Từ chuyện sản phụ tự tử, nhìn lại tình yêu của đàn ông khi vợ ở trong phòng sinh

Trong phòng sinh là nơi người phụ nữ đau đớn nhất, yếu đuối nhất, nhưng cũng là nơi người phụ nữ cần sự can đảm nhất. Khoảnh khắc ấy, đôi khi họ cần lắm người đàn ông của mình ở bên tiếp thêm sức mạnh tinh thần, thế nhưng...

 

Trong những ngày qua, bài viết về vụ việc sản phụ Trung Quốc tự tử đã được hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam chia sẻ, với rất nhiều quan điểm và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có những người đã nói rằng: 'Hoá ra không phải hôn nhân, phòng sinh mới là nấm mồ của tình yêu'. Gia Đình Mới xin phép chia sẻ góc nhìn của chị Nguyễn Thu Hằng - Bác sĩ chuyên khoa nhi, Bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em, hiện đang theo học tại Pháp về tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành. 

Từ câu chuyện đau lòng của một sản phụ ở Trung Quốc

 

Những ngày này, Trung Quốc đang xôn xao vụ việc một sản phụ nhảy lầu tự sát khi đã cận kề giây phút lên bàn sinh. Nói về nguyên nhân nhảy lầu, bệnh viện và người nhà mỗi người giải thích theo một kiểu.

Bệnh viện giải thích là, do sản phụ quá đau đớn không thể chịu được, hai lần cầu xin gia đình cho phép mổ, thậm chí còn quỳ xuống cầu xin. Bác sĩ chính cũng đề nghị gia đình tiến hành mổ nhưng đều bị gia đình cự tuyệt.

Chồng của sản phụ kí vào giấy cam kết với bệnh viện như sau: 'Đã nắm rõ tình hình, yêu cầu sinh thường, có thể truyền thuốc kích thích cổ tử cung mở, chấp nhận trường hợp ngoài ý muốn'. Chấp nhận trường hợp ngoài ý muốn, và tình huống ngoài ý muốn lớn nhất đã xảy ra...

Sản phụ trèo qua cửa sổ, lao mình từ tầng 5 xuống đất, cấp cứu nhưng đã quá muộn.Bên phía gia đình nói, họ không hề có chuyện không đồng ý mổ, tất cả đều là do trách nhiệm của bệnh viện.

Sự việc này trước mắt vẫn đang tranh chấp, chưa được giải quyết, nhưng điều chắc chắn rằng nó đã để lại một vết sẹo vĩnh viễn không phai mờ trong lòng những người liên quan, và cả những người phụ nữ làm vợ, làm mẹ biết đến câu chuyện thương tâm ấy. 

...Đến tâm tư của những người vợ, người mẹ Việt

Khi câu chuyện về người phụ nữ trầm cảm dẫn đến hậu quả trầm trọng được chia sẻ, thì trong ba ngày liền mình nhận được liên tục tin nhắn của bốn bà mẹ trẻ kể chuyện về những nỗi buồn, những lo lắng khổ sở, và những thất vọng của các bạn ấy về thái độ của các ông chồng + gia đình và mọi người xung quanh.

Đúng là ở Việt Nam nhiều người vẫn còn chưa quan tâm đến tâm tình, những lo lắng mệt nhọc, những băn khoăn, những nỗi sợ... của các bà mẹ trẻ khi mang con trong bụng và những ngày đầu sau sinh thật.

Hoạt cảnh thường gặp là phải đi khám thai một mình, rồi bụng to tướng mà vẫn phải làm hết việc nọ đến việc kia ('cho dễ sinh' - như lời của một số bà nội - ngoại), rồi 'nằm chờ trong phòng sinh một mình', 'vượt cạn' một mình...hoặc do bệnh viện cấm không cho người nhà vào khu vực chờ sinh chưa nói gì đến phòng sinh, hoặc do các ông chồng sợ không dám vào chỗ đó...

