Cúm A chiếm khoảng 75% tổng số ca mắc và có xu hướng gây bệnh nặng hơn ở người trưởng thành. Virus cúm A được chia thành các phân nhóm dựa trên hai loại protein trên bề mặt của virus: hemagglutinin và neuraminidase.
Sự kết hợp giữa các protein này tạo ra các phân nhóm khác nhau, trong đó H1N1 và H3N2 là hai phân nhóm phổ biến nhất ở người hiện nay.
Cúm A cũng có khả năng đột biến thường xuyên, khiến hệ miễn dịch của con người gặp khó khăn trong việc nhận diện và chống lại nhiễm trùng.

Cúm A cũng có thể lây nhiễm sang các loài động vật khác, đặc biệt là gia cầm (H5N1) và lợn (như đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009).
Ngược lại, cúm B chỉ lây nhiễm cho con người và ít có khả năng đột biến hơn so với cúm A. Ngoài ra, cúm B thường gây bệnh nặng hơn ở trẻ em và có xu hướng lây lan muộn trong mùa cúm, với đỉnh dịch rơi vào mùa xuân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), còn có hai loại virus cúm khác: cúm C và cúm D.
Cúm C thường chỉ gây bệnh nhẹ và không được cho là có khả năng gây dịch ở người. Trong khi đó, cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và các động vật khác qua hiện tượng lây nhiễm chéo, nhưng chưa được ghi nhận là gây bệnh ở người.
Triệu chứng của cúm A và B
Cả cúm A và B đều có các triệu chứng tương tự nhau, dù mức độ có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Chỉ có xét nghiệm y tế mới có thể xác định chính xác người bệnh nhiễm loại cúm nào.
Theo CDC, các triệu chứng phổ biến bao gồm: ho, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, và đau họng. Nhiều bệnh nhân bị sốt, nhưng đây không phải là triệu chứng đặc trưng để chẩn đoán.
Một số bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, nhưng những triệu chứng này thường gặp ở trẻ em hơn là ở người lớn.
Phần lớn những người mắc cúm sẽ hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Những người có nguy cơ cao gặp biến chứng gồm: người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim.
Ở mức độ trung bình, cúm có thể dẫn đến viêm tai hoặc xoang. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm tim, viêm não hoặc viêm cơ, thậm chí suy đa tạng.
CDC Mỹ cảnh báo, nhiễm virus cúm ở đường hô hấp có thể gây ra phản ứng viêm cực độ trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng
Cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền, chẳng hạn như hen suyễn và bệnh tim mạn tính.
Vaccine cúm có bảo vệ chống lại cúm A và B không?
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi hai loại cúm theo mùa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh là tiêm vaccine phòng cúm.
Vaccine phòng cúm được bào chế để bảo vệ chống lại các loại virus cúm có khả năng gây dịch, bao gồm: một chủng virus cúm A(H1N1), một chủng virus cúm A(H3N2) và một chủng virus cúm B thuộc dòng Victoria, theo CDC Mỹ.
Tiêm vaccine phòng cúm có thể giúp bảo vệ chống lại những loại virus này cũng như các virus cúm khác có đặc tính kháng nguyên tương tự với các chủng trong vaccine.
Các biện pháp phòng ngừa hợp lý khác trong mùa cúm bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn, đảm bảo thông gió đầy đủ hoặc lọc không khí trong nhà và tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh.
Để điều trị các trường hợp cúm, bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng vi-rút. Những người bị cúm được khuyến cáo nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và cân nhắc dùng thuốc không kê đơn nếu cần để giúp giảm đau nhức và sốt.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Cúm A, cúm B và các triệu chứng cần chú ý tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
