Để con được ho!
Khi thấy con húng hắng ho, nhiều cha mẹ lại hốt hoảng tìm kiếm thông tin như con tôi bị ho thì nên uống thuốc gì? Con bị ho uống thuốc này, thuốc kia có được không?...
Cũng có rất nhiều cha mẹ tự mua thuốc điều trị cho con tại nhà, đến khi bệnh của con không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng hơn mới tá hỏa đưa con đi thăm khám bác sĩ.
Trước thực trạng đó, các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, cha mẹ đừng sốt ruột khi con bị ho.
Bởi, ho là một phản xạ tốt của cơ thể, nhằm bảo vệ đường hô hấp. Khi một tác nhân lạ nào đi vào đường hô hấp, cơ thể sẽ có phản xạ ho bắn ngược nó ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), ho là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho được coi là một cơ chế bảo vệ quan trọng cho đường hô hấp dựa trên quan điểm sinh lý bệnh học.
Khi trẻ ho giúp cơ thể trẻ thực hiện 2 chức năng quan trọng là đẩy dị vật hoặc thức ăn ra ngoài nếu không may rơi vào đường hô hấp; loại bỏ các chất xuất tiết từ đường hô hấp.
PGS Dũng lý giải ho có thể làm bật dị vật hoặc chất xuất tiết ở đường hô hấp ra ngoài là do: Tốc độ luồng khí cao đi ra từ đường hô hấp lớn và một phần lực này truyền cho dị vật hoặc chất xuất tiết; Phổi và đường hô hấp bị đè nén do áp lực dương trong màng phổi cao và các chất xuất tiết dính vào phế quản lớn bị bong ra bởi tốc độ luồng khí cao này.
Nguyên nhân gây ho cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chỉ ra rằng, ho thường gặp trong nhiễm khuẩn hô hấp trên hoặc dưới, ngoài ra ho cũng gặp trong các bệnh không phải nhiễm trùng như hen phế quản hoặc do tiếp xúc với các loại khói, bụi như khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than, bếp củi…
Ho làm sạch đờm từ phế quản phổi do đó trong trường hợp trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp dưới, ho làm cho bệnh mau khỏi hơn vì vậy không nên dùng thuốc giảm ho cho các trẻ này.
Theo dõi về lâm sàng cho thấy rằng ho về đêm do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em thì chỉ làm phiền bà mẹ và những người xung quanh nhiều hơn là đối với chính bản thân đứa trẻ.
Đôi khi ho cũng có thể gây nôn thứ phát, tuy vậy, rất hiếm khi làm trẻ kiệt sức hoặc không thể ngủ được vì ho.
Xử trí trẻ ho, cảm lạnh thế nào?
Hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho và cảm lạnh không cần dùng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.
Điều trị hỗ trợ là cần thiết giúp trẻ mau khỏi bệnh. Các biện pháp đó là:
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn đủ dinh dưỡng
- Cho uống đủ nước
- Giữ ấm cho trẻ nhưng không được để trẻ qua nóng
- Cho trẻ uống paracetamol để điều trị sốt hoặc làm giảm đau họng theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Nhỏ mũi bằng dung dịch natricloride 0,9% sau đó làm sạch mũi bằng tăm bông hoặc giấy thấm quấn sâu kèn.
Cũng có thể dùng một số thuốc chế từ nước biển sâu để xịt vào mũi làm sạch mũi cho trẻ. Đối với các trẻ lớn hơn thì dạy trẻ xì mũi và lau sạch mũi.
- Đưa trẻ đến khám lại nếu thấy có 1 trong các dấu hiệu của viêm phổi như: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bú kém hơn, không uống được, thấy trẻ ốm nặng hơn…
- Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thêm thuốc ho đông y an toàn hoặc các thuốc ho chế biến từ thảo dược như hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ…
Những bài thuốc dân gian chữa ho cho trẻ
- Lấy một quả lê nặng khoảng 100g, cắt thành miếng nhỏ, nấu nhừ, bỏ bã, cô nước cốt thành cao, thêm đường vào đủ ngọt, trộn đều, chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày. Khi uống hòa cao với nước sôi.
- Thịt ô mai (quả mơ) 3 quả, cam thảo 5 lát. Hai thứ giã nhỏ, ngậm thường xuyên, với trẻ nhỏ tuổi có thể hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, nhỏ vào họng của trẻ mỗi lần 5 giọt, mỗi ngày vài ba lần.
- Lá dâu tằm 20g, bạc hà 10g, rau má 20g, rễ cây chanh 10g, lá hẹ 10g, sắc kỹ lấy nước, chia uống vài lần trong ngày, có thể hòa thêm một chút đường phèn. Dùng chữa ho do cảm sốt.
- Lá hẹ tươi 10 lá, đường phèn vừa đủ. Lá hẹ rửa sạch, thái nhỏ, đem hấp cách thủy cùng đường phèn, cho trẻ uống mỗi lần 2-3 thì cà phê, mỗi ngày 2 lần. Chuyên dùng để chữa cho trẻ khi bị cảm cúm có ho, sốt, sổ mũi.
- Cúc vạn thọ 15 bông, sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút đường đỏ, chia uống 3 lần trong ngày.
- Tỏi lâu năm 3 - 4 nhánh, bóc vỏ, đập dập, cho vào cốc, đổ khoảng 100 ml nước sôi ngâm qua đêm, hôm sau lấy ra cho trẻ uống mỗi ngày 3 lần sau bữa ăn, có thể hòa thêm một chút đường cho dễ uống và làm giảm tính kích thích của tỏi.
- Quất hồng bì 20g, đường phèn lượng vừa đủ. Quất hồng bì rửa sạch, bỏ hạt, đem hấp cách thủy với đường phèn, mỗi ngày cho trẻ uống 2 lần, mỗi lần một thì cà phê.
- Lấy một quả lê, giã nát, vắt lấy nước đem cô đặc lại, cho ít mật ong vào khuấy đều (có người còn cho thêm nước gừng), bảo quản trong lọ kín dùng dần, mỗi lần uống hai thìa cà phê với nước đun sôi để ấm.
- Gừng tươi 40g, củ sả 40g, đường trắng 100g. Hai thứ giã nhỏ, vắt lấy nước, hòa đường rồi cô nhỏ lửa thành dạng kẹo, mỗi lần lấy một ít ngậm dần.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Lời khuyên về cách xử lý trẻ bị ho của Bác sĩ Nhi BV Bạch Mai dành cho cha mẹ tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].