83 tuổi, Tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Văn Chương đều đặn hằng ngày khám bệnh bại liệt, teo cơ... miễn phí cho người dân. Với ông, cho đi chính là nhận lại rất nhiều.
‘Nào hai ông cháu mình cùng tập. Ngoan lắm. Huyền của ông ngoan lắm.’
Giọng nói của người thầy thuốc tuổi 83 xen lẫn tiếng cười của cô bé 7 tuổi trong khi thực hiện những động tác tập luyện như biến hai tiếng trị liệu thành một cuộc chơi đùa của hai ông cháu.
Tiếng cười khanh khách của Huyền vang lên, lan khắp không gian rộng chừng gần 50 m2 – nơi bác sĩ Chương khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân hằng ngày.
Chiều nào cũng vậy, trên con xe cũ mèm, Huyền được bác và mẹ đưa tới phòng khám của Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Chương ‘Chữa bệnh bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng lao động’ ở ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
Huyền chỉ là một trong số nhiều những đứa trẻ được Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương tận tình cứu chữa.
Mấy tháng trước, cô bé bị tim bẩm sinh này giành giật giữa sự sống và cái chết bằng ca phẫu thuật đã được lên lịch, chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng không ngờ, vào ngày cận kề ca mổ, đôi chân em không cử động được. Huyền bị liệt cả hai chân.
Ngày tìm đến phòng khám của ông Chương, mẹ Huyền không nghĩ chỉ trong vòng vài tuần, mỗi ngày trị liệu hai tiếng đồng hồ với 5 động tác, Huyền đã có tiến bộ rõ rệt. Từ một đứa trẻ không cử động được, đến nay, Huyền đã có thế cựa quậy được đôi chân của mình.
‘Đời bọn trẻ còn dài lắm. Chữa cho chúng là cứu được cả cuộc đời’, bác sĩ Chương nói trong lúc xoa lưng cho Huyền. Tương lai rộng mở của các cháu nhỏ không thể khép lại chỉ vì những thương tổn không đáng có.
Bác sĩ Chương quan tâm tới các cháu nhỏ vì không chữa cho chúng thì cả đời chúng sẽ phải sống như cây ‘tầm gửi’.
Phòng khám của bác sĩ Chương nằm khép mình trong trong con ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội với cái tên cũng bình dị như chính cuộc sống của ông: ‘Chữa bệnh bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng lao động’.
Phòng khám giản đơn với chỉ ba giường bệnh. Trong đó có một chiếc giường ban ngày bệnh nhân nằm, tối đến là nơi ông ngả lưng.
Toàn bộ máy móc trong phòng khám đều được bác sĩ Chương mang về từ những ngày đi học ở nước ngoài và lấy chính lương hưu của mình để mua thêm. Mỗi năm ông lại sắm bổ sung một vài thiết bị, máy móc, dần dần cũng đủ cho bệnh nhân sử dụng.
Bác sĩ Chương nói, cuộc sống của tôi có cần gì đâu, tất cả dành cho bệnh nhân hết.
‘Tôi con nhà nghèo’- Đây là điều đầu tiên ông Chương đồng cảm với những người bệnh không có tiền tới các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, họ tìm tới ông, cầu mong phép màu xảy đến.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1959, người con quê hương Thái Bình này tìm hiểu nhiều chuyên khoa: tim mạch, hô hấp, thần kinh… nhưng cuối cùng lại chọn đi sâu nghiên cứu về vật lý trị liệu.
Lúc đó, chàng trai tuổi 25 suy nghĩ tất cả bệnh tật đều dẫn tới giảm chức năng bộ phận nào đó của cơ thể, khiến bệnh nhân mất khả năng lao động.
Những tháng ngày công tác ở miền núi, hải đảo với nhiều thiếu thốn, rồi ăn cùng, ngủ cùng những người công nhân làm việc tại các mỏ than, chứng kiến thương tật họ gặp phải trong khi làm nhiệm vụ, bác sĩ Chương càng thấm thía những khó khăn mà họ phải trải qua.
Bởi thế, trong gần 60 năm nay, bác sĩ Chương chưa một lần lấy của ai một đồng tiền nào.
Ông nghĩ nếu những người lao động không ốm, không đau thì họ có thể làm việc nuôi sống chính bản thân và cả gia đình. Ngược lại, nếu bị bệnh thì họ không những không có sức làm được việc gì mà còn tốn tiền chữa trị.
