Vụ trao nhầm con ở Bệnh viên Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) sau 6 năm đang làm nóng cộng đồng mạng xã hội. Nó gây nên một làn sóng tranh cãi vì lúc nào ở Việt Nam cũng có trên 1 triệu bà bầu cùng thời điểm.
Nỗi ám ảnh này đôi khi nó mang tính bản năng của phụ nữ nhưng những câu chuyện nhầm con cũng góp phần lớn vào trong câu chuyện đó.
Hai gia đình ở Ba Vì may mắn hơn nhiều gia đình khác vì họ đã vô tình tìm ra nhau và được xác định rõ bằng kết quả ADN. Tuy nhiên, việc có "đổi" con lại chạm đến cảm xúc của tình mẫu tử và nhiều vấn đề xã hội khác.
Xin giới thiệu bài viết của Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn dành riêng cho Gia Đình Mới:
“Từ màu mắt tới màu tóc, cách uốn ngón tay út, hay khả năng uốn lưỡi khi phát âm, những điều thể hiện chúng ta là ai đều di truyền từ gen của bố mẹ. Nghiêm túc hơn, bắt đầu từ bài tập thử nhóm máu. Chỉ cần dùng kim châm lấy một giọt máu và thấm vào 4 mẫu thử là biết ngay nhóm máu của mình.”
Ông bố ngạc nhiên khi xem kết quả bài tập thực hành nhóm máu của cô con gái ở lớp: “Nhóm máu AB cực kì hiểm, chỉ có 1% dân số. Con không thể là nhóm máu AB được, vì bố và mẹ đều là nhóm máu A, nghĩa là con chỉ có thể là A hoặc O.”
Và đến lượt cô con gái cũng ngạc nhiên hơn cả bố: “Ở đây con là AB và nhóm máu không biết nói dối, trong khi về mặt di truyền là không thể, chẳng lẽ con là siêu nhân đột biến từ hành tinh khác, hoặc là ma cà rồng.”
Ông bố nửa đùa nửa thật trước mặt con gái và người mẹ: “Con rất có lí, vì mẹ con đã từng mê một gã đưa thư có răng nanh. Rất có thể con là ma cà rồng!”
Phải làm gì với hàng loạt những thắc mắc của cô con gái: “Tại sao mẹ và con lúc nào cũng suy nghĩ khác nhau? Màu tóc cũng khác nhau? Tay cũng khác nhau? Tất cả mọi thứ đều khác nhau? Hay con chỉ là đứa con nuôi của mẹ?”
Khi sự nghi ngờ lên đến đỉnh điểm, người bố cuối cùng đã ra lệnh đi thử ADN. Kết quả gây sốc cho tất cả, ADN không khớp.
“Trên diện rộng 12 mẫu thử, cho phép khẳng định 99,9% chắc chắn cô con gái của anh chị không có quan hệ huyết thống với gia đình. Bệnh viện cho rằng đã có sự nhầm lẫn, ai đó đã đặt không đúng số thứ tự của các bé. Anh chị đã mang về đứa con của người khác. Và gia đình khác lại đem về đứa con của anh chị.” – bác sĩ giải thích trước mặt cả gia đình.
Đó là đoạn hội thoại mở đầu trong series phim truyền hình được khán giả tuổi teen và các gia đình Mỹ đặc biệt yêu thích. Bộ phim có tên “Trao nhầm trẻ khi sinh – Switched at Birth”, xoay quanh câu chuyện của 2 cô gái trẻ, bỗng một ngày phát hiện mình bị tráo đổi từ khi sinh và được nuôi dưỡng trong hai môi trường rất khác biệt nhau.
Bay là tên của cô gái tiểu thư xinh đẹp, cá tính và đam mê hội họa; cô lớn lên trong một căn biệt thự sang trọng với đầy đủ mẹ cha và anh trai. Ngược lại, Daphne bị điếc hoàn toàn từ lúc 3 tuổi do căn bệnh viêm não; mẹ của Daphne phải vật lộn với cuộc sống đơn thân thiếu thốn ở một căn nhà trọ nghèo dành cho người lao động.
Dù hai hoàn cảnh đối ngược nhau, nhưng cả Bay và Daphne đều có những năm tháng tuổi thơ thật hạnh phúc. Mọi thứ chỉ rối tung lên khi 2 cô nàng tròn 16 tuổi, tất cả bí mật bị chôn giấu bỗng dưng được bóc trần. Sau cú sốc ban đầu, hai đứa trẻ và cha mẹ của chúng đã rơi vào khủng hoảng khi cố gắng tìm mọi cách để chấp nhận nhau.
Một câu chuyện thật sự đau lòng!
Những đứa con bị trao nhầm lúc sinh luôn là cơn ác mộng với tất cả các bậc phụ huynh, trở thành nỗi kinh hoàng với mọi đứa trẻ đã biết nhận thức. Xác suất để trẻ sơ sinh bị trao nhầm là rất hiếm. Ngày càng có nhiều bệnh viện “Em bé thân thiện - Baby friendly”, mà ở đó y tá để cho trẻ sơ sinh nằm cùng với mẹ ngay từ khi lọt lòng.
Bi kịch trao nhầm con lúc sinh tưởng như chỉ có thể xuất hiện trong các tác phẩm văn học, trên sân khấu hay phim ảnh. Nhưng thật không may khi nó vẫn xảy ra ngoài đời thực với xu hướng khá phổ biến.
Văn học tiểu thuyết Mỹ từ thế kỉ thứ 18 đã sử dụng câu chuyện đổi con lúc sinh làm chất liệu xây dựng nên nhiều tác phẩm. Thế kỉ 19, trao đổi trẻ sơ sinh là chủ đề hấp dẫn được các nhà văn, nhà viết kịch khai thác triệt để, trong số đó có Mark Twain, Gilbert, Sullivan, Pinafore, Gondoliers.
Bước sang thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, đặc biệt từ những năm 1970 đến nay, hàng loạt những tác giả nổi tiếng nhất thế giới chọn chủ đề chuyển nhầm trẻ sơ sinh để đưa vào tác phẩm văn chương cũng như sân khấu và điện ảnh.
Y học xuất phát muộn hơn, chỉ thực sự quan tâm đến chuyển nhầm trẻ sơ sinh bắt đầu từ năm 1950. Hàng loạt những quy trình chặt chẽ được thiết lập tại phòng sinh và các bệnh viện nhằm mục đích ngăn ngừa sai sót kinh dị này. Nhưng theo số liệu của Nicholas Webb cung cấp, mỗi năm vẫn có tới 28.000 trẻ sơ sinh trên khắp thế giới bị trao nhầm bố mẹ.
Đây là con số thống kê ngạc nhiên, có thể gây kinh hãi, nhưng thực sự chưa được kiểm chứng và chắc chắn không thể kiểm chứng. Nicholas Webb là nhà cung cấp vòng đeo tay ID chống lại sự nhầm lẫn trẻ sơ sinh, ông tiết lộ về nguồn số liệu 28.000 trẻ sơ sinh bị trao nhầm được lấy từ một nghiên cứu trong năm 1996 của Inter/Action Associates, một công ti tư vấn bảo mật dựa trên Las Vegas, Nev.
Từ năm 1995 – 2008, báo chí đưa tin ở Mỹ có 8 cặp trẻ sơ sinh bị trao nhầm. Nhưng sẽ có những cặp khác vì nhiều lí do mà không được công bố. Đến nay, vẫn chưa có bất cứ cơ sở dữ liệu nào cho phép đánh giá đầy đủ số lượng trẻ sơ sinh bị chuyển nhầm, kể cả nước Mỹ có hẳn một ủy ban giám sát các bệnh viện hoạt động rất tích cực và hiệu quả.
Trong bộ phim “Switched at Birth”, nhiều lần quan sát thấy con gái Daphne không có điểm gì giống mình, người bố đã không ngừng nghi ngờ vợ ngoại tình. Rồi những cuộc cãi vã liên tục nổ ra cho đến khi có kết quả ADN trong tay, thì người chồng lặng lẽ bỏ đi khỏi nhà.
Những tháng ngày sau đó, mẹ của Daphne chìm trong nghiện ngập, 2 lần vào tù vì lái xe trong lúc say rượu. Bà chỉ thực sự thức tỉnh, bắt đầu dành hết tình cảm cho đứa con gái không phải là con ruột, đó là khi Daphne bị viêm não lúc 3 tuổi và suýt chết.
Trên phim ảnh là vậy. Còn thực tế ngoài đời, câu chuyện của chị Sophie cũng chính là cơn ác mộng với tất cả các cặp vợ chồng. Ngày mùng 4/7/1994, chị Sophie được chồng đưa đến một cơ sở y tế tư nhân để sinh con. Cũng giống bao người mẹ trẻ khác, Sophie vô cùng hạnh phúc khi cô y tá mang đến cho chị một bé gái xinh xắn, sống động và vui tươi.
Ngay trong năm đầu tiên, làn da của đứa trẻ cứ dần sẫm màu, tóc cũng trở nên quăn tít. Cả thị trấn nghi ngờ, những tin đồn bắt đầu lan ra, mọi người đùa rằng cô con gái Manon đích thị là “con của người đưa thư”. Ban đầu người chồng không tin, nhưng sau đó cũng bắt đầu suy nghĩ, rồi mối băn khoăn cứ thế tăng dần.
“Chồng tôi hỏi liệu anh có phải là cha của Manon, điều đó làm cho tôi cảm thấy vô cùng xúc phạm. Nhưng anh không tin, vẫn buộc tôi vào cái tội ngoại tình. Mối quan hệ của chúng tôi bị phá hủy, cuộc sống của mẹ con tôi bị đắm chìm trong những tin đồn, tôi thực sự bị ám ảnh và suy kiệt.” – Sophie kể lại với phóng viên đài truyền hình Pháp.
Thời điểm khó khăn nhất đối với bậc cha mẹ, cũng như đối với đứa trẻ, là đón nhận thông tin giám định ADN. “Có ai biết con gái tôi giờ đang ở đâu? – bố của Bay đã sững sờ thốt lên khi nghe bác sĩ giải thích. Còn cô con gái Bay thì há hốc mồm: “Vậy con đến từ đâu? Bố mẹ tìm con gái thật, con sẽ đi tìm bố mẹ thật!”
“Chúng ta không thể nói bố mẹ thật!” – bác sĩ giải thích cho Bay, “Chúng ta chỉ có thể nói bố mẹ sinh học”. Thực tế với xã hội hiện đại hôm nay, việc tìm đúng bố mẹ sinh học không còn là vấn đề khó khăn, nên gia đình Bay được đạo diễn phim nhanh chóng chuyển sang trường đoạn hai gia đình gặp gỡ nhau và mọi chuyện phức tạp bắt đầu rẽ sang một trang mới.
Suốt 9 năm trời, Sophie đã phải sống trong sự ngờ vực của chồng, sự kì thị của họ hàng và bạn bè, sự dè bỉu của người dân cùng thị trấn. Con gái Manon cũng bị trêu chọc và khinh thường mỗi khi đến lớp hay vui chơi cùng bạn. Nhưng khi nghe luật sư thông báo, chồng cô không phải là người cha sinh học của Manon, Sophie cũng không phải là mẹ sinh học của Manon; thì thay vì cảm giác oan ức được thanh minh, Sophie thấy mọi chuyện như sụp đổ dưới chân.
“Tôi đã rất sốc. Ngay lập tức tôi cảm thấy sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra nếu có người mẹ khác muốn giành lại con của họ? Tôi sẽ mất con gái Manon của tôi?” – Sophie tiếp tục chia sẻ: “Và trong tâm trí tôi cứ lởn vởn câu hỏi, còn đứa trẻ mà tôi sinh ra, liệu vẫn còn sống? Con của tôi đẻ ra vẫn ổn chứ?”
“Trở về nhà, tôi rất sợ phải làm tổn thương con gái.” – Sophie hồi tưởng lại, “Nhưng sau 2 tuần suy nghĩ, cuối cùng tôi vẫn phải ngồi xuống, ôm đứa con gái 9 tuổi vào lòng và nói cho con biết, sự thật tôi không phải là mẹ đẻ của Manon, đã có một sự nhầm lẫn tại phòng sinh.”
“Manon chỉ biết khóc và khóc, đứa bé sợ hãi đến một ngày nào đó sẽ phải rời xa tôi. Tôi phải cố gắng mạnh mẽ để trấn an con, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng tôi thực sự hoảng sợ. Tôi chỉ còn biết cố giữ mọi chuyện thật bình thường và dành tình yêu cho Manon bằng tất cả trái tim.”
Những câu chuyện nhầm con ngoài đời cũng giống như trong bộ phim “Switched at Birth”, Bay và Daphne nhanh chóng được gặp nhau và có thời gian chung sống với cha mẹ sinh học để tập làm quen. Cô bé Manon và Mathilde ngoài đời cũng vậy.
“Sau 3 tháng cảnh sát đã tìm thấy con đẻ của tôi.” – Sophie kể, “Điều đó làm cho tôi rất vui mừng nhưng cũng rất sợ hãi. Tôi đã gặp con, một bé gái giống tôi y đúc, rất xinh đẹp, tuyệt vời. Chúng tôi lao vào vòng tay nhau, ôm nhau mãi không muốn rời. Cảm giác của tôi khi gặp con không thể nào tin nổi.”
“Nhưng sau đó tôi bắt đầu lo ngại. Thời gian đầu, hai gia đình chúng tôi gặp nhau thường xuyên để các con quen với bố mẹ mới, thậm chí có những cuộc hai đứa muốn gặp riêng để chơi với nhau. Nhưng sau đó các cuộc gặp cứ thưa dần, lí do là chúng tôi có những sự khác biệt quá lớn và càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều đó quả thực làm cho chúng tôi đau đớn, chúng tôi yêu nhau nhưng lại chỉ chịu đựng sự dày vò, quá nhiều để chúng tôi phải chịu đựng.”
Sophie kể lại trong nước mắt: “Cuối cùng, sau 3 năm cố gắng bằng mọi cách, chúng tôi quyết định không có sự hoán đổi trở lại. Tôi có thể khẳng định rằng tôi không muốn điều đó và bố mẹ đẻ của Manon cũng không muốn giao đứa con họ đang nuôi cho tôi. Manon đã chia sẻ cuộc sống với tôi suốt 9 năm trời và 3 năm sau đó, vậy làm sao tôi có thể giao Mano cho một người xa lạ. Nó cũng sẽ không đúng với con đẻ của tôi, đứa bé sẽ lại mất cha mẹ sau hơn mười năm trời.”
“Tất nhiên là tôi vẫn nhìn thấy con đẻ của tôi, nhưng mà tôi đau đớn, cho dù tôi có thực hành những nghĩa vụ của người mẹ thì tôi vẫn đau buồn vì đứa trẻ đó, cái mà tôi đã mất.”
Bộ phim “Switched at Birth” cũng vậy, Bay và Daphne không thể trở về với bố mẹ sinh học của mình, không thể có sự hoán đổi trở lại sau 16 năm trời cùng với 2 năm cố gắng tìm mọi cách hòa nhập.
Với những trường hợp chuyển nhầm con sau khi sinh được phát hiện sớm trong một vài tháng, thì đều có những kết cục tốt đẹp là cuộc hoán đổi trở lại, những đứa trẻ đều sống hạnh phúc cùng với cha mẹ đẻ của mình. Với những trẻ 2 – 3 tuổi trở lên thì vô cùng phức tạp, đa phần cha mẹ không chịu rời bỏ đứa con mình nuôi từng ấy năm, nhưng lại luôn ám ảnh về đứa con của mình sinh ra.
Câu chuyện của hai bà mẹ Nam Phi là một ví dụ điển hình. Năm 1990, Margaret Clinton-Parker phải đối diện với một quyết định đau lòng, cô không thể từ bỏ đứa con đã nuôi dưỡng suốt 2 năm trời để nhận lại đứa con đẻ. Sandra Dawkins cũng vậy. Cả hai bà mẹ đơn thân quyết định vẫn tiếp tục giữ lại đứa con đang nuôi dưỡng và thiết lập mối quan hệ khăng khít giữa hai gia đình.
Cả hai chàng trai lớn lên trong vai trò của nhau. Thời gian trôi qua, sự oán giận xuất hiện và phát triển giữa hai bà mẹ, lí do thật đơn giản là bà mẹ này nghi ngờ bà mẹ kia chăm sóc con mình không tốt. Đến khi hai chàng trai bước sang tuổi 15, họ cảm thấy sự khác biệt quá lớn không thể vượt qua nên quyết định quay về với người mẹ đẻ; đó cũng là lúc trái tim của hai bà mẹ vỡ nát.
Trong hầu hết các trường hợp nhầm lẫn, khi đứa trẻ đã lớn, thì các cặp vợ chồng thường chọn cách để đứa trẻ tiếp tục sống với cha mẹ nuôi dưỡng cho đến khi chúng có thể tự quyết định, chỉ số ít chọn cách hoán đổi. Cho dù có chọn cách nào đi chăng nữa, thì cuộc sống tiếp theo sau sự nhầm lẫn, là đứa trẻ có hai ngôi nhà, một ngôi nhà lớn lên và một ngôi nhà được sinh ra, nhưng đứa trẻ lại cảm thấy mình không thuộc về nơi đây.
Câu chuyện của người mẹ Sophie và cô con gái Manon là một ví dụ cho sự cay đắng mà họ phải đối diện. Dù tìm lại được con gái đẻ của mình, nhưng Sophie vẫn không thể nhận con về. Cô bị trầm cảm nặng và phải uống thuốc từ bệnh viện tâm thần cung cấp. Ở tuổi ngoài bốn mươi nhưng cô không muốn bước ra khỏi nhà, mọi thứ thứ đều làm cô sợ hãi.
Manon cũng vậy, dù đã tìm được cha mẹ đẻ, nhưng Manon mất dần bản chất hồn nhiên vô tư, mất đi niềm tin vào con người. Manon trở nên nóng nảy và khó khoan dung mặc dù đã ở tuổi trưởng thành, đã học xong đại học và có một công việc ổn định ở nhà, nhưng Manon không muốn tách rời mẹ Sophie và không muốn có con.
Sáng 11/7, Bộ Y tế thông tin về vụ việc anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) tố cáo về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) từ 6 năm về trước đã trao nhầm con của anh cho chị Vũ Thị Hương và ngược lại.
Báo chí đã vào cuộc xới tung tất cả mọi câu chuyện, dư luận cũng có nhiều ý kiến, cả trách nhiệm pháp lí nếu một bên không chịu giao con, rồi đến chuyện kiện tụng bệnh viện; dư luận chỉ muốn nhanh chóng hoàn thiện thủ tục giao lại hai cháu về đúng với gia đình bố mẹ đẻ là xong.
Tôi không nghĩ như vậy, bởi đây là câu chuyện của những cơn ác mộng, là câu chuyện của các bậc cha mẹ vô tình bị mất con, là những câu chuyện đứa trẻ lớn lên không có được cảm giác của chính ngôi nhà của mình.
Ngay cả chuyện khởi kiện bệnh viện cũng cần phải cân nhắc. Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng bị chuyển nhầm con họ không chọn cách khởi kiện. Chính những người tìm hiểu sâu về vấn đề này cũng đặt ra giả thiết như vậy. Trong bộ phim “Switched at Birth” cũng vậy. Bố mẹ của Bay ban đầu khởi kiện bệnh viện không phải vì để kiếm tiền, mà muốn bệnh viện phải có trách nhiệm với lỗi gây ra để không còn tái diễn cảnh tương tự.
Nhưng một người bạn thân đã khuyên bố của Bay rằng, hãy dừng lại việc kiện tụng, vì khởi kiện sẽ thu được món tiền bồi thường không nhỏ; nhưng bù lại bố con ông sẽ mất đi rất nhiều thứ quý giá hơn cả tiền. Ngược lại, người mẹ nghèo khó đang phải vật lộn kiếm sống để nuôi Daphne, bà không đồng ý khởi kiện và muốn câu chuyện nhanh chóng lãng quên, muốn dư luận hãy để yên cho những đứa con của bà có đủ thời gian và sự tỉnh táo vượt qua chính nỗi đau mà chúng đang phải gánh chịu.
BVĐK Ba Vì cũng có trách nhiệm rất lớn khi để xảy ra sai sót nghiêm trọng này. Nhưng trách nhiệm lớn hơn cả, là làm sao để không chỉ bệnh viện, mà cả hệ thống không xảy ra những sai sót tương tương tự.
Trần Văn PhúcBạn đang xem bài viết Vụ trao nhầm con: Chưa quá muộn cho một sự thật! tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].