Sau khi sinh, đúng là nhiều gia đình đã đặt quá nhiều sự chú ý, quan tâm chăm sóc vào đứa bé mà coi nhẹ việc chăm sóc hay quan tâm đến người mẹ.

Người mẹ khi sắp sinh càng cần được quan tâm hơn bao giờ hết

Có bạn kể: 'Em sinh xong bị mất nhiều máu, người em yếu như một cọng rau, lại còn bị rạch nên đau đớn lắm, rồi mệt mỏi, rồi cho con ti, rồi ngủ lúc được lúc mất. Em chờ đợi được hỏi han, yêu thương một tý, chăm sóc một tý...

Nhưng mà chồng em thì vẫn đi làm khuya sớm, em ở nhà với mẹ chồng và cô giúp việc, cả hai người đều bận chăm sóc con em, rồi cơm nước, giặt giũ, nên ít ai để ý đến em. Ăn uống kiêng khem nhiều nên em càng mệt.

Có hôm em nói với chồng là em muốn được đi ra ngoài một tý cho thoải mái đầu óc thì chồng em bảo em vớ vẩn, khó tính, hay đòi hỏi, tiểu thư nọ kia rất là khó chịu nên em cũng thôi...

Nhưng mà em buồn, rồi em cứ lầm lũi nuôi con, có đêm vừa ôm con cho con bú vừa khóc, em cứ nghĩ nếu không có con thì em nhảy lầu chết rồi chị ơi, mà anh ấy cứ ngủ khì khì bên cạnh tức không thể tả...

Rồi chúng em cãi nhau liên tục, rồi con ốm con đau, rồi em nghĩ đến những tháng ngày sinh con, nuôi con trong cô đơn, em ghét anh ấy lắm, em muốn li hôn...'

Người phụ nữ nào cũng mong có chồng ở bên hay được quan tâm khi đang trong quá trình 'vượt cạn'

Bạn khác kể: 'Chồng em thì tốt lắm chị ạ, biết thương yêu chăm sóc vợ, nhưng mà bố mẹ chồng em, và dì của chồng thì ghê lắm. Em nghén muốn ăn cái này cái kia, chồng đi mua về đều phải giấu bố mẹ hết đó chị.

Nếu mà mẹ chồng em biết, thì sẽ kể ngay cái bài: 'Ngày xưa tau sinh 4 đứa con trong khó khăn vất vả mà tau vẫn đi làm đồng, ăn uống kham khổ...' cho nghe ngay. Nên vợ chồng chăm sóc nhau mà cứ phải giấu giấu diếm diếm như đi ăn trộm.

Sau khi em sinh, chồng đi công tác xa ba tuần, thì đó là những ngày em chỉ có buồn và khóc, sữa thì ít, mẹ chồng em cứ la lối là phải ăn này ăn kia cho nhiều sữa.

Mà em thì chỉ thiếu ngủ thôi, mệt mỏi cực kì nên đã có lần em đội nón, mặc bộ quần áo ngủ đi ra đường đi lang thang như người mất hồn cả buổi đó chị. Rồi sữa căng, nghĩ đến con mới giật mình quay về...

Em không biết có phải bị trầm cảm sau sinh không, nhưng mà em cứ khổ sở hoài trong suốt 6 tháng đó chị vì nghề của chồng em phải đi công tác liên miên, mà anh có hiếu với cha mẹ nên không bao giờ dám can thiệp một câu nào, anh cứ bảo em 'Ráng lên em, anh thương em nhiều...' nhưng lúc đó em đâu có 'ráng lên' được, em kiệt sức, em chỉ muốn bỏ hết tất cả... cũng may mà giờ em đỡ hơn rồi...'

Lẽ ra ở cửa các phòng sinh, phòng khám thai phải có thêm câu khẩu hiệu: 'Hãy thương yêu, chiều chuộng phụ nữ mang thai, chờ sinh và sau sinh hơn gấp nhiều lần lúc bình thường'

Vậy đó, đã từ lâu rồi mình cứ nghĩ, lẽ ra bên cạnh những khẩu hiệu về chăm sóc sức khoẻ, về việc cho con bú mẹ, thì ở cửa các phòng sinh, phòng khám thai phải đăng thêm câu khẩu hiệu này: 'Hãy thương yêu, chiều chuộng phụ nữ mang thai, chờ sinh và sau sinh hơn gấp nhiều lần lúc bình thường'...