Vì vậy, ngay từ khi còn đang công tác tại Bệnh viện Công ty Mỏ than III (nay là Bệnh viện Bắc Thăng Long), bác sĩ Chương đã có mong ước sau khi nghỉ hưu sẽ mở phòng khám, dùng chính trí tuệ và tay nghề khéo léo của mình cứu giúp những bệnh nhân nghèo khổ.
Với quyết tâm của mình, sau khi nghỉ hưu năm 1992, ông mở phòng khám riêng, thực hiện lý tưởng cuộc đời mình, mặc những lời mời làm việc đến từ nhiều bệnh viện có tiếng.
Đặt ra mục tiêu giúp đỡ người nghèo, tất cả bệnh nhân đến với ông đều được khám bệnh miễn phí và được hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh đơn giản, có hiệu quả mà tiết kiệm chi phí. Số tiền ít ỏi ông nhận từ bệnh nhân là để hỗ trợ phí điện, nước và hao mòn máy móc.
‘Niềm vui trong 25 năm khám chữa bệnh của tôi là hàng nghìn trẻ em, người già đau ốm trở lại sinh hoạt bình thường chứ không nằm ở đồng tiền tôi thu được’, bác sĩ Chương chia sẻ.
Bệnh nhân nghèo tìm đến bác sĩ Chương rất đông. Mỗi tháng, trung bình ông chữa trị cho 300-400 bệnh nhân.
Có lẽ, mấy chục năm làm nghề, chứng kiến đủ mọi trạng thái cảm xúc của người bệnh, hơn ai hết, những người thầy thuốc như ông chính là người hiểu rõ nhất tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân nhất.
Bác sĩ Chương vừa là thầy thuốc vừa là người bạn với bệnh nhân của mình, từ đứa trẻ 26 tháng tuổi đến những ông bà đã ngoài 80 tuổi.
Bác sĩ Chương luôn sẵn sàng giải đáp bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khoẻ và là chỗ dựa tinh thần cho nhiều gia đình có con bị bệnh tưởng rằng không thể cứu chữa được nữa.
Gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi chào đón bệnh nhân của mình đã giúp bác sĩ Chương nhận được nhiều thiện cảm từ phía bệnh nhân, đặc biệt là trẻ con.
Những đứa trẻ đến với bác sĩ Chương không đứa nào sợ sệt cả.
Những đứa trẻ tiến bộ rõ rệt mỗi ngày chính là điều khiến ông Chương vui nhất.
Có những cháu bị liệt trong một thời gian dài, bây giờ qua với ông, chạy từ ngoài cửa vào chào ‘Ông ạ’, ‘Cụ ạ’... Vậy là ông mừng lắm.
Một năm có hàng trăm người, có nhiều ca trẻ con, người lớn không đi được tìm tới phòng khám của bác sĩ Chương.
Có những trường hợp bệnh nhân teo hết 2 cơ tay, 6 năm ròng rã chữa các nơi không, đến với bác sĩ Chương, chữa hơn 1 năm trở nên khoẻ mạnh, làm được bánh, giã giò bán nuôi sống gia đình.
Có bệnh nhân mổ thoái hoá khớp háng, bố mẹ phải cõng đi học nhưng sau khi đến với bác sĩ Chương, bây giờ đã tự đi lại được và đang học tập tại Học viện Y dược học Cổ truyền.
Mỗi lần trị liệu của bác sĩ Chương kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ với 5-7 liệu pháp, ông chỉ lấy 150.000 đồng với người lớn và 50.000 đồng với trẻ nhỏ. Những bệnh nhân khó khăn hơn thì ông lấy mức thấp hơn.
Bệnh nhân tiết kiệm được khoảng chi phí đáng kể khi đến với phòng khám của bác sĩ Chương, thay vì phải bỏ ra từ khoảng 300.000 đồng cho mỗi lần trị liệu thông thường ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh.
Nhiều bệnh nhân đang từ tàn tật, không thể đi lại được, có thể đi làm, dùng sức lao động của mình kiếm ra tiền, nuôi sống bản thân và gia đình.
Bác sĩ Chương luôn đau đáu làm thế nào để nhiều bệnh nhân nghèo được chữa trị hiệu quả mà tiết kiệm được chi phí.
Ông cho rằng: ‘Một người làm phúc không được bao nhiêu cả mà nhiều người làm phúc sẽ được nhiều’.
