Những hình ảnh bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, gây những tổn thương trong lòng. Một số bé sẽ sống thu mình lại vì sợ hãi, vì mặc cảm, một số thậm chí bị ám ảnh.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông và một người phụ nữ xô xát, đánh nhau giữa đường phố.
Trong clip, người chồng trẻ đã thẳng tay đấm đá, giật tóc vợ trước mặt con nhỏ ngay trên phố. Còn bé trai đứng bên cạnh khóc thét và chứng kiến toàn bộ cảnh tượng dã man.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, việc người lớn trong gia đình quát mắng, đánh, chửi nhau trước mặt con trẻ sẽ làm trẻ bị chấn động mạnh về tâm lý.
Thực tế có không ít trường hợp trẻ chứng kiến cha mẹ đánh nhau, chửi nhau dẫn đến khiếp sợ, ngồi co rúm người, khóc thét, trở nên ít nói, ít cười…
Người lớn thường cho rằng trẻ nhỏ không biết gì nên vô tư làm ra những hành động, nói những lời không đúng chuẩn mực đạo đức.
Tuy nhiên, nhà tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, trẻ từ 3 tuổi trở đi đã bắt đầu hình thành nhân cách, đã bắt đầu nhận thức được về bố mẹ và những người xung quanh.
Những hình ảnh bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, gây những tổn thương trong lòng. Một số bé sẽ sống thu mình lại vì sợ hãi, vì mặc cảm, một số thậm chí bị ám ảnh. Tất cả đều có thể dẫn tới những rối loạn về tâm lý.
Hơn nữa, ở độ tuổi này, trẻ học hỏi rất nhanh và ký ức hình thành rất sâu. Vậy nên, nếu ở độ tuổi này, trẻ tiếp xúc nhiều với những hành động bạo lực, lời nói thôi tục thì trẻ sẽ học theo, làm theo, ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách của trẻ sau này.
Vì thế cha mẹ nên tránh cãi cọ, xô xát trước mắt trẻ. Như thế vừa không làm xấu hình ảnh bố mẹ trong mắt con, vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý của trẻ.
Khi đã vô tình để trẻ nhìn thấy cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu hoặc tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ về tâm lý, để tránh những hậu quả về sau.
Tốt nhất là người lớn trong gia đình cần tạo điều kiện để trẻ lớn lên trong tình cảm yêu thương, giúp trẻ an tâm, tin tưởng với người thân, gia đình mới.