Bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ đặc trưng bởi các đợt khò khè, khó thở, nặng ngực và ho nhiều lúc nửa đêm và sáng sớm. Bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng các biện pháp dự phòng.
Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp gây ra hiện tượng tăng phản ứng phế quản.
Khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, phế quản bị tắc nghẽn và hẹp lại do co thắt, tăng tiết đờm và tăng quá trình viêm.
Hen phế quản thường có các đợt khò khè, thở ngắn hơi, nặng ngực và ho tái phát đặc biệt thường xảy ra về đêm và sáng sớm.
Các triệu chứng của bệnh liên quan đến thay đổi luồng không khí thở ra do hẹp đường dẫn khí bởi co thắt phế quản, dày phế quản và tăng tiết nhày đường thở.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, ‘có khoảng 75% trẻ bị hen không thường xuyên, 20% xuất hiện hen thường xuyên nhưng không liên tục, 5% trẻ xuất hiện cơn hen kéo dài và liên tục.
Thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay làm bệnh hen phế quản ở trẻ dễ tái phát.
Với các bệnh nhi đến khoa hô hấp của chúng tôi thời điểm này có đến 70% là có yếu tố dị ứng. Và số lượng trẻ bị hen phế quản nổi bật lên trong số các bệnh về đường hô hấp khác.
Cha mẹ có thể phân biệt trẻ bị hen phế quản với trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn, ho do viêm phổi qua những biểu hiện như trẻ bị các bệnh đường hô hấp do yếu tố viêm nhiễm thì thường hay khởi phát cơn ho khi trẻ thức, vào ban ngày, khi trẻ chơi, trẻ ăn, trẻ gắng sức, trẻ chạy nhảy… thì sẽ biểu hiện ho.
Còn đứa trẻ có biểu hiện hen, có yếu tố cơ địa dị ứng thì thường hay khởi phát ho, khó thở vào buổi đêm và sáng sớm’.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hen phế quản
- Trong gia đình có người có cơ địa dị ứng như dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hay bị ho, hắt hơi, sổ mũi khi thời tiết thay đổi, thỉnh thoảng bị nổi mẩn trên da… hoặc có những trường hợp viêm mũi dị ứng, viêm xoang…
- Trẻ có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, hay khởi phát vào nửa đêm và sáng sớm và giảm dần vào ban ngày khi thời tiết ấm hơn.
- Trẻ bị ho, khò khè, khó thở 3 lần liên tiếp trong vòng 3 – 6 tháng là các bác sĩ đã chẩn đoán và dự phòng hen cho trẻ.
- Trẻ khởi phát cơn hen khi có sự thay đổi về thời tiết, hoặc những yếu tố cơ địa dị ứng như tiếp xúc với những yếu tố dị nguyên như lông động vật, khói hương, khói bếp than, khói thuốc lá, khói thuốc lào, bụi nhà, nấm mốc…
Cơn hen phế quản là đợt tiến triển nặng của bệnh hen làm cho các triệu chứng như: ho, khò khè, thở ngắn hơi và nặng ngực tăng lên có hoặc không kèm theo các biểu hiện khác, trong đó hay gặp nhất là suy hô hấp.
Độ nặng của cơn hen cấp thay đổi từ nhẹ đến rất nặng, đe dọa cuộc sống. Thông thường mỗi cơn chỉ xảy ra trong vài giờ, vài ngày, nhưng đôi khi chỉ xảy ra trong vài phút.
Cơn cấp xảy ra nhanh thường do tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn như nhiễm virus hoặc tiếp xúc với dị nguyên.
Cơn cấp xảy ra từ từ, nặng dần lên trong một vài ngày, thường gặp ở các trẻ thất bại trong điều trị dự phòng, kiểm soát hen.
Điều đáng lưu ý là tỷ lệ mắc và tử vong trong cơn hen cấp tăng lên thường do sự chủ quan, coi thường hoặc không đánh giá được đầy đủ mức độ nặng của cơn hen. Do đó dẫn đến điều trị không kịp thời hoặc không phù hợp với mức độ nặng của cơn.
- Giảm triệu chứng khò khè và ho
- Cải thiện chức năng hô hấp
- Giảm nguy cơ và số lần xảy ra cơn cấp
- Giảm các tác dụng phụ không mong muốn
- Giảm ảnh hưởng đến giấc ngủ
- Trẻ không phải nghỉ học
- Thuốc an thần (tránh tuyệt đối, trừ khi bệnh nhân được thông khí nhân tạo)
- Thuốc long đờm vì làm ho nhiều hơn
- Vỗ rung và vật lý trị liệu vùng ngực vì có thể làm bệnh nhi khó chịu hơn
- Truyền dịch với khối lượng lớn cho trẻ lớn (tuy nhiên với trẻ nhỏ hoặc trẻ còn bú thì có thể cần thiết)
- Kháng sinh là không cần thiết nhưng có thể dùng được cho bệnh nhi có viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn khác như viêm xoang.
