PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, có nhiều cha mẹ nghĩ rằng thường xuyên bơm rửa mũi cho con, nhất là những ngày đông lạnh thì sẽ giúp con phòng các bệnh đường hô hấp, hạn chế các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi…
Cách làm này là chưa đúng và có thể gây hại cho trẻ. Cha mẹ nên nhớ là trong mũi, xoang mũi có lớp niêm mạc liên tục tiết ra dịch. Dịch sinh lý này không ngừng đào thải ra khỏi xoang, hốc mũi, đóng vai trò vệ sinh, tạo độ ẩm, bảo vệ hệ thống mũi xoang. Và dịch mũi dính, sền sệt là để hạn chế bụi bẩn, phấn hoa… đi vào cơ thể.
Hơn nữa, trong môi trường dịch nhầy của mũi, xoang luôn cân bằng trực khuẩn, tức là có cả vi khuẩn có lợi và có hại. Khi vệ sinh mũi sai cách, cha mẹ có thể làm mất cân bằng vi khuẩn, từ đó gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ.
Nếu mất chất nhầy ở mũi trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn, gây tổn thương niêm mạc mũi, từ đó dễ bị viêm khiến cho trẻ rát mũi, kích ứng, chảy nước mũi.
Đáng lưu ý là tai – mũi – họng thông nhau nên nếu trẻ viêm mũi kéo dài có thể dẫn tới viêm tai, viêm họng. Và viêm tai lâu ngày sẽ rất khó điều trị dứt điểm, trẻ lại có nguy cơ bị điếc do viêm nhiễm nặng. Vì vậy, cha mẹ không nên tự ý bơm rửa mũi cho con nếu chưa có chỉ định.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi trẻ bị sổ mũi thường là do virus gây ra, do đó chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi nếu trẻ có triệu chứng ngạt, sổ mũi… Khi trẻ bị sổ mũi, phụ huynh chỉ cần xịt hoặc rửa mũi 3-4 lần/ngày.
Ngoài ra, khi trẻ ra ngoài môi trường bụi về, khi vào bệnh viện chơi cũng có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, nhưng khi trẻ đang khỏe mạnh thì không nhất thiết phải thường xuyên nhỏ mũi để phòng bệnh.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ
– Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
– Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ vì sẽ dễ lây nhiễm bệnh cho trẻ.
– Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/ vi rút vẫn bám lại trên khăn).
Ngoài việc rửa mũi cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ, cha mẹ cũng cần giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, vệ sinh tay chân sạch sẽ thường xuyên, không cho trẻ ngậm đồ chơi, dị vật.
An AnBạn đang xem bài viết Những cách rửa mũi cho trẻ sai lầm mà nhiều mẹ đang mắc phải tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].