Vì sao đàn ông Việt hay đánh vợ, kể cả khi vợ đang mang bầu?

Nghi vấn vợ 16 tuổi mang thai bị bạo hành dã man được chia sẻ trên mạng xã hội làm nhiều người phẫn nộ với hành vi đánh đập, ngược đãi vợ trẻ, con thơ của người chồng.

Sau khi đọc câu chuyện của cô vợ 16 tuổi mang thai bị bạo hành, nhiều người đặt câu hỏi vì sao đàn ông Việt hay đánh vợ, kể cả khi vợ đang mang bầu?

Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, ThS.BS tâm lý Nguyễn Hồng Bách cho rằng, trong thời kỳ mang thai mà người phụ nữ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý của cả 2 mẹ con.

Bởi thai nhi ở tháng thứ 6 đã bắt đầu có nhận thức. Nhận thức đó không phải là cảm nhận trực tiếp mà được cảm nhận gián tiếp qua hành vi, tâm trạng của người mẹ.

Người mẹ buồn thì trẻ sẽ buồn, người mẹ vui trẻ sẽ vui. Vì vậy, người mẹ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của em bé trong bụng mẹ.

  Ảnh người vợ 16 tuổi đang mang thai bị chồng bạo hành dã man được chia sẻ trên mạng xã hội

Ảnh người vợ 16 tuổi đang mang thai bị chồng bạo hành dã man được chia sẻ trên mạng xã hội

Còn đối với bà mẹ, khi bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tâm sinh lý.

Ngoài những tổn thương trên cơ thể như bầm tím, rách da, đau đớn, bà bầu còn bị tổn thương về tinh thần, luôn sợ hãi, buồn, trầm cảm, trạng thái cảm xúc không tốt.

Và khi sức khỏe, tâm sinh lý người mẹ không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, thậm chí có thể gây động thai, sảy thai, sinh non… do bị đánh đập, bạo hành.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, phụ nữ bị bạo hành thể xác trong khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh con non.

Phụ nữ mang thai gặp phải các vấn đề bạo lực sẽ làm gia tăng tình trạng thai nghén ví dụ, nôn nhiều, đi tiểu dắt, đau bụng phần dưới…

Bên cạnh đó, phụ nữ bị bạo hành trong thai kỳ cũng sẽ tăng nguy cơ trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh. Và nếu không được điều trị kịp thời, phụ nữ bị trầm cảm dễ gây ra những hành vi nguy hiểm đến tính mạng của 2 mẹ con.

Khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cũng đặt câu hỏi sao người đàn ông lại có thể ra tay đánh đập vợ, con, người mà mình đã từng yêu thương, đang mang thai đưa con của mình?

Để lý giải điều này, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách chỉ rõ, điều này một phần xuất phát từ văn hóa gia trưởng của người Việt.

  ThS.BS tâm lý Nguyễn Hồng Bách

ThS.BS tâm lý Nguyễn Hồng Bách

Trong gia đình, người đàn ông là người làm chủ, đưa ra các quyết định về kinh tế, quyết định người vợ được như thế nào, được làm điều gì. Và chỉ cần người vợ làm không đúng ý là mâu thuẫn sẽ xảy ra.

Sau này, sự phát triển của xã hội, sự bình đẳng nam nữ đã bớt đi rất nhiều, nhưng ở nhiều địa phương, nhất là tại các vùng quê, văn hóa gia trưởng vẫn còn tồn tại.

Hơn nữa, cuộc sống với nhiều khó khăn, áp lực làm người đàn ông sinh ra chán ghét hôn nhân, cảm thấy bị áp đặt và không còn yêu thương vợ như trước.

Tự họ tạo ra tư tưởng cực đoan trong suy nghĩ và dẫn đến hành vi bạo hành phụ nữ, ngược đãi trẻ nhỏ.

Khi bạo hành xảy ra, người vợ và người chồng đều không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình nên sẽ rất dễ gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội, thậm chí giết người.

Vậy nên, để giảm thiểu nguy cơ, khi có bạo hành xảy ra, người yếu thế (phụ nữ, người già, trẻ nhỏ) nên tìm cách báo cho các cơ quan có chức năng để được can thiệp, giải quyết.

Không nên đưa ra những quyết định vội vàng vì lúc đó không hiểu được tâm lý của người chồng như nào, tránh tình trạng mất kiểm soát hành vi gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng.

Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2010, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có một người khai báo từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra.

Có đến 25,9% nạn nhân từng bị thương do bạo lực thể xác hoặc tình dục từ chồng mình trong cuộc đời, trong đó hơn 11,2% bị thương cần chăm sóc y tế.

Chỉ có 12,9% phụ nữ khai báo về bạo lực do người khác (ngoài chồng) gây ra, tuy nhiên thủ phạm chính vẫn là các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, anh, em.

Điều đáng nói, hơn 87% nạn nhân chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan, đòan thể và tổ chức nào.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính