng rối nước Thanh Hải, còn gọi là phường rối nước Thanh Hải nằm ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Tiết mục biểu diễn của phường rối nước Thanh Hải.
Làng rối nước Thanh Hải đã có tuổi đời hàng trăm năm. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các thế hệ của làng Thanh Hải vẫn đang miệt mài đam mê và giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này.
Cũng như những làng quê khác ở Bắc Bộ, làng rối nước Thanh Hải mang vẻ yên bình với vẻ đẹp của mái đình, bến nước. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ được tận hưởng đó chính là khung cảnh tuyệt đẹp, đậm chất quê nơi mang đến cảm giác yên bình, thư thái. Đặc biệt vẻ đẹp của làng quê này trở nên nổi bật hơn với nghệ thuật rối nước truyền thống.

Thủy đình dựng giữa hồ là sân khấu múa rối nước ở xã Thanh Hải.
Theo ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng đoàn múa rối nước xã Thanh Hải, nghề múa rối nước truyền thống xã Thanh Hải ra đời vào thế kỷ thứ 17, từ thời Hậu Lê.
Ông Tạo giới thiệu: "Loại hình nghệ thuật này do các bậc cha ông ở quê hương Thanh Hải tạo dựng nên, dựa theo câu chuyện, hoạt động cũng như công việc sản xuất thường ngày của người nông dân để xây dựng các tiết mục biểu trong những dịp lễ hội của làng".
Khâu quan trọng đầu tiên trong nghệ thuật rối nước ở làng Thanh Hải chính là chế tác được các con trò sao cho có thể quay người và quay cổ một cách uyển chuyển. Con trò được làm từ gỗ sung và được đục, đẽo với những đường nét cách điệu theo từng nhân vật rồi đánh bóng, vẽ, sơn…
Trong khi đó, con rối thường sẽ có hai phần là phần thân nổi trên mặt nước và phần đế là nơi lắp máy điều khiển chìm dưới nước. Khi trình diễn các nghệ nhân sẽ nắn và điều khiển hoạt động của rối cho khớp với nhạc, lời ca, trống…

Điểm độc đáo ở làng rối nước Thanh Hải đó chính là những tích trò biểu diễn đều do các trưởng phường hoặc các phường viên nghĩ ra, đa số là nội dung về tình yêu quê hương đất nước, những hoạt động đời thường, nét văn hóa, phong tục truyền thống, tập quán thờ thần thánh, răn dạy người ta biết sống theo điều hay lẽ phải.
Trải qua hơn 400 năm, nghệ thuật múa rối nước vẫn được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay. Loại hình nghệ thuật truyền thống này không còn giới phục vụ người dân trong làng, mà ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Khắc Tạo - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết mỗi năm đoàn rối nước địa phương đón trung bình 400 lượt khách quốc tế và hơn 1.000 ngoài huyện.

Hiện, phường múa rối nước Thanh Hải có khoảng 29 nghệ nhân, trong đó có cả nghệ nhân trẻ sinh năm 2000. Thực tế, việc duy trì và phát huy bất kỳ loại hình nghệ thuật truyền nào đều rất khó khăn, nhưng chính quyền và phường rối nước Thanh Hải luôn chung tay phát triển làng nghề và tìm kiếm lực lượng kế cận.
“Chính quyền các cấp xã Thành Hải luôn quan tâm, chỉ đạo và động viên phương rối nước giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương. Năm 2024 vừa qua, chúng tôi cũng đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương công nhận phường rối nước xã Thanh Hải là điểm du lịch của tỉnh”, ông Tạo nói.
Trưởng đoàn múa rối nước xã Thanh Hải, Phạm Khắc Xoa, chia sẻ thêm: "Chúng tôi thường xuyên hợp tác tổ chức hoạt động giao lưu với các trường tiểu học, trung học cơ sở địa phương và các xã lân cận, cho các cháu xem biểu diễn, chứng kiến cách nghệ nhân đục đẽo và vận hành con rối, hy vọng có thể gieo mầm đam mê. Khi đã có đam mê thì chúng ta sẽ có lực lượng kế cận".
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Làng rối nước Thanh Hải - Nét tinh hoa văn hóa Hải Dương tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].