5 điều cha mẹ của những đứa trẻ kiên cường, thông minh luôn làm khi con trải qua khó khăn

Mọi bậc cha mẹ đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường, tự tin và có trí thông minh xã hội. Chuyên gia tâm lý học Roni Cohen-Sandler nhận thấy rằng chìa khóa là cha mẹ phải lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận con ngay từ khi còn nhỏ.

Trẻ em cần được xác nhận rằng những gì chúng đang nghĩ và cảm nhận là điều bình thường. 

Điều này sẽ giúp trẻ nhận diện cảm xúc của mình hiệu quả hơn và có thể điều chỉnh cho hòa hợp hơn với môi trường xã hội, từ đó giúp tăng cường trí thông minh cảm xúc.

Dưới đây là những cách các bậc cha mẹ thành công truyền tải những thông điệp quan trọng đó cho con cái trong những giai đoạn khó khăn.

1. Bình thường hóa trải nghiệm

Tình bạn giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống quan trọng như hòa đồng với người khác và giải quyết xung đột. Tuy nhiên không có tình bạn nào là hoàn hảo.

Hãy nhắc nhở con rằng mọi tình bạn đều trải qua những thăng trầm. Những người bạn thân lâu dài đôi khi cũng không thể tránh khỏi mâu thuẫn, khó chịu, thất vọng,...

Hãy nói cho con biết những trải nghiệm buồn tương tự mà bố mẹ, anh chị của con từng gặp phải khi ở tuổi con. Những câu chuyện đó giúp con biết rằng con không đơn độc và không cần phải thấy xấu hổ.

2. Vỗ về

Trừ khi con bạn không thích sự đụng chạm thì những cử chỉ vỗ về có thể giúp xoa dịu con hiệu quả lập tức hơn bất kỳ lời nói nào.

Một số nghiên cứu đã phát hiện lợi ích của sự tiếp xúc giữa người với người. Ví dụ, được ôm có thể làm giảm huyết áp, mang lại cảm giác được chăm sóc và an toàn.

Nếu con bạn đang cảm thấy buồn phiền về điều gì đó, bạn có thể xoa lưng, ôm hoặc nắm tay con trước khi nói bất kỳ điều gì. 

Không vội vàng bắt chuyện cũng có thể cho con bạn thêm thời gian chuẩn bị để giãi bày tâm sự.

3. Dạy con rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng

Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 8 đến 12 thường đánh giá giá trị bản thân bằng số lượng bạn bè mà trẻ có. Trẻ chưa nhận ra rằng chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn là số lượng.

Một nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên có nhiều bạn bè ở trường - nhưng không thân thiết - dễ bị lo âu khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thêm vào đó, trái với suy nghĩ của hầu hết trẻ em, nổi tiếng không làm giảm bớt sự cô đơn. Sự nổi tiếng thông qua những lời đồn đại vốn dĩ không ổn định và khó duy trì.

Hãy khẳng định với con bạn rằng con không cần hàng trăm người bạn - dù là trên mạng xã hội hay trong cuộc sống thực. Một vài người bạn là đủ, miễn là họ chân thành, đáng tin cậy và tốt với con.

Nghiên cứu cũng chứng minh rằng một tình bạn lành mạnh, bền vững có thể có lợi cho cả kết quả học tập và sức khỏe tâm lý của trẻ (như tự tin hơn, giảm lo âu).

4. Tập trung vào những mặt tích cực

Khi gặp phải chuyện buồn hoặc thất vọng, trẻ thường bị cuốn vào điều đó, khiến vấn đề trở nên có vẻ lớn hơn và gây áp lực hơn tất cả những điều tích cực khác trong cuộc sống.

Bên cạnh việc đồng cảm với tâm sự của con, cha mẹ cần hướng con nhìn vào những điều tích cực, những thành tựu con vừa đạt được, những niềm vui mới đây,...

Điều đó sẽ giúp trẻ nhìn ra được bức tranh toàn cảnh rộng lớn và tươi sáng hơn, từ đó biết trân trọng hơn những điều tích cực trong cuộc sống.

5. Mang lại hy vọng

Hãy nói với con rằng mặc dù hiện tại con đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Bởi vì đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.

Trẻ chỉ cần kiên nhẫn trong quá trình trưởng thành. Nếu con muốn thay đổi những mối quan hệ bạn bè thì sẽ cần nhiều thời gian.

Nhưng ngay ở hiện tại, con có thể kiểm soát hành động của mình khi đối mặt với thách thức trong cuộc sống.

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan