Luật sư Nguyễn Văn Hà (Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng việc anh Phùng Giang Sơn khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Ba Vì do đã trao nhầm con từ năm 2012 là chưa từng có tiền lệ trong xét xử.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, việc khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Ba Vì là có căn cứ pháp luật, tuy nhiên việc đòi bệnh viện bồi thường sẽ tương đối khó khăn vì bản chất của việc trao nhầm con là "lỗi vô ý".
Luật sư Hà cho rằng: "Xét về góc độ bệnh viện, các nhân viên bệnh viện hoàn toàn không chủ định để trao nhầm con. Nhân viên nào của bệnh viện gây ra sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm căn cứ theo quy chế quản lý, kỷ luật nội bộ của bệnh viện. Việc chịu trách nhiệm này sẽ không có tính chất như trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra trong hình sự".
"Những thiệt hại do việc trao nhầm con gây ra với chị Vũ Thị Hương có thể bao gồm cả chuyện gia đình tan vỡ, tuy nhiên đó là hậu quả phát sinh về sau, có thể do tình cảm vợ chồng chứ không đơn thuần do con sinh ra không giống cha. Do đó việc chứng minh thiệt hại để yêu cầu bệnh viện bồi thường trong tình huống này là rất khó" - Luật sư Hà phân tích.
Về góc độ gia đình anh Phùng Giang Sơn, khi đã có kết quả ADN xác định cháu Đoàn Nhật M. (đứa bé mà chị Hương đang nuôi) mới chính xác là con đẻ của mình, thì anh Sơn có quyền được nhận lại con, dù chị Hương có đồng ý trao lại con hay không.
Luật sư Hà giải thích: "Trong tình huống giả định chị Hương không chấp thuận trao lại con, do có vấn đề gì đó về quyền lợi hoặc quá lưu luyến với con, thì anh Sơn vẫn có thể dùng kết quả giám định ADN, đưa ra Tòa án làm thủ tục dân sự là Xác định cha mẹ cho con. Việc này chắc chắn có thể thực hiện được".
Tuy nhiên, lời khuyên của luật sư Hà trong tình huống này là các bố mẹ cần phải giải quyết vụ việc bằng tình cảm, đặt lợi ích của đứa trẻ lên hàng đầu.
Là luật sư có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hà cho rằng trong vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì, những đứa trẻ rất dễ tổn thương.
Ông nói: "Mức độ tổn thương nhiều hay ít phụ thuộc vào cách ứng xử của người lớn. Trong trường hợp các bố mẹ ứng xử tốt, tôn trọng lẫn nhau thì 2 đứa trẻ sẽ trở thành con của cả 2 gia đình, sẽ có cả 4 bố mẹ. Trường hợp mà bố mẹ không xử lý khéo, thì cả đứa con mình nuôi và đứa con mình đẻ, đều bị tổn thương. Đứa con đang được nuôi bỗng dưng bị dứt khỏi gia đình trước mắt sẽ đau đớn không hiểu vì sao, sau này lớn lên sẽ nghĩ rằng người lớn đặt nặng vấn đề huyết thống mà không quan tâm đến tình người. Dù được trao lại đúng vị trí thì các bé cũng bị ảnh hưởng".
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Vụ khởi kiện bệnh viện do trao nhầm con ở Ba Vì: chưa từng có tiền lệ trong xét xử tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].