Công trình nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ: Vương Thị Ngọc Lan, Bộ môn Phụ Sản (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), Đặng Quang Vinh (BV Mỹ Đức), Hồ Mạnh Tường (BV Mỹ Đức), Huỳnh Gia Bảo (BV Mỹ Đức), Hà Tấn Đức (BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ), Phạm Dương Toàn (BV Mỹ Đức), Nguyễn Khánh Linh (BV Mỹ Đức), Robert Norman (ĐH Adelaide, Úc), Ben Mol (Đại học Adelaide, Úc).
Nghiên cứu này được các tác giả thực hiện từ 2015, trên 792 bệnh nhân. Sau hai năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã gửi báo cáo dài hơn 200 trang đến The New England Journal of Medicine và trải qua ba vòng thẩm định, cùng nhiều lần bổ sung, giải thích, nghiên cứu đã được chấp thuận công bố.
Đánh giá về công trình nghiên cứu này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales tại Australia, Chuyên gia xét duyệt cho Tạp chí NEJM) đã có một bài viết chia sẻ trên facebook cá nhân của mình.
Được sự đồng ý của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết ‘Một công trình nghiên cứu y học mang tính lịch sử’:
‘Hôm nay là một ngày vui. Tôi đang đi thăm lăng Mạc Cữu ở Hà Tiên thì nhận được điện thoại từ VnExpress hỏi về công trình nghiên cứu của nhóm BS Hồ Mạnh Tường và Ngọc Lan trên NEJM (New England Journal of Medicine).
Tôi trả lời qua điện thoại, và có nói rằng nghiên cứu này đánh dấu một bước ngoặc lịch sử. Tính lịch sử cả về nội dung nghiên cứu và ý nghĩa cho y học Việt Nam.
Ý tưởng nghiên cứu chỉ để trả lời một câu hỏi đơn giản nhưng quan trọng: ở phụ nữ vô sinh, đông lạnh phôi và chuyển phôi tươi có kết quả thụ thai như nhau?
Câu hỏi đơn giản trong y khoa thường là câu hỏi khó trả lời nhất. Câu trả lời có giá trị khoa học cao nhất là làm nghiên cứu theo mô hình lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT), tức là chia bệnh nhân thành 2 nhóm và theo dõi một thời gian. Kết quả cho thấy tỉ lệ thụ thai của nhóm phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi như nhau.
Ý nghĩa lớn của câu trả lời này là bác sĩ có thể trữ phôi một thời gian chứ không cần phải chuyển phôi tươi vốn có khi rất nhiêu khê. Câu trả lời có tác động và làm thay đổi thực hành về thụ thai nhân tạo trên toàn thế giới. Có thể xem đó là một ‘breakthrough’. Đó chính là lí do tại sao NEJM chấp nhận cho công bố nghiên cứu.
Trong giới y khoa, tập san NEJM được xem như là bible – kinh thánh. Được đăng bài trên tập san này là niềm mơ ước của các nhà khoa học. Nên nhớ rằng các nhà khoa học đẳng cấp Nobel hay đăng bài trên NEJM.
Ngay cả những người được giải Nobel cũng rất khó khăn công bố ở đây, và họ thường xuyên bị từ chối. Nhưng được công bố ở đây rất khó vì nghiên cứu rất chọn lọc, chỉ khoảng 1-5% bài báo nộp được chấp nhận cho công bố. Những bài nộp cho NEJM đã là rất chọn lọc.
Trong quá khứ một số nhà khoa học Việt cũng có bài trên NEJM, nhưng họ là người ở nước ngoài hay làm ở trong nước nhưng do người nước ngoài chủ trì. Công trình của BS Tường và BS Lan là công trình Việt Nam do người Việt chủ trì được công bố trên NEJM. Do đó, tôi xem đây là một bước ngoặc lịch sử.
Thành quả này là một minh chứng hùng hồn cho thấy Việt Nam có thể làm những nghiên cứu với phẩm chất khoa học rất cao. Không cần phải có ngân sách kiểu ‘cấp Nhà nước’ để có những công trình đẳng cấp quốc tế. Cái cần là ý tưởng nghiên cứu cho tốt, câu hỏi nghiên cứu quan trọng, và phương pháp nghiên cứu đúng chuẩn mực khoa học.
Hãy quên đi những đề tài trong cái hộp. Hãy quên đi cái gọi là 'tính đại diện'. Hãy quên đi những quan tâm tủn mủn. Nên suy nghĩ đến câu hỏi lớn có tác động đến thế giới. Nên suy nghĩ về cách tiếp cận sáng suốt. Nên suy nghĩ đến phương pháp cho chặt chẽ.
Hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ tạo ra một nguồn cảm hứng mới cho y học nước nhà để có những đóng góp lớn cho thế giới trong tương lai’.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Nghiên cứu thụ tinh ống nghiệm của bác sĩ Việt Nam được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].