Vụ trao nhầm con ở BV ĐK Ba Vì: 'Đừng để trẻ nghĩ mình bị nhấc sang một gia đình mới'

“Phản xạ tâm lý của người lớn khi xảy ra tình huống bị nhầm lẫn là: khi tìm lại được con đẻ của mình sẽ thương cảm, xót xa, tìm mọi cách bù đắp theo kiểu vồ vập. Nhưng cách làm này của người lớn vô tình sẽ gây áp lực lớn cho trẻ..."

Trẻ dễ bị “sốc” tâm lý

Vài tháng đã trôi qua kể từ khi phát hiện có sự nhầm con sau 6 năm nuôi dưỡng do sự tắc trách của nhân viên y tế BV ĐK Ba Vì (Hà Nội) - nơi 2 trẻ được sinh ra, 2 gia đình vẫn chưa thể "đổi lại" được con vì một trong số 2 người mẹ có con chưa sẵn sàng tâm lý.

Trao đổi với Gia Đình Mới về những ảnh hưởng tâm lý đối với bà mẹ và trẻ em trong sự việc này, PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Khi sự việc xảy ra, bất kỳ người liên quan nào đều bị ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt là 2 cháu bé và 2 người mẹ”.

Trẻ rất khó thích nghi với gia đình mới, hoàn cảnh sống mới nếu thay đổi đột ngột. Ảnh minh họa

Trẻ rất khó thích nghi với gia đình mới, hoàn cảnh sống mới nếu thay đổi đột ngột. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia tâm lý này phân tích kỹ hơn, với 2 cháu nhỏ, dù các cháu mới 6 tuổi, nhưng 6 năm đầu đời là lúc trẻ hình thành nhân cách mạnh mẽ, đó là nền móng của nhân cách. Sự việc xảy ra trẻ sẽ có trở ngại về tâm lý như trẻ bỡ ngỡ, không tiếp nhận người lạ, không tiếp nhận sự thật này… Chính vì trẻ có trở ngại về tâm lý nên rất dễ xảy ra những hành vi tâm lý lệch chuẩn, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ sau này.

Mà hành vi tâm lý của trẻ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người lớn với đứa trẻ. Trong sự việc này, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận sự thật nếu như người lớn phân tích để trẻ hiểu mình sẽ có thêm một người bố, một người mẹ nữa, có thêm ông bà thương yêu trẻ. Và việc này được tiến hành dần dần cho trẻ tiếp xúc dần và tập thích nghi với hoàn cảnh mới, văn hóa ứng xử mới và những con người mới, có như vậy mới thuận lợi hơn cho trẻ.

Còn phản xạ tâm lý của người lớn khi xảy ra tình huống bị nhần lẫn là: khi tìm lại được con đẻ của mình sẽ thương cảm, xót xa, tìm mọi cách bù đắp theo kiểu vồ vập. Nhưng cách làm này của người lớn vô tình sẽ gây áp lực cho trẻ. Bởi trẻ đã quen làm con của bố mẹ đang nuôi mình thời gian qua. Thói quen của trẻ được nuôi dưỡng, hình thành suốt 6 năm liền nên không dễ thay đổi ngay trong ngày một ngày hai được. 

Nhưng bây giờ đột ngột nhấc trẻ sang một môi trường mới, trẻ sẽ bỡ ngỡ, sẽ có phản xạ hoang mang, lo lắng, thậm chí là như bị bỏ rơi. Đứa trẻ sẽ phải thích nghi lại từ đầu, từ hoàn cảnh sống, cách giao tiếp ứng xử, văn hóa gia đình, cha mẹ ông bà cũng có thay đổi và sẽ nhớ mong trở về gia đình quen thuộc.

Chính vì vậy, người lớn phải có sự chia sẻ, thông cảm để cùng giúp cho trẻ thích nghi, không áp đặt trẻ. Tốt nhất là coi sự nhầm lẫn này giống như là trẻ sẽ có thêm một gia đình nữa, thêm người thân, thêm người yêu thương trẻ.