Trẻ khởi phát cơn hen khi có sự thay đổi về thời tiết, hoặc những yếu tố cơ địa dị ứng. Do đó, để phòng bệnh tái phát cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố khởi phát cơn hen như lông động vật, khói hương đốt, khói bếp than, khói thuốc lá, khói thuốc lào, bụi nhà, nấm mốc…
Thường trẻ ho, khó thở liên quan đến độ ẩm, thời tiết. Trẻ ho, khó thở nhiều về đêm và sáng sớm là do độ ẩm ở thời điểm đó cao, nhiệt độ giảm sâu, nồng độ cortisol trong máu lúc đó là thấp nhất.
Vì vậy việc điều trị bệnh phải dùng corticoid là để bổ sung lại nồng độ cortisol trong máu bị giảm thấp vào nửa đêm và sáng sớm.
Bác sĩ Hoàn cũng cho biết rằng, ‘nhiều cha mẹ lại đặt ra với tôi câu hỏi là, vì con bị khởi phát bệnh khi thay đổi thời tiết, vậy nên cha mẹ cho con vào 1 phòng kín, bật điều hòa ở một nhiệt độ nhất định thì có giảm được bệnh của con?
Điều này cũng không thay đổi được tình trạng bệnh hen phế quản ở trẻ. Bởi, bệnh hen phế quản có yếu tố môi trường, tức là phải thay đổi hẳn vùng miền sinh sống chứ không phải lạm dụng điều hòa như vậy.
Cha mẹ cùng cần chú ý khi sử dụng điều hòa cho trẻ nhỏ để không nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Nên để nhiệt độ trong phòng không được chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ môi trường bên ngoài, không chênh lệch quá 5 – 7 độ C’.
Để tránh các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nói chung trong đó có bệnh hen phế quản, cha mẹ phải nhớ giữ ấm cho trẻ nhưng phải thoáng khí.
Bởi, những trẻ có yếu tố dị ứng, ho, khó thở về đêm và sáng sớm thường có mồ hôi trộm. Vậy nên, nếu cha mẹ giữ ấm không đúng cách cho trẻ sẽ làm lạnh ngấm ngược trở lại vào người trẻ và làm trẻ bị bệnh về đường hô hấp.
Đặc biệt, bệnh hen phế quản điều trị bằng thuốc kháng sinh hầu như không có kết quả.
Kể cả khi trẻ đang uống thuốc kháng sinh nhưng thời tiết thay đổi thì trẻ có cơ địa dị ứng vẫn phát bệnh.
Và bệnh cứ đỡ một chút gặp thời tiết thay đổi lại khởi phát, khởi đầu báo hiệu bao giờ cũng là khi thời tiết thay đổi 1 - 2 ngày.
Ngày đầu tiên thường biểu hiện ở mũi, với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, hơi ngạt mũi. Một đến hai ngày sau sẽ xuất hiện triệu chứng ho, khò khè, hơi khó thở, khó ngủ, tình trạng này tăng về nửa đêm và sáng sớm, đỡ hơn vào ban ngày.
Bệnh đỡ xong gặp thời tiết thay đổi lại lặp lại theo chu kỳ như vậy. Kể cả khi vừa điều trị bệnh xong gặp thời tiết thay đổi vẫn bị lại.
Vì thế, bác sĩ Hoàn khuyến cáo, những bệnh nhi có cơ địa dị ứng mà không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, không có bội nhiễm thì không nên dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng trong những trường hợp này mà còn gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Để dự phòng bệnh hen phế quản ngoài việc tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen thì phải dùng thuốc chống dị ứng, dùng kháng Leukotriene từ 3 – 6 tháng để phòng bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên ngành Hô hấp ‘Viêm đường hô hấp dưới trẻ em: Vai trò của Budesonide khí dung trong điều trị’.
Tại hội thảo, ThS.BS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trình bày những báo cáo và cập nhật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp ở trẻ em tới các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và khách mời tham dự.
Đây là cơ hội để các bác sĩ giao lưu, học hỏi và cập nhật các phương pháp điều trị bệnh mới, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho cộng đồng.