Hôm trước ngồi dọn thư từ, đọc lại rất nhiều bức thư cũ của bà Nội bé Luti, mình cứ xúc động mãi khi đọc lại bức thư bà viết cho hai vợ chồng mình sau khi nhận được tin mình có em bé. Sau phần chúc mừng, vui sướng bà căn dặn về phần ăn uống, ngủ nghỉ.

Sau đó, bà viết cả một nửa trang, dành riêng cho ông con trai yêu quý của bà rằng: 'Từ giờ trở đi, H. phải lo chăm sóc Hằng cho cẩn thận, có chuyện gì cáu giận với nhau cũng phải nói từ từ, hoặc bỏ qua không nói nhé. H. phải thương yêu vợ hơn thật nhiều lần thì mới được, vì người phụ nữ lúc này rất cần được thương yêu chăm sóc cẩn thận, mẹ tốt thì con sinh ra mới tốt được H. hiểu không? Làm thế nào để Hằng luôn được vui vẻ khoẻ mạnh, thì con của các con sinh ra mới vui vẻ khoẻ mạnh...'.

Niềm hạnh phúc làm mẹ của người phụ nữ còn ngọt ngào hơn nữa khi được sẻ chia cùng người đầu gối tay ấp

Chồng mình hồi đó rất nghe lời mẹ, chăm sóc thương yêu vợ hết lòng, không bao giờ cáu kỉnh, vợ muốn ăn gì, muốn thế nào đều được hết không bao giờ kêu ca phàn nàn. Con được tý tuổi trong bụng là toàn vuốt ve kể chuyện, trò chuyện với con...

Khi mình về nhà, thì bà Nội Luti chăm sóc cẩn thận lắm. Ngày nào cũng động viên ăn uống, đi bộ, ngủ nghỉ thoải mái nhất có thể được.

Đến ngày mình sinh, bệnh viện hồi đó vẫn cấm không cho người nhà vào phòng chờ, nhưng mà chồng mình toàn chờ ở ngoài cửa, thấy không có ai lại chui vào phòng mình đang nằm chờ hỏi han mấy câu, rồi cho uống nước, trò chuyện tý lại chạy ra...

Những ông chồng 'tồ' và những bài học vỡ lòng đầu tiên

Có rất nhiều điều những ông chồng cần được học, để có cơ hội hiểu và thương vợ nhiều hơn

Lý do khiến cánh đàn ông thường có vẻ vô tâm, thờ ơ với việc mang thai của vợ, có lẽ là do giáo dục, nhận thức: Có rất nhiều anh lấy vợ rồi, chuẩn bị lên chức bố rồi mà chưa có đủ nhận thức và khái niệm về việc vợ mang bầu là như thế nào đâu ạ, bởi vì đa phần các anh ấy chưa được dạy dỗ về chuyện này (thôi thì cứ vui vẻ gọi họ là chồng 'tồ' đi).

Vậy nhiệm vụ của các chị em, các bà mẹ là giúp các anh bớt 'tồ' trước khi có con.

Chồng mình là người chỉ biết có công việc là công việc, và lúc ở nhà cũng được bố mẹ chiều chuộng nên có thể nói là hơi 'tồ' trong cuộc sống.

Mẹ chồng mình là người biết rõ nhược điểm của con trai, nên đã dạy con chú ý quan tâm chăm sóc vợ như bài trước mình đã viết.

Hãy cho mình được tựa vào chồng và đừng im lặng chịu đựng một mình

Phần mình, thì trước khi có bầu từ cả năm trời, là mình đã hay kể cho chồng nghe những chuyện tưởng như rất vớ vẩn xoay quanh chuyện có em bé trong bụng rồi.