Người làm mẹ dễ bị tổn thương

PGS.TS tâm lý học Dương Hải Hưng cho rằng: “Khi xảy ra chuyện nhầm lẫn con, dù khách quan hay chủ quan, người mẹ thường có tâm lý tự trách mình. Bởi chính con mình mà mình không nhận ra nên tự người mẹ sẽ trách mình.

Hơn nữa, 6 năm bế ẵm, chăm sóc, tình cảm giữa mẹ con rất khó để có thể chấp nhận sự thay đổi này. Tiếp đó sự đánh giá của dư luận, những người xung quanh sẽ gây áp lực cho người mẹ. Vậy nên, sự việc nhầm lẫn không chỉ trẻ bị ảnh hưởng tâm lý mà người làm mẹ cũng sẽ bị tổn thương”.

Tình cảm mẹ con nhiều năm rất khó để người mẹ chấp nhận sự thật thật nhầm lần con. Ảnh minh họa

Tình cảm mẹ con nhiều năm rất khó để người mẹ chấp nhận sự thật thật nhầm lần con. Ảnh minh họa

Đặc biệt, với người mẹ một mình nuôi con trở ngại tâm lý phải vượt qua càng khó khăn hơn nữa. Bao giờ bên ngoài người mẹ đơn thân cũng tỏ ra rất vững vàng nhưng thực chất sự bình ổn về tâm lý không bằng những người có gia đình đầy đủ, có nền tảng hạnh phúc chắc chắn.

Gia đình giống như cái kiềng có 3 chân, khi có đủ cha mẹ, con cái thì bao giờ cũng vững chắc hơn gia đình khiếm khuyết, mất đi một chân kiềng. Khi phát hiện ra vụ việc như vậy, người mẹ đơn thân rất khó để chấp nhận sự thật, họ càng dằn vặt, tự trách mình hơn nữa.

Để tốt hơn cho cả những đứa trẻ và các bà mẹ trong hoàn cảnh nhầm lẫn con không đáng có này, PGS.TS Dương Hải Hưng chỉ hướng, trước tiên 2 gia đình phải ngồi lại với nhau, tạo sự thông cảm và chia sẻ và nên coi đó là một cái duyên.

Hai đứa trẻ này sẽ có 2 gia đình, có 2 người bố, 2 người mẹ, có thêm ông bà và nếu có điều kiện sẽ cho 2 trẻ đi lại giữa 2 gia đình để thích ứng và có thêm tình cảm.

Đối với bà mẹ một mình nuôi con, hãy tạo cho họ cảm giác họ có thêm một gia đình nữa, có chỗ dựa tình cảm, không bị kỳ thị, thương hại khi một mình nuôi con.

Với tất cả những người liên quan, đây là sự việc không mong muốn, nhưng khi sự việc xảy ra, kể cả ở Việt Nam hay thế giới thì bên nào có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nhưng ở Việt Nam bên cạnh cái lý là cái tình, có yếu tố văn hóa đi kèm.

Vậy nên, nếu bệnh viện có cách ứng xử hợp tình hợp lý, hợp tình, các bên liên quan chia sẻ được cho nhau thì sự việc có thể được giải quyết theo tình cảm. Nhưng nếu bệnh viện có cách ứng xử chưa hợp lý thì sẽ phải bồi thường về thể chất, tinh thần cho những người liên quan. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, về pháp lý khi đã có kết quả xét nghiệm ADN xác định cha mẹ ruột thì rất dễ xử lý, các gia đình có thể ra cơ quan hộ tịch, đổi lại họ tên cho người/trẻ bị nhầm... 

Tuy nhiên vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha, mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình? Vì lối sống, thói quen, cách nuôi dạy ở mỗi gia đình khác nhau, và nhất là câu chuyện tình cảm trong câu chuyện này. Trẻ thơ không biết thế nào là huyết thống, ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời, bé chỉ biết mẹ là người cho bé bú, chăm bé mỗi ngày... Không dễ gì thay đổi nhanh chóng bằng cách trao ngay bé cho một cặp cha mẹ mới, dù đó mới là cha mẹ thật sự.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính