1. Phản ứng quá mức với lỗi sai
Bố mẹ phản ứng một cách dữ dội, khắt khe với sai lầm của con sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi, lo âu.
Từ đó, con có thể nói dối để tránh những hậu quả tiêu cực từ hành động của mình vì sợ bố mẹ thất vọng hoặc trách phạt.
2. Đặt ra những kỳ vọng không thực tế
Các bố mẹ đôi khi đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, kỳ vọng con phải hoàn hảo trong học tập, chơi thể thao hay ứng xử.
Trẻ có thể sẽ nói dối để đáp ứng những kỳ vọng đó, hoặc che giấu thất bại của mình vì nghĩ rằng nói thật thì sẽ bị phê bình, ghét bỏ.
3. Trách phạt sự thật thà
Khi trẻ thú nhận sai lầm và rồi bị phạt nặng nề, trẻ sẽ tự hiểu rằng thật thà dẫn tới hậu quả tiêu cực.
Do đó, để tránh bị phạt nặng, trẻ có thể chọn cách nói dối thay vì nói thật về những việc mình đã làm.
4. Quy định và hình phạt không thống nhất
Nếu quy định về những việc không được làm và hình phạt khi phá vỡ quy định đó không thống nhất với nhau, trẻ có thể bị bối rối về những gì được làm hoặc không được làm.
Do đó, trẻ sẽ nói dối để né tránh những giới hạn mơ hồ và những hình phạt không thể nào đoán trước.
5. Bố mẹ làm gương nói dối
Trẻ học hỏi cách ứng xử bằng cách quan sát bố mẹ. Nếu bố mẹ thường xuyên nói dối dù là những việc nhỏ, thì trẻ cũng sẽ có khả năng cao bắt chước hành vi này.
Trẻ sẽ coi nói dối là việc chấp nhận được và học theo bố mẹ.
6. Bố mẹ không tin tưởng
Khi bố mẹ hay nghi ngờ, không tin tưởng con cái, sẽ tạo cho trẻ cảm giác luôn bị giám sát và phán xét.
Trẻ sẽ có khả năng nói dối để được tự do, tránh bị bố mẹ săm soi, giám sát.
7. Quá coi trọng thành công
Tập trung quá mức vào thành công và những gì đạt được, dù là trong học tập, thể thao hay các hoạt động khác, sẽ gây áp lực cho con cái là phải thành công bằng mọi giá.
Để tránh khiến bố mẹ thất vọng hoặc để đáp ứng kỳ vọng cao, trẻ có thể bắt đầu nói dối về thành tựu hay thách thức mà chúng phải đối mặt.
8. Không giao tiếp cởi mở
Nếu bố mẹ không khuyến khích một môi trường giao tiếp cởi mở và chân thật, con sẽ cảm thấy không thể chia sẻ cảm xúc hay trải nghiệm thật của mình.
Thiếu không gian an toàn và các cuộc trò chuyện cởi mở sẽ khiến trẻ chọn cách nói dối để bảo vệ bản thân hoặc để giao tiếp theo cách mà trẻ nghĩ là cha mẹ muốn nghe.
(Theo Times of India)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 sai lầm của bố mẹ khiến trẻ nói dối tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].