Ngày 25/7 vừa qua chính là sinh nhật lần thứ 40 của Louise Brown, em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tờ báo Anh Daily Mail đã tổng hợp những bước tiến bộ đáng kinh ngạc của phương pháp IVF trong 40 năm qua.
Giây phút kỹ thuật viên phòng thí nghiệm Jean Purdy (Cambridge, Anh) phát hiện phôi đơn bào phân chia thành 8 tế bào ngay trên đĩa thủy tinh trong phòng thí nghiệm, cô không tưởng tượng được rằng điều này sẽ dẫn đến một thay đổi vô cùng lớn.
Cụ thể là 9 tháng sau đó, em bé Louise Brown chào đời – “em bé ống nghiệm” đầu tiên. Đến nay, 40 năm đã trôi qua, có tới 8 triệu người trên thế giới có thể đã không xuất hiện nếu không có giây phút kỳ diệu đó.
Purdy, cùng với 2 bác sĩ phụ khoa người Anh là Robert Edwards và Patrick Steptoe trở thành nhóm bác sĩ đầu tiên quyết tâm kiên định nghiên cứu và áp dụng IVF. Họ đã cống hiến 10 năm để nghiên cứu siêng năng, 457 lần thử lấy trứng, 331 lần thụ tinh và nuôi khoảng 221 phôi. Tất cả là để chứng minh rằng: có thể tạo ra một phôi khỏe mạnh từ trong phòng thí nghiệm.
Ngay cả sau khi Louise ra đời, kỹ thuật IVF vẫn bị nghi ngờ sâu sắc. Những người thực hiện ca đỡ đẻ đã phải quay lại toàn bộ quá trình lâm bồn của người mẹ để chứng minh rằng Louise thực sự được sinh ra từ mẹ của cô.
Louise Brown, bây giờ đã 40 tuổi và là mẹ của 2 cậu con trai (sinh ra một cách tự nhiên) nói rằng lần đầu tiên cô biết mình “khác biệt” đó là khi cô 4 tuổi. Bố mẹ đã cho cô xem 1 đoạn video cho thấy cô sinh ra như thế nào.
Louise chia sẻ: “Bố mẹ đã kể rằng họ cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ để có được tôi, rằng cách tôi đến với thế giới này khác với đa số mọi người. Tôi cũng không thực sự hiểu – làm sao mà bé 4 tuổi hiểu được điều đó – việc xem video đó cũng hơi shock đối với tôi”.
Louise kể rằng đa số thời gian sống ở Bristol, mọi người không nhận ra cô là người đầu tiên ra đời nhờ phương pháp điều trị vô sinh IVF, điều đó làm cô hạnh phúc.
Nhưng cách đây không lâu, có một người phụ nữ chạy theo cô khi cô đang mua sắm và hỏi rằng cô có phải là Louise không. Cô trả lời “Có” và người đó đã ôm lấy cô: “Cảm ơn cô, nếu không có cô tôi đã không thể có 2 đứa con được ra đời nhờ IVF”. Louise nhận thấy một cảm xúc tốt lành nhen lên trong lòng.
1983: Mở ra hi vọng cho những phụ nữ không có trứng
Cho đến thời điểm này, IVF mới chỉ giúp ích cho những người phụ nữ có quá trình sản sinh trứng bình thường. Với những phụ nữ không có buồng trứng (do bẩm sinh hoặc do bệnh), hoặc phụ nữ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh quá sớm, cơ may làm mẹ vẫn chưa mỉm cười với họ.
Việc sử dụng trứng của người hiến tặng đã được nghĩ đến trước đó, tuy nhiên điểm khó khăn là phối hợp giữa chu kỳ sản xuất trứng (của người hiến tặng) và sự phát triển dạ con (người nhận) đồng bộ với nhau. Các nhà khoa học đã đạt được thành tựu trong việc phối hợp này năm 1983, đúng 5 năm sau khi Louise Brown ra đời.
Ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên sử dụng trứng hiến tặng là của một phụ nữ bị khuyết tật buồng trứng ở Australia. Các bác sĩ đã sử dụng một hỗn hợp hormone tiêm vào cơ thể người mẹ (người nhận phôi đã được thụ tinh từ trứng hiến tặng) để cơ thể họ sản xuất một lớp lót trong tử cung, từ đó phôi có thể phát triển.
Kỹ thuật IVF này hiện có thể được sử dụng để những cặp đôi đồng tính nữ có con. Một người nữ sẽ cung cấp trứng, người kia chịu trách nhiệm mang thai, sinh con. Đứa con sinh ra sẽ là kết quả của sự chia sẻ trải nghiệm làm mẹ của cả 2 người.
Cho đến ngày nay, các biện pháp điều trị vô sinh vẫn tập trung khá nhiều vào vấn đề vô sinh ở nam giới, ví dụ như tình trạng ít tinh trùng, tinh trùng có hình dạng bất thường hoặc di chuyển bất thường. Với những trường hợp này, dù sử dụng IVF thì cũng rất khó khăn.
Nhưng đến năm 1992, một kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện ở Bỉ, đã giải quyết tình huống này.
