Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, ngày 07/11, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận sản phụ P.T. K. (29 tuổi, trú tại Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng tri giác lơ mơ, đau bụng nhiều, nôn liên tục.
Kết quả siêu âm ghi nhận con lần 2, thai lưu 30 tuần ngoại viện, vết mổ cũ. Bên cạnh đó, xét nghiệm ban đầu cho thấy: lượng đường huyết tăng rất cao lên đến 50,9 mmol/L (tương đương 900 mg/dL) - cao gấp 9 lần so với giá trị bình thường, máu nhiễm toan chuyển hóa nặng, rối loạn điện giải.
Xác định đây là trường hợp đái tháo đường thai kỳ có biến chứng rất nặng đe doạ tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cho bệnh nhân.
Đồng thời, tiến hành hội chẩn viện và hội chẩn liên viện khẩn cấp đề ra biện pháp xử trí kịp thời: truyền Insulin liên tục, bù dịch và điện giải, chống toan máu tích cực, đặt catherter tĩnh mạch trung tâm và khởi phát chuyển dạ bằng Sonde foley để chấm dứt thai kỳ.
Sau 24 giờ tích cực điều trị, đường huyết của bệnh nhân đã giảm từ 900 mg/dL xuống còn 168 mg/dL, tình trạng toan hóa máu đã được kiểm soát và sinh thường ra 01 thai lưu.
Hiện tại tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, ổn định, không còn nôn ói, ăn uống được và đường huyết trở về bình thường.
Theo BS.CKII. Huỳnh Công Tâm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê – Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: ‘Đây là một trường hợp đái tháo đường thai kỳ có biến chứng rất nặng nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn, song song đó bệnh nhân được hồi sức tích cực, điều trị và theo dõi sát tình trạng tri giác, tình trạng toan chuyển hóa và rối loạn đường huyết. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã phục hồi’.
Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý phổ biến, thường gặp trong quá trình mang thai.
Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số thai phụ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cả mẹ và bé.
Để có một thai kỳ an toàn các sản phụ nên đăng ký khám và theo dõi thai định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và quản lý thai kỳ cẩn thận.
Bên cạnh đó, việc tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ là đặc biệt quan trọng. Tất cả phụ nữ có thai từ tuần 24 đến tuần 28 đều nên thực hiện xét nghiệm dung nạp đường glucose để tầm soát bệnh.
Thai kỳ có thể ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh đái tháo đường:
- Quý 1: Có tình trạng tăng đồng hóa và tăng insulin máu, tăng nhậy cảm với insulin ở thai phụ. Nếu bệnh nhân nôi mửa nhiều dễ bị hạ đường huyết và nhiễm toan ceton.
- Quý 2: Thai phụ có hiện tượng di hóa, đề kháng insulin, tăng nhu cầu về insulin. đường huyết có su hướng tăng cao.
- Quý 3: Tình trạng đề kháng insulin càng tăng. đường huyết có nguy cơ tăng cao và tăng nguy cơ bị nhiễm toan ceton.
Khi có dấu hiệu bất thường các sản phụ cần nhập viện sớm để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, khi có thai các bà bầu nên ăn đủ chất, không nên ăn quá nhiều. Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, thai phụ cũng cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía vì sẽ có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Một sản phụ suýt chết vì đái tháo đường khiến thai kỳ biến chứng nặng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].