Mình kể có những người nghén khổ nghén sở thế nào? Kể chuyện chị gái mình có bầu đêm rồi mà còn thèm ăn mít, xong cứ bắt anh rể đi mua, bảo nếu không được ăn thì em không ngủ được đâu. Thế là anh ấy phải ra chợ, gõ cửa nhà bác bán mít để mua cho vợ....

Mình kể có người chỉ nghén ngọt, có người thích chua, có người thích mặn, có người thích ngủ, có người trở nên khó tính, cấm cảu suốt ngày, có người nôn oẹ, sống dở chết dở, ăn không ngon ngủ không yên, có người thèm những thứ như dở hơi dở hồn... và chuyện đó là chuyện rất thường gặp, khoảng ba bốn tháng sau thì hết...

Đôi khi, điều người chồng 'tồ' cần chỉ là một cơ hội được hiểu hơn về những vất vả của người vợ, người mẹ

Chồng mình nghe vài lần thì cũng ngấm nên đến khi mình có em bé là anh ấy để ý đến chuyện 'nghén' lắm.

Mình thì không bị nôn hay sợ cái gì, chỉ thích ăn hoa quả và cá nên luôn được đáp ứng rất đầy đủ các món mình thích. Và mình áp dụng triệt để bài chống nôn vào buổi sáng, nên sáng này cũng được uống trà nóng, ăn bánh trước khi rời giường.

Mình hay nhắc chồng là anh biết là em vốn bản chất hay vội vã, hấp tấp, đi lúc nào cũng như chạy, làm gì cũng hùng hục như trâu như bò... rồi nhé, nên anh phải có nhiệm vụ nhắc nhở, trông chừng em nhé kẻo em trượt chân ngã hay mang đồ nặng quá là có thể nguy hiểm đến cả mẹ cả con đấy...

Mình hay kể cho chồng nghe về chuyện di truyền qua tế bào chất, là nếu mẹ có em bé trong bụng mà sống bình yên, thông minh, học hỏi nhiều, đọc sách nhiều, sống vui vẻ, ăn uống cẩn thận ngon lành, ngủ tốt.... thì con sinh ra sẽ có khả năng được di truyền nhiều thứ tốt như vậy...

Khi chồng được đi cùng vợ trong quá trình thai nghén, sự gắn bó giữa vợ chồng và con cái cũng bền chặt hơn

Rồi đến lúc đi khám thai, đi siêu âm, nếu chồng không bận thì kiểu gì mình cũng rủ đi cùng. Mình bảo, ôi em nghĩ cũng thấy sợ, nhỡ đâu đi khám có chuyện gì... nên em cần người đi cùng. Đi siêu âm thì mình rủ là 'Đi xem mặt con không nào?' nên anh nhà mình thích đi cùng lắm.

Đến lúc chuẩn bị sinh, mình cho chồng đọc luôn cả cuốn sinh con không đau để chồng giúp mình tập luyện, và tối nào hai đứa cũng lang thang đi bộ.

Rồi đến ngày sinh, thì như một lẽ tự nhiên thôi, là bọn mình nhất thiết phải ở bên nhau, cùng đón con ra đời...

Những vất vả của người vợ sẽ nhẹ đi rất nhiều khi có người chồng bên cạnh

Lúc nuôi con nhỏ, đa phần các bà nội bà ngoại đều cho rằng các anh là rất 'tồ', đến bế con cũng không biết bế, thay cái tã cũng không biết thay, nên nhiều anh tự nhiên bị các bà, thậm chí ngay cả vợ gạt ra rìa. Mà nếu để bị gạt ra rìa lâu, thì các anh sẽ vô tư hưởng thụ sự tự do, đi chơi đây chơi kia thôi...

Mình biết thế, nên mỗi lần nghe thấy các bà chê chồng mình, thì mình lại bảo kệ anh ấy mẹ/cô ạ... bế con mãi, ru con mãi sẽ quen, thay tã lần đầu ai chả rây ra khắp nơi, bẩn thỉu, nhưng kệ chứ...dần dần sẽ quen thôi.

