Khái niệm sinh con 'thuận tự nhiên' ngày càng bị lạm dụng, thần thánh hóa. Trên thực chất, nó không phải phương pháp chính thống mà chỉ là kinh nghiệm của một hội có tên gọi 'Thuận tự nhiên'.
Liên quan tới những tin đồn về việc 2 mẹ con sản phụ tử vong do sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà, trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, bác sĩ Trần Vũ Quang – Khoa Sản bệnh lý , Bệnh viện Phụ sản Trung Ương( người có gần 7 năm làm việc ở khoa chuyên tiếp nhận điều trị những sản phụ có bệnh lý hoặc chẩn đoán có thai kỳ bất thường ) cho biết:
Khái niệm cách sinh con "thuận tự nhiên" còn chưa có trong y văn vậy mà nhiều người lợi dụng để truyền bá thông tin sai lệch làm nguy hiểm cho rất nhiều thai phụ. Tội cho nhiều người nhẹ dạ cả tin trong khi những bệnh nhân hàng ngày mình đang điều trị cả bác sĩ và bệnh nhân cẩn trọng, lo lắng từng ngày một để có thể giữ được một thai kỳ an toàn".
Nói về nguồn gốc phương pháp sinh con này, bác sĩ Trần Vũ Quang cho rằng, phong trào này bắt đầu từ Mỹ sau đó lan dần sang Châu Âu và tràn vào Việt Nam từ khoảng năm 2008. Tuy nhiên, nó ngày càng bị lạm dụng, thần thánh hóa. Trên thực chất, nó không phải phương pháp chính thống mà chỉ là kinh nghiệm của một hội có tên gọi thuận tự nhiên.
“Trong đó, đẻ “liên sinh” không cắt dây rốn là một tục lệ truyền thống của dân tộc Maori nước New Zealand bảo vệ bánh nhau trong chiếc vải có chứa thảo mộc nhằm thể hiện sự thiêng liêng của bánh nhau thai, còn trên mặt khoa học nó không có ý nghĩa gì”, bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Quang, nhiều người đi theo trào lưu trên cho rằng việc sinh nở thuận theo tự nhiên góp phần tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ vàng da. Nhưng trên thực tế, phương pháp này có rất nhiều nguy cơ tai biến cho cả mẹ và bé mà không lường trước được tai biến để có sự hỗ trợ kịp thời từ cơ sở y tế chuyên khoa.
Tại nước ngoài, nhiều người vẫn có thể sinh nở tại nhà nhưng họ có sự hỗ trợ của bác sĩ, chuyên gia sản phụ khoa rất tốt và kiểm soát quá trình thai nghén rất chặt chẽ. Những đối tượng được sinh tại nhà khi đó đã quản lý chặt chẽ suốt thai kỳ, nắm rõ tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Song những trường hợp đó, vẫn rất cần ở gần cơ sở y tế để khi gặp sự cố gì có thể xử lý kịp thời. Ngoài ra, hệ thống cấp cứu trước bệnh viện ở những nước này rất tốt,môi trường nước, môi trường vô khuẩn, thai phụ của nước họ có ý thức rất tốt về sự vô khuẩn. Còn ở Việt Nam khó hoặc không thể làm được điều này.
Ở Việt Nam, nhiều người đang áp dụng một cách tự phát mà không nắm rõ những hậu quả khôn lường. Đó là nguy cơ xảy ra có thể là vỡ tử cung, băng huyết, uốn ván cuống rốn, vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ…
"Đôi khi có những bệnh nhân đánh đổi cả máu và nước mắt vậy mà nhiều người nghĩ sinh đẻ đơn giản như gà vịt vậy”, bác sĩ Quang đánh giá.
Bác sĩ Trần Vũ Quang, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2011. Hiện đã công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương gần 7 năm.
Anh làm việc tại Khoa Sản Bệnh lý, nơi chuyên tiếp nhận những sản phụ có bệnh lý hoặc chẩn đoán có thai kỳ bất thường.
Ngoài ra, anh cũng là chuyên gia thường xuyên cố vấn sức khoẻ các hội thảo chuyên mục sức khoẻ nhiều đơn vị y tế, báo giới.