Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, trong vấn đề này đừng nên nhìn nhận chỉ về chuyện xử lý pháp luật, tiền bạc mà nó là cả một vấn đề nhân văn. Sự việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, vượt khỏi quan niệm đúng sai!
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhìn nhận về vụ việc hy hữu trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong cuộc trao đổi với Gia Đình Mới chiều ngày 12/7/2018
Ông đánh giá như thế nào về vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì?
Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang: Chúng ta cần phải nhấn mạnh, bất kể vụ giao nhầm con nào tại các bệnh viện từ trước đến nay, kể cả tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì mà chúng ta nói tới đều là những trường hợp hy hữu, không may xảy ra.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, lỗi không may này xảy ra vì ê-kíp ngày đỡ sinh hôm đó đã thực hiện không đúng quy định. Nói một cách khác, có cá nhân làm ẩu nên đã dẫn tới sự nhầm lẫn đáng tiếc đó.
Nếu sự nhầm lẫn được phát hiện trong ngày một, ngày hai thì sự việc không phát triển thành vấn đề phức tạp. Nhưng ở đây, vụ việc đã xảy ra đến 6 năm.
Chỉ cần nghĩ đến việc, chúng ta chăm sóc một đứa bé từ ngày lọt lòng, chăm bẵm, bú mớm cho nó lớn khôn, nuôi nó ăn học, trưởng thành. Đến một ngày, khi con càng lớn càng không có nét giống bố mẹ, nhận kết quả xét nghiệm ADN khẳng định không phải con ruột của mình, không phải máu mủ của mình. Điều đó vô cùng ám ảnh, tình cảm đan xen và khó đoán định!
Hiện nay, dư luận đang dấy lên chiều hướng cần quy trách nhiệm, có quy định bồi thường, trong đó là bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cho các gia đình. Là chuyên gia pháp chế ngành y, ông nghĩ sao về vấn đề trên?
Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang: Vụ việc nhầm con 6 năm chúng ta đang nhắc tới, quả thật là một vấn đề hết sức đau lòng cho cả 2 gia đình. Khi nhận ra con mình nuôi không phải ruột thịt, có gia đình vì con không giống cha mẹ sinh ra nên xảy ra cãi vã, ly hôn.
Chưa kể, với 2 đứa trẻ, nếu về pháp lý khi đã có kết quả xét nghiệm ADN xác định cha mẹ ruột thì rất dễ xử lý, các gia đình có thể ra cơ quan hộ tịch, đổi lại họ tên cho người/trẻ bị nhầm…
Tuy nhiên vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha, mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình?
Vì lối sống, thói quen, cách nuôi dạy ở mỗi gia đình khác nhau, vì điều kiện kinh tế và nhất là câu chuyện tình cảm trong câu chuyện này.
Trẻ thơ không biết thế nào là huyết thống, ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời, bé chỉ biết mẹ là người cho bé bú, chăm bé mỗi ngày.
Bé sẽ cất tiếng gọi "mẹ" với người đã chăm bẵm bé từ thuở lọt lòng như một phản xạ của bản năng và tiếng nói ấy theo thời gian sẽ là nhận thức về tình thương yêu của mẹ dành cho bé.
Những kỷ niệm, tình cảm mơ hồ của bé chỉ biết đến gia đình ấy, những người thân quen ấy và không dễ gì thay đổi nhanh chóng bằng cách trao ngay bé cho một cặp cha mẹ mới, dù đó mới là cha mẹ thật sự.
Quả thực, hậu quả nó gây ra rất nặng nề và khủng khiếp! Có lẽ chính vì sự thiệt hại quá lớn về mặt tinh thần nên chúng ta khó tìm được cách giải quyết thấu tình đạt lý.
Giá như nó chỉ là thiệt hại về vật chất, có lẽ tất cả đã dễ dàng xử lý hơn. Thế nhưng, theo tôi, trong vấn đề này, chúng ta đừng nên nhìn nhận nó về chuyện xử lý pháp luật, tiền bạc mà nó là cả một vấn đề mang tinh nhân văn. Sự việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, vượt khỏi quan niệm đúng sai.
Nói lại, ê- kíp ngày trực sinh hôm đó sai về quy trình chuyên môn nhưng với việc xử lý hậu quả của việc trao nhầm con này, pháp luật chưa có quy định quá cụ thể như bồi thường ra sao, bồi thường như thế nào.
Nếu trong việc này, kể cả một câu xin lỗi của kíp trực cũng nên được ghi nhận. Thế nên tôi nghĩ, trong vụ việc này, xử lý về mặt hành chính với kíp trực là đúng. Như việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã tiến hành kỷ luật 2 nữ hộ sinh liên quan trong việc giao nhầm con.
Nói đến chuyện bồi thường, tiền bạc, nếu xét về pháp luật, hiện có các mức bồi thường khác nhau, được pháp luật quy định. Trong đó, nếu các bên không thể thoả thuận sẽ phải ra toà, tại đây, toà án sẽ xem xét mức thiệt hại và ra mức bồi thường cụ thể.
Nhưng tôi khẳng định lại một lần nữa, chúng ta không nên khoét sâu về việc bồi thường mà cần xem xét về tình người. Còn những cái sai, hãy để người làm sai tự vấn lương tâm.
Song điều quan trọng lúc này và có lẽ là vì tương lai con trẻ, hãy tôn trọng theo nguyện vọng của trẻ theo đúng Luật Trẻ em, theo tính chất đạo đức xã hội để thấy mọi việc đơn giản hơn.
Làm sao để các bé dù có ở đâu cũng luôn nhận được tình yêu thương đùm bọc của người lớn, vẫn được là con của hai gia đình.
Vậy tới đây, Bộ Y tế có cần thiết phải thắt chặt quy trình trao - nhận con cho các sản phụ/gia đình?
Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang: Tôi nghĩ, từ trước đến nay, ngành y đã luôn thắt chặt quy trình, quy định trong lĩnh vực trên. Chính vì vậy, những vụ việc chúng ta vừa đề cập là vấn đề hy hữu, không mong muốn.
Tuy nhiên, sau vụ việc lần này, có lẽ các cơ sở y tế, nhân viên y tế không chỉ riêng chuyên Khoa Sản cũng cần nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm.
Vì một sự sai lầm, đôi khi không chỉ lấy đi sức khoẻ, tính mạng người bệnh mà gây hệ luỵ rất nhiều, nhất là về tinh thần. Điều đó vô cùng khó xử lý, giải quyết thoả đáng.
Xin chân thành cám ơn ông!