Trước thực trạng ngày càng nhiều các bà mẹ truyền tai nhau phương pháp sinh con thuận tự nhiên, ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: “Đây là một phương pháp phản khoa học. Trong một ca đẻ, chỉ cần một sai lầm có thể trả giá bằng tính mạng của cả mẹ và em bé.
Trong khi đó, hiện nay, tỷ lệ tử vong của sản phụ còn khá cao, kể cả ở các nước đã và đang phát triển.
Không tính đến các trường hợp sản phụ có vấn đề về bệnh lý, ngay cả trong trường hợp mang thai bình thường thì cả mẹ và bé sẽ vẫn có nguy cơ gặp phải những yếu tố rủi ro cao như mẹ mất máu, suy thai, trẻ bị ngạt... nếu sinh con thuận tự nhiên. Đó cũng là lý do mà người xưa nói “gái chửa cửa mả””.
Tháng 2 năm 2014, Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu với cỡ mẫu đủ lớn, lên tới 10.453.778 trường hợp bà mẹ sinh con tại Mỹ, phát hiện ra rằng trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở bệnh viện.
Hiệp hội Phụ nữ Tự do của Bắc Mỹ thực hiện nghiên cứu độc lập, kết quả cho thấy trẻ sinh ở nhà chết gấp 5,5 lần so với số trẻ sơ sinh chết tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao. Em bé chỉ cần ngạt vài chục giây mà không được hồi sức kịp thời, đúng phương pháp thì bé có thể tử vong, hoặc em bé có thể sẽ gặp phải những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài như thiểu năng trí tuệ, bại não...
Ngoài ra, trong quá trình vượt cạn của bà bầu có thể xảy ra hàng loạt tai biến sản khoa, đứng đầu các tai biến sản khoa là tình trạng sản phụ bị băng huyết sau sinh. Khi đó, chỉ cần người thực hiện ca đẻ xử trí băng huyết không tốt có thể gây ra mất máu cấp (do đờ tử cung, tổn thương bộ phận sinh dục) và có thể gây tử vong ngay lập tức.
Với hàng loạt các yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và con, nên vai trò của bác sĩ, nhất là các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa ở xã hội hiện đại là không thể thiếu được. Nhiệm vụ của họ là chỉ ra và kiểm soát những yếu tố nguy cơ cho mẹ và bé thì các mẹ lại lựa chọn cách bỏ qua điều này.
Tôi không thể hiểu các mẹ nghĩ gì lại bỏ qua sự giúp đỡ của những bác sĩ có chuyên môn, sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại để chọn cách sinh con tự nhiên.
Là một bác sĩ chuyên ngành sản tôi phản đối hoàn toàn phương pháp này. Và tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng nên vào cuộc sớm để khuyến cáo cho các bà mẹ, nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”.
Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ của nhân viên y tế chuyên nghiệp, bác sĩ Khải cho biết thêm, đối với người bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt.
“Đã có rất nhiều trẻ sơ sinh vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng nặng, do người đỡ đẻ ở nhà dùng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn cắt dây rốn.
Vì vậy, để tránh tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh cần có kiến thức nhất định về sản khoa. Khi gặp bất cứ vấn đề gì trong thai kỳ cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm.
Đồng thời, cần loại bỏ tư tưởng sinh con thuận theo tự nhiên ở những bà mẹ thiếu hiểu biết, xóa bỏ cách đỡ đẻ tại nhà, vào rừng đẻ, hay dùng dao lam, lưỡi liềm, cật nứa để cắt rốn trẻ…” – BS Khải tái khẳng định.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Trưởng khoa Đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội: ‘Sinh con thuận tự nhiên là phương pháp phản khoa học’ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].