Mâm ngũ quả - Nét đặc trưng văn hóa của người Việt

Mâm ngũ quả thường được dâng lên cúng tổ tiên, các vị thần linh trong những dịp lễ, Tết để khấn cầu những điều tốt đẹp, may mắn, tài lộc. Đây là nét đặc trưng văn hóa của người Việt.

Trong dịp lễ Tết, trên bàn thờ của từng gia đình người Việt không thể thiếu được mâm ngũ quả để dâng cúng tổ tiên. Mâm ngủ quả không chỉ làm cho không gian cúng thêm ấm áp, hài hòa, rực rỡ, mâm ngũ quả còn thể hiện sinh động ý tưởng triết lý - tín ngưỡng - thẩm mỹ và là nơi gửi gắm ước nguyện của mỗi gia đình.

Phong tục cổ truyền này được lưu giữ từ xưa cho đến nay ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta. Điều đặc biệt là mỗi cách bày biện mâm ngũ quả ở từng vùng miền lại phản ánh những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất đó.

Theo chuyên gia phong thủy Linh Quang, mâm ngũ quả xuất phát từ quan niệm âm dương ngũ hành, vạn vật hòa hợp cùng trời đất. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: "Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ". Chúng còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên.

Mâm ngũ quả xuất phát từ quan niệm âm dương ngũ hành, vạn vật hòa hợp cùng trời đất

Mâm ngũ quả xuất phát từ quan niệm âm dương ngũ hành, vạn vật hòa hợp cùng trời đất

Mâm ngũ quả dịp lễ Tết mỗi vùng miền sẽ có những lựa chọn khác nhau về cách bài trí. Ví như với những người ở miền Nam, mâm ngũ quả thường được bày 5 loại quả gồm: Mãng cầu Xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài".

Người miền Trung lại bày mâm ngũ quả theo phong cách đơn giản hơn với tâm niệm có gì cúng nấy. Họ cho rằng việc thờ cúng tổ tiên cốt thành tâm là chính, vì thế nên người miền Trung cũng không quá cứng nhắc, khắt khe trong việc lựa chọn hay bày biện mâm ngũ quả. Họ có thể dùng chuối, thanh long, xoài, cam, quýt, sung… hay bất cứ loại trái cây nào mang ý nghĩa tốt đẹp để trưng bày.

Còn với người miền Bắc, mâm ngũ quả gửi gắm nhiều niềm hy vọng vào một năm mới tốt lành với sức khỏe, tiền tài, hạnh phúc, sum họp và thịnh vượng, ngoài ra năm loại quả còn có một ý nghĩa khác là tượng trưng cho ngũ hành tương sinh, ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ trong văn hóa phương Đông.

Theo đó, mâm ngũ quả cần có sự kết hợp của 5 màu sắc: Màu trắng tượng trưng cho hành Kim, màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, màu đen tượng trưng cho hành Thủy, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ.

Mâm ngũ quả truyền thống ở miền Bắc nói chung hoặc của người Hà Nội nói riêng thường dùng các loại hoa quả quen thuộc như: Chuối xanh, bưởi hoặc bòng màu vàng, phật thủ, quất chín, cam Canh hoặc cam sành Hà Giang hay cam Hàm Yên - Tuyên Quang, ớt đỏ, táo xanh, quả trứng gà (Lekima), hồng xiêm (Sapoche)…

Việc bày mâm ngũ quả của người miền Bắc rất độc đáo, tỉ mỉ và có những nguyên tắc nhất định. Nải chuối xanh được đặt ở trung tâm mâm ngũ quả, làm giá đỡ để trưng bày các loại quả khác và cũng là biểu tượng của sự che chở, ấp ôm…, bưởi (bòng) hay phật thủ được bày chính giữa, tượng trưng cho thịnh vượng, tài lộc, tôn kính tổ tiên. Các loại trái cây nhỏ khác sẽ được sắp xếp xen kẽ từ trên xuống dưới để nhìn về tổng thể mâm ngũ quả đầy đặn, tròn trịa, gọn gàng tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy.

Mâm ngũ quả các vùng miền mang hình thức, ý nghĩa khác nhau theo quan niệm dân gian. Tùy vào phong tục tập quán từng địa phương cũng như khí hậu, sản vật vùng miền mà người dân chọn các loại quả phù hợp để bày mâm ngũ quả. Nhưng dù vùng miền nào, mâm ngũ quả đều thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên, các vị thần linh và ẩn chứa nguyện cầu những điều may mắn, tốt đẹp đến với gia đình. Do vậy, chỉ cần dùng loại quả tươi, quả đẹp, quả ngon là có thể dâng cúng với tấm lòng thành tâm là được.

Sau khi mâm ngũ quả được sắp xếp đẹp, dâng lên đầy đủ thì gia chủ thắp hương thành tâm khấn cầu những điều tốt đẹp. Việc thắp hương thông thường sẽ là 3 nén, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa Thiên - Địa - Nhân, sự giao hòa cân đối giữa trời đất và con người, từ đó các ước nguyện mong cầu sẽ dễ linh ứng hơn.

Mặc dù có nhiều cách diễn giải về số nén hương khi thắp, nhưng tựu chung là sử dụng con số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 vì số lẻ tượng trưng cho số dương. Con người đang sống nên sử dụng số lẻ mang tính dương, khi thắp hương thuộc về phần tâm linh nên bản chất là âm, do vậy có âm có dương chính là biểu thị cho sự cân bằng thuận hành.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính