Đây là câu chuyện của một cô gái gốc Trung Quốc tên là Elaine Chong, cô kể lại hành trình hiến tặng trứng của mình cho các gia đình mong có con nhưng họ không thể có được theo cách tự nhiên.
Tôi đã từng nghe về việc hiến trứng khi tôi học đại học tại Mỹ. Chúng tôi học về xã hội học, tâm lý học và sinh học của hiện tượng hiến tinh trùng và trứng. Sau đó tôi thực sự đã được ‘truyền cảm hứng’ bởi ý nghĩa ‘trao tặng’ của hành động đó.
Tôi nghĩ đó là hành động mình nên làm.
Giáo sư của chúng tôi nói rằng những ‘ngân hàng trứng’ mong muốn những phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, có nền tảng giáo dục tốt tham gia hiến tặng. Hiện đang thực sự thiếu những phụ nữ da màu tham gia việc này.
Tôi lập tức nghĩ mình phù hợp, tôi là người gốc Trung Quốc.
Có những người giống tôi, có dòng máu Châu Á, họ gặp vấn đề về sinh sản và khao khát có con. Tôi nghĩ đến những anh bạn đồng tính của tôi, những người cứ nói say sưa về việc muốn trở thành cha mẹ tốt…
Và tôi nghĩ ‘món quà’ của mình có thể giúp ích với họ.
Vị giáo sư nói là mỗi trứng có thể trị giá tới 3.000 USD, điều này khiến cả hội trường ồ lên.
Tôi quyết định sẽ hiến tặng và đăng ký qua một website được trang trí bởi hình ảnh những đứa trẻ vui vẻ, bụ bẫm.
Nhưng thật không may, tôi gần như ngay lập tức bị loại khỏi danh sách hiến tặng.
Bất cứ ai sống ở Anh nhiều hơn 6 tháng từ năm 1980 đến 1997 đều không được chấp nhận vì có nguy cơ cao truyền bệnh vCJD (một chứng bệnh được đặt theo tên 2 nhà khoa học phát hiện ra nó, Creutzfeldt-Jakob Disease, bệnh lây truyền qua đường máu và các chế phẩm từ máu).
Điều này cũng có nghĩa là tôi cũng không thể hiến máu, hiến tạng cho các bệnh nhân có nhu cầu.
Tuy nhiên ý tưởng này vẫn ở trong tôi. Tôi quay lại Anh để học chương trình sau Đại học. Tôi quyết định thử việc này ở đây.
Có một điểm khác biệt lớn ở đây là những người đóng góp được 990 USD mỗi lần để bù đắp các chi phí. Nhưng tôi không làm việc này vì tiền.
Tôi bắt đầu đăng ký thông qua một website khác và được mời tham gia một quá trình khám sàng lọc nghiêm ngặt.
Họ hỏi tôi rất nhiều câu hỏi – những người điều hành, y tá và bác sĩ – ai cũng muốn biết tại sao tôi muốn hiện tặng trứng.
Tôi chỉ có thể trả lời: ‘Tôi muốn làm cho các gia đình cảm thấy sự trọn vẹn’.
Tôi cũng phát hiện ra rằng ở Anh cũng đang thiếu sự đóng góp của các tình nguyện viên đến từ các dân tộc da màu.
Như tôi được biết, văn hóa Trung Quốc không ngăn cấm việc hiến tặng trứng, tuy nhiên tôi cũng phải đắn đo mãi mới dám nói với mẹ tôi chuyện này.
Mẹ tôi luôn luôn nói rằng nếu bà qua đời, bà muốn hiến tặng bất cứ cơ quan nào trong cơ thể mình để giúp ích cho con người. Nhưng trứng thì không. Rõ ràng nó rất khác, bởi vì một ai đó có thể mang gen của tôi mà cha mẹ tôi không biết.
Liệu cha mẹ có nghĩ rằng đó là cháu ngoại của họ?
Ngay khi tôi nói ra ý định này, phản ứng của mẹ tôi là: ‘Đừng nói cho cha con biết’.
Rồi sau khi tôi được đồng ý hiến tặng, các chuyên gia đã giải thích mọi chuyện không giống như trong phim. Sau khi hiến tặng, tôi không có bất cứ thông tin gì về quá trình sinh sản của trứng.
Cho đến khi những đứa bé trưởng thành, nếu chúng muốn tìm hiểu về người hiến tặng thì nơi tiến hành thụ tinh nhân tạo sẽ cung cấp.
Tôi nghĩ điều đó là hợp lý.
Tôi nhận ra mình suy nghĩ rất nhiều về cách mà tôi đã trình bày bản thân mình với các bậc cha mẹ tiềm năng.
Trên các mẫu đơn, tôi điền thông tin về chiều cao, cân nặng, màu mắt và lịch sử y tế của tôi, nhưng điều đó không thực sự thu hút tôi.
Làm sao các bậc cha mẹ đó biết được con của mình có thể trở nên thích thể thao, yêu đồ ăn Thái, thích động vật hay thích mặc đồ đen?
Các nhân viên y tế đã hỏi tôi về sở thích của tôi và liệu tôi có chơi nhạc cụ hay không, nhưng tôi cảm thấy thật ra cũng giống như đang viết một CV khô khan.
Trong vài tuần sau đó tôi thường xuyên được kiểm tra y tế. Tôi thực sự ghét bị lấy máu, vì vậy tôi luôn tự thưởng cho mình một cái bánh gối sau đó.
