Chắc chắn bạn sẽ ngừng ngay thói quen tự trách cứ bản thân khi biết được việc làm này có thể gây hàng loạt bệnh nghiêm trọng.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Australia đã chỉ ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe khi bạn luôn cầu toàn, tự chỉ trích mình vì không đạt được những tiêu chuẩn do bản thân đặt ra.
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường rất nghiêm khắc chỉ trích bản thân khi mọi việc không đi theo đúng hướng. Ví dụ như một sinh viên thường đứng hạng A bất ngờ nhận điểm B sẽ tự dán nhãn cho mình là “thất bại”, trong khi người ngoài nhìn vào lại thấy đó hoàn toàn là một kết quả bình thường.
Theo Jackie Chan, một chuyên gia tâm lý của Trung tâm tư vấn tâm lý Hông Kông, cầu toàn là thái độ hay niềm tin rằng bắt buộc không được có sai lầm trong hoạt động của mình.
Những người cầu toàn đặt ra một chuẩn mực cao, thậm chí không thực tế cho bản thân, và tự cho là mình thất bại khi họ không thể hoặc không đạt được những chuẩn mực đó.
Những người này sẽ tự chỉ trích bản thân, xấu hổ, thậm chí là tự trừng phạt về thể xác khi không đạt được kế hoạch. Họ cũng thường xuyên lo lắng về sự phán xét hay đánh giá của người khác.
Mặc dù không có gì sai trái khi có hi vọng, kỳ vọng, đặt mục tiêu cao về bản thân, nhưng rõ ràng chủ nghĩa cầu toàn lại có mối liên quan với hàng loạt những hậu quả tiêu cực, thậm chí nguy hiểm.
Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ tự tử của học sinh sau khi kết quả kỳ thi không như mong muốn, điều này cho thấy hậu quả của chủ nghĩa cầu toàn đặc biệt nghiêm trọng ở giới trẻ.
Ở những người trưởng thành, khi quá cầu toàn mà không đạt được mục đích, bạn sẽ rơi vào trình trạng mệt mỏi mãn tính, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ, rối loạn lo âu xã hội, lo lắng và trầm cảm.
Mối liên hệ giữa chủ nghĩa cầu toàn và trầm cảm là trọng tâm của một nghiên cứu gần đây của Đại học Công giáo Úc. Nghiên cứu đánh giá 500 thanh thiếu niên Úc và 500 người trưởng thành.
Kết quả cho thấy, giờ đây tất cả mọi người đang chịu áp lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt cao, cả trong cuộc sống cá nhân của họ lẫn trường học và nơi làm việc. Khi họ trở nên quá tập trung vào những sai lầm, họ rơi vào thất vọng và tức giận với bản thân, thậm chí là trầm cảm.
Hệ quả của tình trạng này là mất hứng thú với sở thích, cảm giác vô dụng, tập trung kém, không có khả năng ra quyết định, tự cô lập, giảm nhu cầu tình dục, dễ kích động.
Các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng có một số chiến thuật có thể áp dụng để chuyển những suy nghĩ tiêu cực về bản thân thành tích cực.
Theo Jackie Chan, những người có xu hướng cầu toàn thường tự kỷ ám thị theo hướng tiêu cực, do đó họ không dễ để thay đổi. Chuyên gia tâm lý này cho biết: “Trước tiên họ cần chấp nhận trầm cảm của họ, thừa nhận cảm xúc của họ và đối đầu với các triệu chứng.
Chỉ sau đó họ mới bắt đầu chấp nhận bản thân và thể hiện sự từ bi với chính mình. Và trong khi lòng từ bi có thể giúp đối phó với trầm cảm, điều quan trọng là các hỗ trợ xã hội cũng quan trọng đối với việc chữa bệnh”.
Một chuyên gia điều hành, Nicholas Wai (Hong Kong) nói về những kinh nghiệm thực tế để vượt qua cảm giác trách móc bản thân: “Khi cuộc đối thoại nội bộ bắt đầu, tôi đi vào chế độ thiền và tập trung vào hơi thở của mình. Tôi thấy rằng thiền định xóa dần suy nghĩ tiêu cực và cho tôi thời gian”.
Nicholas tự hỏi mình hàng ngày về việc liệu anh ấy đã làm hết sức để sống hiện hữu, gắn kết và hạnh phúc hay chưa. Anh nói rằng điều này giúp anh hiểu bản thân mình và hòa hợp với cảm xúc bản thân hơn.
“Đó là ý tưởng của tôi về lòng từ bi,” - anh nói - "Hãy biết và thừa nhận rằng, dù bất cứ điều gì đã xảy ra và bất kỳ sai lầm nào đã có, thì tôi đã cố gắng hết sức mình”.