Nấu ăn, pha sữa, làm món này món kia cho vợ, mình cũng luôn động viên chồng làm cho quen.

Bên cạnh thiên chức làm mẹ, tại sao không thể để người cha tận hưởng thiên chức làm cha? 

Hãy coi đó cũng là việc của chồng, một cách tự nhiên nhất, đừng gạt các anh ấy ra rìa, đừng để các anh ấy sống 'vô can' các bạn ạ.

Hồi đó chưa có internet, nên tụi mình toàn nói chuyện tâm tình với nhau thế thôi. Mình cứ rủ rỉ kể cho chồng nghe những điều mình muốn anh ấy phải biết, phải học trước khi có con.

Đồng thời mình cũng luôn giữ giới hạn các yêu cầu chia sẻ, cân đối với thời gian và công việc của chồng, nghĩa là rủ rê có mức độ thôi ạ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ rồi, là người mẹ mang con trong bụng, cảm nhận con lớn lên từng ngày, cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể từng ngày... nên sự gần gũi, gắn bó với con sẽ có sớm, và khác với người cha.

Vậy nên chúng ta hãy cho các anh ấy thời gian và cơ hội để học tập, để gắn bó với con, với vợ các bạn ạ.

Một xã hội chưa đủ trân trọng những người mẹ

Không phải lúc nào nỗi đau đớn, vất vả của người sản phụ cũng được chia sẻ

Ở xã hội ta, việc phụ nữ mang thai, sinh nở, nuôi con... thường được gắn với chữ 'thiên chức, bản năng làm mẹ'. Vì vậy đối với nhiều người, đó hiển nhiên là việc của các bà mẹ, ông bố là 'vô can'.

Và thường được coi như là một hiện tượng sinh lý bình thường, 'ai chả chửa, chả đẻ'... nên xã hội và nhiều người vẫn còn chưa cho chuyện này đủ độ quan tâm.

Hồi trước còn có lý thuyết cho rằng bố chỉ cần can thiệp vào nuôi dạy con từ lúc con hai tuổi trở lên thôi nên nhiều người mới cứ nghiễm nhiên 'chờ con lớn tý rồi can thiệp'.

Đến bệnh viện thì thường không có chỗ cho người nhà vào phòng chờ, phòng khám nên các anh hay bị đuổi đi.

Lúc đi khám, đi sinh, sản phụ có hỏi han, băn khoăn gì cũng ít được ân cần giải đáp.

Lên bàn nằm sinh con nếu có kêu ca phàn nàn, đau đớn... có khi còn bị mắng cho, hoặc bị bỏ qua không được đáp ứng.

Mỗi người phụ nữ đều có thể thay đổi định kiến xã hội, bắt đầu từ chính gia đình nhỏ của mình

Bây giờ chắc tiến bộ hơn nhiều rồi, chứ thời mình sinh Luti, đi khám thai đố dám hỏi quá hai câu.

Lúc đi sinh: Mình thì to, bụng cao vượt mặt, đau từng cơn, mà phải nằm im vì phải truyền nước, chờ sinh trên một cái bàn bằng tôn hay sắt gì đó, lạnh lẽo, bé tý, không thể xoay được người, lại cao nữa nên vừa nằm vừa sợ nhỡ chẳng may mình chợp mắt ngủ quên thì bị ngã xuống đất mất.

Nên cứ thao thức nằm chờ từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới được đi mổ. Vì vậy mổ xong thì rã rời như người sắp chết, bế con đau nhức cả người, cả cánh tay...

Vì vậy, muốn người phụ nữ mang thai, sinh nở được quan tâm chăm sóc đầy đủ, chúng ta cần làm mình thành người phụ nữ tự chủ, 'dạy/ giúp đỡ chồng', và cần tham gia đóng góp để thay đổi cả một quan niệm xã hội nữa chứ đừng trách riêng các anh chồng 'tồ' các bạn ạ.

Mai Hoa (tổng hợp)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan