Những trẻ mắc chứng rối loạn phát triển thường khó đọc hiểu biểu cảm khuôn mặt của người khác, vì thế khả năng giao tiếp và kết bạn của trẻ thường rất kém. Theo một nghiên cứu mới đây, Google Glass sẽ giúp trẻ tự kỷ giải quyết vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp Google Glass với một phần mềm điện thoại được thiết kế để đọc biểu cảm trên khuôn mặt.
Dự án mang tên Superpower Glass phát triển bởi Đại học Y khoa Stanford được kỳ vọng sẽ dạy cho trẻ nhận diện được cảm xúc biểu lộ trên mặt người khác.
Ngay khi trẻ tự kỷ giao tiếp, phần mềm trên điện thoại sẽ nhận diện và đặt tên cho biểu cảm khuôn mặt người đối diện thông qua loa hoặc màn hình Google Glass.
Phần mềm sử dụng công nghệ nhận diện 8 loại biểu cảm khuôn mặt đơn giản nhất, bao gồm: vui, buồn, giận, ghê sợ, ngạc nhiên, sợ hãi, bình ổn và khinh bỉ.
Sau một đến ba tháng sử dụng thường xuyên, các bậc phụ huynh đều nhận định rằng trẻ tự kỷ đã giao tiếp bằng mắt nhiều hơn và có thể trò chuyện tốt hơn với mọi người.
Trong nghiên cứu, phụ huynh cho trẻ sử dụng biện pháp này ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần 20 phút. Vừa sử dụng, cha mẹ vừa đưa ra câu hỏi cho trẻ lúc bắt đầu và kết thúc quá trình đeo kính.
Những phụ huynh có con em được áp dụng nghiên cứu này đều có phản hồi rất tích cực: "Đúng là một sự thay đổi ngoạn mục!", "Con tôi đã chịu nhìn thẳng vào tôi rồi!", "Bỗng dưng giáo viên nói với tôi rằng con mình đã chịu giao tiếp trong lớp học"...
Mặc dù đã có nhiều liệu pháp cho trẻ tự kỷ nhưng nhiều trẻ vẫn chưa có khả năng phản ứng nhanh chóng. Với phương pháp này, các nhà khoa học hy vọng có thể giúp trẻ được phần nào.