Nếu như trước đây các bác sĩ sẽ trộn trứng và tinh trùng trong đĩa petri (đĩa thí nghiệm) thì giờ đây, từng tinh trùng sẽ được bơm thẳng vào trứng. Một số trường hợp, ví dụ như người đàn ông có rất ít tinh trùng, tinh trùng sẽ được lấy ra bằng phương pháp phẫu thuật.
Phương pháp này khiến cho tỷ lệ trứng được thụ tinh thành công tăng lên đáng kể. Với kỹ thuật mới, nhiều bác sĩ cho rằng tất cả các ca IVF nên dùng tinh trùng tiêm thẳng vào trứng (phương pháp ICSI), dù cho tinh trùng có khỏe mạnh hay không.
Phil và Joanne Davenport (Manchester, Anh) là cặp đôi đầu tiên thử nghiệm phương pháp này. Họ đã có 1 đứa con trước đó, nhưng sau đó họ hoàn toàn không thành công khi thử bằng phương pháp tự nhiên để có thêm đứa con thứ 2.
Xét nghiệm cho thấy Phil có số lượng tinh trùng quá ít.
Cặp đôi này đã thử nghiệm ICSI với niềm hi vọng rất mong manh. “Đó là một kỹ thuật mới nhưng là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có” – Joanne nhớ lại.
Thật may mắn, đến lần thử nghiệm thứ 2, họ đã thành công, người mẹ mang song thai. Hai bé một trai một gái kháu khỉnh, Nick và Abbie, giờ đây đều đã 18 tuổi.
Joanne luôn cởi mở kể với các con về sự ra đời của họ. Abbie, một trong 2 người con, cho biết: “Cha mẹ chúng tôi đã thực sự khó khăn để có được chúng tôi... Chúng tôi thực sự tự hào vì là một trong những gia đình đầu tiên sử dụng ICSI”.
Một số gia đình có những căn bệnh di truyền làm giảm chất lượng sống, điều này gây ra nhiều bi kịch. Có những người không dám kết hôn, hoặc kết hôn rồi không dám có con, do lo sợ sẽ di truyền cho con bệnh tật mà họ đã mắc phải.
Một giải pháp sàng lọc phổ biến từng được thực hiện là: chọc ối vào khoảng tuần thứ 15 hoặc 20 của thai kỳ. Một số mẫu nước ối sẽ được lấy ra và xét nghiệm, nếu kết quả là dương tính với bệnh di truyền, thai phụ sẽ phải bỏ thai. Nếu kết quả âm tính, thai nhi sẽ được giữ lại.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ IVF đã giúp cho các bà mẹ “sống chung” với bệnh di truyền một cách dễ dàng hơn. Đó là phôi sẽ được tạo ra bằng phương pháp IVF, sau đó phôi được sàng lọc để phát hiện những đột biến di truyền – chính là nguyên nhân gây bệnh.
Những phôi khỏe mạnh, hoàn toàn không có đột biến sẽ được cấy vào tử cung mẹ. Dù phương pháp IVF này không được dùng để điều trị vô sinh nhưng nó lại có ý nghĩa tích cực với những gia đình mắc bệnh di truyền hiểm nghèo.
Mang thai hộ không phải là một tiến bộ y khoa - nhưng nó phản ánh cách IVF thay đổi cách tạo thành gia đình hiện đại.
Với loại IVF này, phôi được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sau đó được chuyển vào tử cung một phụ nữ mang thai hộ. Em bé hình thành theo cách này có thể là giải pháp cho các cặp vợ chồng đồng tính (nhất là đồng tính nam) có được hạnh phúc trọn vẹn.
Michael và Wes Johnson-Ellis (Worcestershire, Anh) là một cặp đôi đồng tính như vậy. Tinh trùng của Wes được kết hợp với trứng của một số người hiến tặng, sau đó “gửi” vào tử cung của một phụ nữ mang thai hộ. “Khi nghe tin người phụ nữ mang thai hộ đã cấn thai, chúng tôi thực sự ngây ngất. Chúng tôi thật sự may mắn khi đã thành công ngay từ lần đầu tiên” - Michael nói.
Talulah Johnson-Ellis, bây giờ đã 21 tháng tuổi, chính là đứa con mơ ước đem lại hạnh phúc cho cặp đôi Michael và Wes.
Nhiều phụ nữ tìm đến dịch vụ “trữ đông trứng” như là một phương pháp an toàn. Đó có thể là giải pháp để đảm bảo khả năng sinh con trước khi bước vào điều trị ung thư, giải pháp trước mối lo không tìm được bạn đời hoặc giảm sút khả năng sinh sản theo thời gian.
Năm 2010, em bé ra đời đầu tiên bằng trứng đông lạnh là cư dân Anh Quốc. Và tới nay, có tới 471 trẻ sơ sinh chào đời từ trứng đông lạnh.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa tới 8% phụ nữ giữ đông trứng thực sự sử dụng chúng. Điều này mang ý nghĩa tích cực vì thường có nghĩa là những phụ nữ này đã mang thai theo cách tự nhiên.