25 năm nay, ông làm việc suốt từ 7 giờ sáng tới 8-9 giờ tối. Thời gian biểu của ông chỉ xoay quanh bệnh nhân.
Mỗi ngày, phòng khám của ông chia làm 4 đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Có những ngày cao điểm, ông điều trị hơn 20 bệnh nhân.
Với ông Chương, đó là một cách luyện tập tích cực nhất, ngoài việc sáng nào cũng ngồi thiền 30 phút mỗi sáng.
Từ lúc mở mắt cho tới khi đêm xuống, thời gian biểu của bác sĩ Chương chỉ xoay quanh bệnh nhân của mình.
‘Tôi không có thời gian để nghĩ gì khác ngoài bệnh nhân’, bác sĩ Chương thổ lộ.
Tranh thủ những lúc bệnh nhân tự tập với máy, bác sĩ Chương nhấp chuột, mở máy tính, vào trang tìm kiếm, gõ mổ cò những điều ông chưa rõ. Người bác sĩ 83 tuổi này cập nhật tin tức, các phương pháp chữa trị mới hằng ngày.
Những ca bệnh nào vượt tầm khả năng của bác sĩ Chương thì ông gửi bệnh nhân tới đồng nghiệp có chuyên môn cao hơn.
Điều bác sĩ Chương tự hào nhất trong suốt thời gian làm nghề là nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và không có bất kì sai sót gì trong quá trình chữa trị.
Dù ở tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn chăm chỉ sử dụng máy tính để cập nhật thông tin và phương pháp điều trị.
Ông chỉ khiêm nhường nói: 'Bạn bè tôi nhiều người giỏi lắm, họ cũng mày mò còn hơn cả tôi. Với lại, trình độ khoa học ngày càng phát triển, tôi không cập nhật thì không theo kịp mất'.
Suốt mấy chục năm qua, bác sĩ Chương nhận được không ít lời mời đi chơi, đi du lịch nhưng ông từ chối. Ông muốn dành thời gian đó để ở nhà chữa bệnh cho người dân.
Sáng nào cũng vậy, bác sĩ Chương ngồi thiền 30 phút rồi tập luyện với các máy tập gần 1 giờ rồi tiếp bệnh nhân.
Cuộc sống của ông trở nên ý nghĩa khi được làm nghề và giúp đỡ được nhiều người nghèo.
Cho đi chính là nhận lại, bệnh nhân đã cho ông thêm sức khoẻ và trí tuệ.
Tinh thần thoải mái, làm việc nhiệt tình, hiệu quả khiến ông giữ gìn được sức khoẻ của mình, tiếp tục lao động cứu chữa bệnh nhân khi đã ngoài 80 tuổi.
Bệnh nhân đến ngồi đợi đến lượt kín cả phòng, bác sĩ Chương không có ưu tiên gì riêng cho ai cả, trẻ em đến người già đều bình đẳng như nhau. Họ cũng coi ông như một bác sĩ của gia đình.
Từ ngày mở phòng khám miễn phí cho người dân, vợ bác sĩ Chương luôn là người âm thầm bên cạnh giúp đỡ ông, không bao giờ than vãn.
‘Bà là người rất tuyệt vời, nhân hậu lắm’, đôi mắt ông đượm buồn khi nhìn xuống màn hình điện thoại hiện ảnh ông bà chụp cùng hai đứa cháu ngoại từ năm 2010.
Năm năm nay, không có bà hiện diện trong cuộc sống nhưng không lúc nào ông thôi nhớ về người vợ hiền hậu đó. Vợ ông ra đi, để lại khoảng trống quá khó để lấp đầy.
Ông kể về người vợ quá cố của mình trong niềm tự hào vô bờ. Bà cũng là bác sĩ nên hai vợ chồng luôn thông cảm, đỡ đần nhau trong công việc. Có khi, họ hàng ở lại 5-6 tháng điều trị tại nhà ông, bà không một lời kêu than mà còn quan tâm, ân cần với họ.
Với ông Chương, gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc để ông yên tâm cứu chữa bệnh nhân nghèo. Bao nhiêu năm chung sống, chưa một lần hai vợ chồng ông to tiếng với nhau, con cháu ngoan ngoãn. Ông được sống trong sự đủ đầy về mặt tinh thần.
‘Cho đến giờ phút này tôi nghĩ tôi chả có gì buồn cả. Tôi lấy việc chữa trị cho bệnh nhân làm niềm vui’, bác sĩ Chương cười.