Trẻ bị viêm da do cha mẹ thường xuyên đóng bỉm, tã là tình trạng phổ biến gặp ở trẻ nhỏ hiện nay. Điều đáng nói là khi trẻ bị viêm da, thay vì dừng ngay việc đóng bỉm, đưa con đi thăm khám thì cha mẹ lại tự dùng thuốc bôi, rửa cho con làm bệnh của trẻ ngày càng nặng.
Trao đổi với Gia Đình Mới về việc cha mẹ tự làm bác sĩ thăm khám bệnh về da cho con, PGS.TS Nguyễn Duy Hưng – Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam cho biết: “Thực tế thăm khám các bệnh về da liễu cho trẻ nhỏ, tôi gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn do cha mẹ tự thăm khám, tự dùng thuốc chữa bệnh cho con.
Không ít các bà mẹ khi phát hiện con trẻ có những biểu hiện bất thường vì đóng bỉm, thay vì đem con đi thăm khám bác sĩ nhi khoa, bác sĩ da liễu lại tự ý làm bác sĩ cho con, tự dùng một số loại dung dịch để rửa cho trẻ, bôi một số thuốc.
Nguy hiểm hơn nữa là một số thuốc đó có chứa thành phần corticoid, thành phần kháng sinh làm cho bệnh ngày càng nặng hơn và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, với những trường hợp trẻ bị nấm, bôi mỡ corticoid, mỡ kháng sinh làm bệnh tăng nặng lên, làm da của trẻ bị viêm lan tỏa, lở loét, chảy nước rất nhiều, gây nguy hại sức khỏe trẻ.
Bên cạnh đó, một số cha mẹ sử dụng các loại cây cỏ thiên nhiên như kinh giới, lá trầu không, lá chè, mướp đắng… để bôi, tắm cho trẻ khi trẻ bị trẻ bị hăm, ngứa, viêm da…
Đây là các biện pháp dân gian vẫn được người dân truyền tai nhau sử dụng. Tuy nhiên, biện pháp này là cổ điển, được sử dụng khi mà thuốc, dược phẩm còn hạn chế. Nhưng hiện nay, khi mà khoa học phát triển, có rất nhiều loại thuốc tốt chữa bệnh hiệu quả thì chúng ta nên dùng các sản phẩm của y học hiện đại sẽ tốt hơn”.
Lời khuyên của bác sĩ Hưng dành cho các bà mẹ có con nhỏ là trong trường hợp trẻ bị viêm da do bỉm, tã, cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị sớm và đúng cách.
Khi trẻ được đưa đến thăm khám, bác sĩ sẽ xác định tình trạng viêm của trẻ ra sao, thậm chí phải cho trẻ làm xét nghiệm để biết có nấm hay không.
Bởi, biện pháp xử trí cho trẻ có nấm khác so với trường hợp không có nấm. Nếu xét nghiệm có nấm phải sử dụng thuốc kháng nấm thì mới khỏi được. Còn nếu không có nấm thì sử dụng thuốc chống viêm để điều trị. Ngoài ra, có thể cho trẻ dùng kèm theo kem kháng sinh.
Bên cạnh đó, vùng da bị viêm của trẻ cần phải được rửa bằng một số sản phẩm chuyên biệt để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, chống viêm, chống hăm…
Viêm da do tã lót có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là trẻ bị ẩm ướt. Lớp sừng của da khi ngâm trong nước sẽ làm tăng tính thẩm thấu qua thành mạch, nhất là khi sự cọ sát làm da trở nên nhạy cảm hơn.
Biểu hiện của bệnh là các vùng da rát đỏ ở khu vực tiếp xúc với bỉm, tã như mông, bụng dưới, đùi trên. Các vết rát này đỏ tươi, bóng, tiết dịch, gây đau, sau đó có thể bong vảy.
Do đó, một nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị viêm da tã lót ở trẻ là phải để da khô thoáng. Tốt nhất trẻ đã bị viêm da thì cha mẹ không nên đóng bỉm cho trẻ trong thời gian trẻ bị bệnh.
Trẻ đi tiểu, đi ngoài xong cha mẹ phải thay rửa sạch sẽ ngay cho trẻ. Cha mẹ cần chăm một chút trong việc vệ sinh cho con, hạn chế tối đa việc đóng bỉm sẽ giúp phòng ngừa viêm da hiệu quả cho trẻ.
Đồng thời, nên nên đưa trẻ đi thăm khám, điều trị sớm để phòng bệnh tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.