Cỏ mần trầu là một trong những loại cỏ quen thuộc trong vườn nhà. Cỏ mần trầu không chỉ là loài cỏ dại mà còn được coi như một vị thuốc dân gian giúp mát gan, giải độc hiệu quả.
Cỏ mần trầu hay còn được gọi là cây ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, có dáng, cỏ bắc,... Tại Campuchia, cỏ mần trầu còn có tên gọi là cheung kras hoặc mia pak kouay (Lào).
Loại cây này thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae) và có tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.).
- Đặc điểm cơ bản của cỏ mần trầu
+ Là cây thân cỏ, sống hàng năm. Cây có rễ khỏe, thường mọc thành từng cụm. Thân cây thẳng hoặc mọc bò ở độ cao khoảng 10 - 60cm.
+ Cỏ mần trầu có lá hình dải thường dài khoảng 10 - 30cm và lá mềm, ở phần bẹ có lông.
+ Cây có hoa mọc thành bông thường gồm 5 đến 7 bông mọc ở ngọn và 2 bông mọc ở vị trí khác thấp hơn.
+ Cỏ mần trầu thường có hoa vào mùa hạ và mùa thu, quả hình thuôn dài gần như có 3 cạnh.
+ Cây cỏ này thường mọc hoang ở các bãi cỏ ven đường thường dùng làm thuốc chữa bệnh hoặc thức ăn cho gia súc.
- Cỏ mần trầu có tốt không, ứng dụng thế nào?
Cỏ mần trầu không chỉ là một loại cây cỏ đơn thuần mà nó còn là một vị thuốc dân gian được ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Loại cây này có khả năng chữa sốt, sốt rét và mát gan, tiêu độc. Bạn có thể dùng cỏ mần trầu khô hoặc cỏ mần trầu tươi đều được.
Hiện nay, người ta cũng sử dụng cỏ mần trầu để chữa bệnh cao huyết áp.
Một số bài thuốc dân gian từ cỏ mần trầu có lợi cho sức khỏe
Những bài thuốc dân gian từ cây cỏ mần trầu được dân gian truyền lại, các mẹ nên tham khảo để áp dụng khi cần:
- Cỏ mần trầu chữa cao huyết áp
+ Đem cỏ mần trầu còn nguyên rễ rửa sạch rồi để ráo nước.
+ Băm hoặc thái cỏ thành những đoạn nhỏ rồi giã nát.
+ Đổ một bát nước đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước cốt
+ Lọc qua phần nước cốt bằng vải mềm rồi thêm một chút đường vào để dễ uống
Dùng nước cỏ mần trầu tươi mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Đây là kinh nghiệm của nhân dân miền Nam, do ông Thanh truyền lại.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi)
- Cỏ mần trầu chữa bệnh sỏi tiết niệu
Theo Hội Y học Dân tộc Thanh Hóa, cỏ mần trầu có khả năng chữa bệnh sỏi tiết niệu rất hiệu quả. Bài thuốc như sau:
Cỏ mần trầu 40g, bông mã đề 20g, mộc thông 8g, chi tử 8g, lá tre 20 lá, cam thảo 8g, cù mạch 8g, hương phụ chế 12h, sinh địa 16g. Nếu đái ra máu thì thêm 20g rễ cỏ tranh, đái buốt thêm hoạt thạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống một đợt 10 thang.
- Bài thuốc thanh nhiệt, giải độc với cỏ mần trầu của người Chăm
Đồng bào Chăm sử dụng cỏ mần trầu để giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chữa các bệnh ho khan, sốt âm ỉ về chiều hoặc người thường xuyên lao lực, mệt nhọc.
- Cỏ mần trầu trị tóc bạc - bài thuốc của người dân tộc Dao ở Hà Giang
Người dân tộc Dao ở Hà Giang sử dụng cỏ mần trầu trị tóc bạc rất hiệu quả. Họ sử dụng cỏ mần trầu để làm thuốc uống hoặc đun cỏ để làm nước gội đầu. Áp dụng thường xuyên sẽ thấy hiệu quả như mong muốn.
Bài thuốc cỏ mần trầu trị tóc bạc như sau:
+ Thuốc uống:
Cỏ mần trầu 10g, rễ khúc khắc 25g, vỏ thân cây ngũ ga bì 15g, vỏ thân đỗ trọng 15g, rễ cam thảo 5g, cả cây nhân trần 5g. Về mùa đông, thêm 2g gừng nóng.
Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống trong một ngày, sau bữa ăn chính khoảng 15 phút. Kiêng chất tanh, chất kích thích, rau muống, cà chua. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh không được dùng.
+ Dùng cỏ mần trầu đun nước gội đầu
Cả cây cỏ mần trầu 200g, bồ kết 3 quả, cỏ mần trầu thái nhỏ nấu với hai lít nước đến sôi. Để âm ỉ lửa nhỏ trong 5 phút, chắt lấy nước trong, để vừa ấm gội đầu, nên ngâm tóc trong nước càng tốt. Sau đó, tráng lại bằng nước lã.
- Một số bài thuốc dân gian khác từ cỏ mần trầu
+ Người mắc các bệnh lao, phổi, ho khan... có thể dùng 40g cỏ mần trầu sắc cùng 200ml nước để uống hàng ngày. Lưu ý không uống quá nhiều, chỉ nên uống 1 lần trong ngày.
+ Trẻ nhỏ bị sốt cao, mụn nhọt, ban đỏ, rôm sảy cũng có thể dùng cỏ này để chữa trị. Cụ thể, lấy cỏ mần trầu tươi (120g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần.
+ Người bị tiểu gắt, da mẩn đỏ có thể dùng 40g cỏ mần trầu sắc uống, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung uống trong ngày.
+ Cỏ mần trầu chữa bệnh đái dầm ở trẻ nhỏ: Dùng 20g cỏ mần trầu, mùi tàu 20g, 20g rau ngổ, 10g cỏ sữa lá nhỏ thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chiều.
+ Cỏ mần trầu chữa sốt cao co giật, hôn mê: 120g Cỏ mần trầu sắc với 600 ml nước đến khi còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
+ Chữa viêm da, vàng da: 60g cỏ mần trầu tươi kết hợp cùng 30g rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) sắc uống hàng ngày.
+ Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Lấy 60g cỏ mần trầu tươi sắc cùng 30g sơn chi ma lấy nước uống hàng ngày.
+ Để chữa viêm tinh hoàn bạn lấy 60g cỏ mần trầu sắc cùng 10 cùi vải uống hàng ngày.
* Lưu ý, không nên tự ý uống thuốc từ cỏ mần trầu mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng
Trên đây là một số thông tin hữu ích về cỏ mần trầu, bạn có thể tham khảo thêm các bài thuốc, cây thuốc dân gian khác tại đây.