Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT ‘Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc’, thì từ 1/1/2018, sẽ bắt buộc tiêm chủng phòng 10 bệnh truyền nhiễm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Cụ thể, theo Thông tư, 10 bệnh truyền nhiễm và vaccine thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.
Trong đó, có hai vaccine được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vaccine lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh).
Tất cả trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi sẽ được tiêm 10 vaccin nêu trên được miễn phí do ngân sách nhà nước mua.
Bộ Y tế khuyến cáo, nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch thì cần phải tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài ra, thông tư này cũng quy định tiêm chủng bắt buộc 8 bệnh truyền nhiễm với những người ở vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, gồm: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản, bệnh dại.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, Hà Nội đang là một trong những khu vực chú ý đến bệnh sởi và ho gà trong số những dịch bệnh dễ bùng phát mùa Đông - Xuân
Theo ông PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 83 trường hợp mắc sởi, 1 trường hợp tử vong; 71/83 trường hợp mắc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.
Về bệnh ho gà, đến nay đã ghi nhận 125 ca mắc, 1 ca tử vong. Điều đáng nói, 91,2% số ca mắc chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh.
Chính vì vậy, các cha mẹ nên chú ý đưa con đi tiêm phòng đúng lịch tránh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.