Vụ sản phụ tử vong ở Thái Bình: Biến chứng sản khoa hiếm gặp với tỉ lệ tử vong rất cao

Ông Phạm Văn Dịu – Giám đốc Sở Y tế Thái Bình chia sẻ: ‘Trước sự tử vong của sản phụ và thai nhi, chúng tôi không những đau xót mà còn bất lực với những diễn biến quá nhanh’.

Giám đốc Sở Y tế Thái Bình - BSCKII. Phạm Văn Dịu (nguồn: tuoitrethudo)

Theo thông tin trích xuất từ camera của Bệnh viện, khoảng 3 giờ ngày 2/1, sản phụ P.T.P.T (34 tuổi) nhập viện Đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) chờ sinh lần 3.

Tại đây, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán thai nhi 38 tuần, chuẩn bị chuyển dạ đẻ lần 3 bằng phương pháp sinh thường, 2 lần trước sinh thường khỏe mạnh. Sản phụ được tiếp tục theo dõi tại Khoa Sản.

Nhưng khoảng 30 phút sau, 3h 30p, sản phụ T. có dấu hiệu tím tái, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Sau khi sơ cấp cứu ban đầu bất thành, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư đã xin sự hỗ trợ chuyên môn từ Sở Y tế Thái Bình, Sở điều động bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, dù các bác sĩ nỗ lực xong diễn biến bệnh xấu, sản phụ và thai nhi vẫn bị tử vong.

Trao đổi với Gia Đình Mới sáng ngày 3/1.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết: ‘Lúc đầu, gia đình sản phụ rất bức xúc, yêu cầu làm rõ nguyên nhân nhưng đến khi xem trích xuất thông tin camera, được bác sĩ phân tích diễn biến chuyển biến nhanh của sự việc. Gia đình cũng đã thông cảm với các bác sĩ.

‘Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và lấy mẫu giám định. Trong khi chờ kết luận chính thức, Sở và Bệnh viện cũng đến thăm hỏi gia đình sản phụ T. và chia sẻ đau thương cùng gia đình’, ông Dịu cho biết thêm.

Cũng theo ông Dịu: ‘Đến nay, với những triệu chứng căn bản, tôi nghi ngờ chị T. bị thuyên tắc mạch ối. Đây là một biến chứng sản khoa hiếm gặp với tỉ lệ tử vong rất cao’.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, trước đây vài năm, Thái Bình cũng có trường hợp sản phụ gặp biến chứng thuyên tắc mạch ối và cũng bị tử vong.

Thuyên tắc mạch ối là gì?

Khi sản phụ chuyển dạ, nước, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu mẹ thông qua nhau gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính cho mẹ.

Nguyên nhân:

Các chuyên gia cho rằng thuyên tắc ối là kết quả do dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung và điều này xảy ra khi có 3 điều kiện sau đây:

- Vỡ màng ối.

- Vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung.

- Áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.

Những yếu tố nguy cơ bao gồm: nhau bong, tử cung quá căng, thai chết lưu, chấn thương, dùng oxytocin trong chuyển dạ, đa sản, mẹ lớn tuổi, vỡ ối. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp thuyên tắc ối xảy ra không kèm những yếu tố kể trên.

Tất cả chủng tộc, màu da và độ tuổi đều có thể bị. Thuyên tắc ối có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Nạo hút thai, truyền dịch ối, hay chấn thương bụng cũng có thể xảy ra.

Tỉ lệ sống sót:

Tử vong mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau như băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, sản giật…

Riêng thuyên tắc ối chiếm 5 – 10% trong số tử vong mẹ nói chung.

Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80%, mặc dầu tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%.

Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau một giờ thì phần lớn trường hợp để lại di chứng thần kinh nặng nề

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan