Mới đây, Wang Xiaoxi, một phụ nữ Trung Quốc 56 tuổi đã dùng hành động của mình để viết nên câu chuyện cuộc đời cảm động, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Sau khi nghỉ hưu, bà không chọn cuộc sống thoải mái như nhiều người mà dấn thân vào con đường mới để thử thách bản thân. Bà nộp đơn vào Đại học Athens để theo học Chuyên ngành Khảo cổ học, lịch sử và văn học Hy Lạp cổ đại.
Người phụ nữ trung niên này rời bỏ môi trường sống quen thuộc, vượt qua cửa ải điểm IELTS và nhận được lời mời từ ngôi trường mơ ước của mình.
Điều này không chỉ khơi dậy ước mơ của nhiều người mà còn đưa ra một định nghĩa mới về cuộc sống hưu trí, không chỉ xoay quanh việc nhà và con cháu mà còn là việc theo đuổi sở thích và ‘học tập suốt đời’.
Đối với những người trung niên và người cao tuổi, việc bước ra khỏi vùng an toàn, làm quen với một ngôn ngữ và nền văn hóa ở một đất nước xa lạ chẳng khác nào ‘trưởng thành thêm lần nữa’.
Bởi lẽ, ngôn ngữ chỉ mới là trở ngại đầu tiên, lịch học nặng nề so với thể lực kém và khoảng cách thế hệ với các bạn cùng lớp nhỏ tuổi hơn đều có thể trở thành trở ngại trên con đường chinh phục tri thức mới.
Ngày nay, khi giới trẻ ngày càng quan tâm đến việc đi du học thì những người trung niên và người già cũng bắt kịp xu hướng.
Một số cơ sở đào tạo ngoại ngữ ở Trung Quốc đã đưa ra chương trình du học cho người ‘đã trưởng thành’, họ cho rằng ‘du học không còn chỉ dành cho giới trẻ’.
Một số tổ chức đã đưa ra con số cụ thể cho biết, những người trên 50 tuổi chiếm 20% trong số các đoàn du học vào năm 2023 (trong khi con số này chỉ chiếm 3% vào năm 2019).
Xu hướng này không chỉ phản ánh sự phát triển của Trung Quốc mà còn chứng minh nhận thức của người cao tuổi nước này về chất lượng cuộc sống và các mục tiêu trong đời đã không còn bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình truyền thống và những kỳ vọng của xã hội truyền thống.
Sinh viên lớn tuổi đã trở thành một nét độc đáo trong khuôn viên trường ở khắp nơi trên thế giới. Ở các trường cao đẳng và đại học Mỹ, có những người lính đã nghỉ hưu đã ngoài 40 tuổi, những bà mẹ đơn thân vừa học vừa làm và một cụ bà 90 tuổi vừa nhận bằng quản trị kinh doanh tháng này. Cuộc sống truyền cảm hứng của họ khiến môi trường học vấn trở nên sôi động hơn.
Không có ranh giới giữa học tập và tuổi tác, không bao giờ là quá muộn để theo đuổi tri thức. Chỉ cần bạn có đủ dũng cảm và niềm tin thì cuộc sống của bạn sẽ luôn tiến về phía trước.
Ánh Dương (Theo Sohu, Newsduan)Bạn đang xem bài viết Trào lưu du học tuổi xế chiều ở Trung Quốc tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].