Như một hệ quả, bây giờ hễ ăn bánh gối thì tôi lại thấy vui vui hơn một chút.
Tôi phải tự tiêm hormones 2 lần/ngày.
Nó giống như là chơi trò bác sĩ. Tôi giữ mấy ống thuốc trong tủ lạnh gia đình – chẳng ai hỏi tôi về những thứ kỳ quặc đựng trong túi giấy bóng.
Tiêm hormones vào người cũng hơi giống như triệu chứng tiền kinh nguyệt, nhưng nó khó chịu hơn gấp 100 lần. Tôi hứa với bạn, không chỉ là chứng chuột rút đâu mà cả tá thứ khó chịu khác.
Tôi tăng cân và tạm quên đi những chiếc quần jeans.
Tâm trạng tôi lên xuống thất thường, chỉ cần một bài hát, một video về động vật cũng làm tôi òa khóc.
May mà tôi làm việc bán thời gian và chủ yếu làm việc vào ban đêm. Các buổi thăm khám với bác sĩ không kéo dài, nhưng lại rất mất thời gian vì chúng diễn ra nhiều lần. Toàn bộ những việc này kéo dài hơn 3 tháng.
Thế rồi, khi tôi sắp đến ngày hiến trứng, tôi nhận được một tin nhắn từ một nữ y tá vào giữa đêm.
Có một cuộc tấn công khủng bố vừa mới diễn ra gần phóng khám, và toàn bộ khu vực lân cận đó bị ngăn chặn để điều tra vụ việc. Không có nhân viên nào đến phòng khám để làm việc và các bệnh nhân khẩn đều đã được đưa đến phòng khám khác, có tên là Harley Street.
Họ sẽ sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn khác, sớm nhất khi có thể.
Trong khi đi tới phòng khám Harley Street sau đó, tôi nghĩ: ‘Nếu mình chẳng may bị giết trong vụ khủng bố đó, có thể xin để hoãn lại, cho tôi hiến trứng đã, bởi vì trong bụng tôi đang mang những quả trứng quý giá mà nhiều gia đình rất cần chúng’.
Phòng khám Harley khá đẹp và tiện nghi.
Các kỹ thuật viên đếm thấy tôi có 11 trứng. Họ quyết định tôi đã sẵn sàng cho quá trình hiến tặng diễn ra vào sáng sớm ngày mai.
Tôi quyết định mặc đẹp cho dịp này bởi vì tôi không muốn trông mình giống như một bệnh nhân. Thêm vào đó, đó là phố Harley!
Tôi được ngồi ở phòng đợi. Qua tấm rèm, tôi có thể nghe thấy giọng nói điềm tĩnh của một phụ nữ, người cũng đến đây để hiến tặng. Tôi không nhìn thấy họ, nhưng khi nghe thấy ai đó nói tôi là ‘người phụ nữ Trung Quốc’, tôi đoán cô kia không phải người Trung Quốc.
Tôi chưa bao giờ bị gây mê trước đó, thậm chí còn chưa mặc áo choàng bệnh viện lần nào.
Tôi đã làm một kiểu selfie trong phòng vệ sinh, giả vờ rằng đang mặc một cái váy hở lưng.
Đi vào sảnh chính, tôi cố gắng quan sát – tôi muốn nhớ mọi thứ, nhưng họ đã gọi tôi ra và điều tiếp theo tôi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình đang nằm ở phòng phục hồi. Cuộc phẫu thuật chỉ mất 15 phút.
Tôi cảm thấy khá là buồn ngủ, cứ ngủ gà ngủ gật. Một y tá đi vào và hỏi tôi có muốn một ít bánh quy không.
Mặc dù tình trạng lơ mơ, tôi vẫn yêu cầu cô ấy mang cho tôi cái gì khác để lựa chọn.
Tôi nhận được một hộp sô cô la và một cái thiệp ghi: ‘Cảm ơn bạn vì đã hiến tặng!’
Họ nói rằng tôi đã được lấy tổng cộng 11 trứng. Thật là tuyệt nếu như mỗi trứng sẽ trở thành một em bé.
Tôi được đề nghị viết một lá thư tới các bậc cha mẹ và tới những em bé có thể sẽ được chào đời.
Đó là điều duy nhất bọn trẻ có từ người hiến tặng, cho đến khi bé lớn đủ để quyết định muốn hay không muốn liên lạc với tôi.
Tôi đã viết lá thư đó trên điện thoại, ngay sau khi tôi rời phòng khám. Tôi đột nhiên quá xúc động với những đứa trẻ mà (về mặt lý thuyết) sẽ ra đời. Tôi bắt đầu khóc.
Tôi muốn nói với các bé rằng các con là kết quả của rất nhiều tình yêu thương, nhiều kế hoạch và rằng gia đình của tôi, người yêu tôi và cả những người bạn của tôi đều quan tâm đến các con – dù cho họ không biết gì về các con.
Tôi cũng nói với các bé một chút về mình – về niềm say mê của tôi với sự công bằng trong xã hội và vui vẻ nói rằng tôi cũng không đến mức ngốc nghếch.
Tôi hi vọng rằng 18 năm sau tôi sẽ biết được mọi chuyện sẽ ra sao…
Tôi có làm lại việc này không? Có thể. Tôi thực sự nghĩ rằng tôi đã quyết định đúng.