Nhiều gia đình thấy con có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ thường đưa con tới điều trị tại các chuyên khoa về tâm lý, tâm thần. Ít ai biết tới hiệu quả tích cực mà phương pháp châm cứu kết hợp chăm sóc, giáo dục sẽ đem lại cho các bệnh nhân.
Giảm tăng động, biết nói
Thấy con tiếp thu tốt hơn các bạn cùng lớp mẫu giáo, chị N.M.L (Hà Nội) cho con học lên lớp lớn tuổi hơn. Có 1 hôm, đang ăn cùng các bạn thì bé L.H.Đ hất đồ ăn tung toé ra sàn nhà, bắn vào các bạn xung quanh. Cô giáo phạt Đ. úp mặt vào tường.
Những ngày sau, cứ đến lớp là Đ. lại úp mặt vào tường, cô giáo và bố mẹ nói thế nào cậu bé này cũng không ra ngồi học giống các bạn như trước đây. Từ một đứa đang hát hò, kể chuyện vui nhộn trong lớp, Đ. trở nên lầm lì, không nói không rằng, chỉ chơi 1 mình.
Chị L. và chồng đưa Đ. tới bệnh viện Châm cứu TƯ, sau đợt điều trị dài bằng phương pháp châm cứu, Đ. hoà nhập và đi học trở lại được.
Khác với Đ., N.M bị chậm nói và có những hành động quăng vứt bất cứ thứ gì cầm trên tay và hay phá đồ. Tới đây điều trị 4 đợt, N.M đã nói được những từ cơ bản và khi bà đưa đồ ăn, bé đã biết hỏi xin.
Nằm cùng phòng với N.M, H.T (5 tuổi) đã điều trị ở đây được 1 năm. Bà của T. kể, bố mẹ cứ mải mê làm việc, để con chơi với điện thoại rồi xem ti vi cả ngày, cứ tưởng con chơi vui là yên tâm rồi.
Đến năm T. 2 tuổi, T. chỉ bập bẹ được ‘bà a’ và kêu ‘ui’ chứ hoàn toàn không giao tiếp được như người bình thường. Khi đó, bố mẹ mới tá hoả đưa con đi khám thì mới biết chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ.
Cùng với cách chữa trị châm cứu, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, T. tham gia lớp học tập vận động và dậy nói gần bệnh viện. Đến nay, em cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Hay như trường hợp của bé Minh (ở Đà Nẵng) có những di chứng về não khi mẹ mang thai khi lớn tuổi. Minh có những dấu hiệu phát triển chậm hơn những trẻ khác. Tới tuổi biết nói, biết đọc, bố mẹ không thế em nói từ nào, không giao tiếp được như những đứa trẻ cùng tuổi.
Sốt ruột, bố mẹ em lặn lội từ Đà Nẵng ra Hà Nội với mong muốn con có thể giao tiếp được bình thường. Sau 2 đợt châm cứu, bấm huyệt, Minh nói được và bây giờ có thể đi học cùng các bạn.
Đây chỉ là số ít những ca bệnh đang điều trị chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ bằng phương pháp châm cứu tại khoa Điều trị & Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não.
Các bác sỹ ở đây cho biết, sau khi về nhà, rất nhiều phụ huynh gọi điện cho họ thông báo các con đi học bình thường, không có biểu hiện bất thường và đang phát triển tốt.
Cơ hội hoà nhập, đi học bình thường cho trẻ bị bệnh
Phương pháp điều trị bằng châm cứu đã mở ra cơ hội hoà nhập, trở lại cuộc sống hằng ngày cho tất cả các bé bị chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ.
Để tạo lập các chức năng vận động, nghe nói, giao tiếp, cải thiện trí nhớ, bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp điện châm, thủy châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt, tập vận động và giáo dục hòa nhập.
Đặc biệt còn giáo dục kỹ năng sống như: chơi đồ chơi, các việc cá nhân, tập diễn đạt sự việc từ đơn giản nhất giúp các bé dần thích nghi. Các phương pháp giáo dục nhằm điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ và giác quan cho các bé.
Trong quá trình điều trị còn có lớp học rất đặc biệt, chỉ có 2 người: cô giáo (là bác sĩ điều trị) và học trò chính là bệnh nhân.
Với phương pháp này, các bác sĩ tại Khoa Điều trị & Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não sẽ tác động, kích thích các huyệt, dưỡng khí, thông kinh lạc… giúp hệ thần kinh trung ương của trẻ phục hồi và dần vận động, giao tiếp được.
Liệu trình điều trẻ chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ từ 25 đến 30 ngày, trẻ có thể được điều trị nhiều đợt trong năm bằng các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cho trẻ và dùng thuốc.
Thời gian nghỉ giữa đợt các đợt là 15 đến 20 ngày. Tùy theo thể trạng bệnh tật mà sức khỏe của từng trẻ tiến triển nhanh hay chậm.
Có em chỉ sau 1 đợt là vận động được, có trẻ sau 3-4 đợt châm cứu thì đi được, nói được và giảm co giật. Sau đợt điều trị, các bé hoà nhập bình thường. Hầu hết các bé đi học được, mỗi bé lại có một thiên hướng đặc biệt: bé vẽ đẹp, bé hát hay, bé giỏi toán…
Mỗi ngày, khoa Điều trị & Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não châm cứu cho 20 đến 30 bệnh nhi và đều có kết quả khả quan.
Con dễ bị chậm nói nếu mẹ stress khi mang thai
Việc mẹ stress, căng thẳng kéo dài trong quá trình mang thai còn có nguy cơ khiến trẻ dễ bị tăng động, giảm chú ý khi sinh ra.
Bác sĩ Vũ Thị Vui (Trưởng khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não) cho biết hầu hết các bé có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ là do mẹ bị stress trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu tiên.
Nguyên nhân là tâm trạng bất ổn của mẹ sinh đã ra hormone cortisol và dolpamine, gây tác động đến não bộ và gây ra sự mất tập trung, giảm chú ý, dễ kích động cho trẻ.
Nghiên cứu trên những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, các nhà khoa học thấy có một mối liên quan với mẹ khi mang thai. Ước tính có khoảng 15% trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do mẹ bị rối loạn tâm trạng trong thai kỳ.
Chính trạng thái lo âu, căng thẳng của mẹ đã làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng và khiến bé bị thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé chậm nói.
Khi người mẹ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, cộng thêm tâm trạng căng thẳng, buồn phiền thì đứa trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao bị chậm nói và kém phát triển trí não.
Cha mẹ phải đồng hành với con
Mức độ chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ khác nhau, nhưng không vì thế mà không chữa được cho con. Lúc này, ngoài phác đồ điều trị châm cứu tại bệnh viện Châm cứu TƯ, vai trò của bố mẹ cực kì quan trọng trong quá trình chữa trị cho các bé.
Thấy G.B 3 tuổi mà chưa nói được như các bạn, bố mẹ em sốt sắng đưa đi khám thì mới biết con bị chậm nói. Hai bố mẹ dù đang giữ những vị trí cao nhưng đều bỏ việc để cùng con chữa bệnh, cùng chơi đùa, nói chuyện với con hằng ngày.
Sau 2 tuần điều trị, cùng với sự trợ giúp đắc lực từ phía các bác sỹ, G.B đã nói được, biết chào hỏi các bác sĩ trong khoa và dần giao tiếp được bình thường.
Bác sĩ Vũ Thị Vui khuyên các bậc cha mẹ cần trợ giúp con trong hành trình gian nan này. Nếu bố mẹ bỏ cuộc thì con cũng không thể sớm hoà nhập với cộng đồng, đi học được như các bạn.
Bố mẹ phải như một người giáo viên của con, tham gia vào việc dậy con giao tiếp, hỗ trợ và đồng hành với con trong mọi hoạt động vui chơi, sinh hoạt hằng ngày. Điều quan trọng, bố mẹ phải giao tiếp với con hằng ngày, bất cứ lúc nào, cho dù có thể con chưa hiểu. Nhưng nếu bố mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần điều đó thì đến một lúc nào đó, con sẽ hiểu được điều bố mẹ truyền đạt.
Bố mẹ cần kiên nhẫn trước các hành động bất thường hay những điều mà con chưa hiểu. Thay vì nói ‘không được’, ‘cấm’ thì bố mẹ nên đánh trống lảng con bằng việc sai con làm những cái khác.
Ví dụ khi thấy con chỉ vo viên tờ giấy, chơi với tờ giấy đó cả ngày, bố mẹ không nên tự ý lấy tờ giấy đó của con và nói ‘con không được chơi cái này’, ‘mẹ cấm con động vào tờ giấy này’. Thay vào đó, bố mẹ nên nhẹ nhàng bảo con đi lấy cho mẹ cốc nước hay ra đây chơi với bố.
Bố mẹ nên bỏ mặc cảm con mình bị bệnh chậm phát triển hay chậm ngôn ngữ để gần gũi, động viên con mỗi ngày. Bố mẹ chấp nhận và tin tưởng con sẽ vượt qua, dần dần con sẽ hoà nhập cuộc sống.
Biểu hiện của chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em:
Dấu hiệu có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm sau sinh (từ vài tuần tuổi) nhưng cũng có thể đến khi bé 2-3 tuổi thì chúng ta mới nhận ra. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến và dễ nhận thấy nhất của triệu chứng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý là:
- Chậm vận động tinh thô như chậm biết lật, chậm biết ngồi, trốn bò hoặc chậm biết đi, khả năng cầm nắm kém.
- Bé có xu hướng chậm nói, hoặc bé 3 tuổi gặp khó khăn trong việc diễn giải suy nghĩ của mình với bố mẹ.
- Bé rất chậm khi học một số kỹ năng tự lập như tự ngồi bô, tự mặc quần áo và tự ăn uống
- Bé gặp khó khăn khi ghi nhớ những điều mới.
- Có các vấn đề hành vi như dễ giận dữ hoặc dễ kích động, bé có thể tự làm đau mình và lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần.
Biểu hiện của chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em:
Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà trẻ có những biểu hiện nhất định khác nhau. Tuy nhiên, biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể bao gồm:
- Bé không có dấu hiệu tập nói bập bẹ khi từ 12 đến 15 tháng tuổi.
- Bé không hiểu được những câu yêu cầu đơn giản khi 18 tháng tuổi, không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn.
- Bé không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi ‘Đây là cái gì?’ khi 2 tuổi.
- Bé không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể khi được yêu cầu.
- Không nói khi được 2 tuổi.
- Không nói thành câu khi bước sang 3 tuổi.
- Trẻ không thể kể lại một câu chuyện đơn giản khi 4 đến 5 tuổi.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Phương pháp châm cứu đặc biệt cho trẻ tự kỷ giúp bé 3 tuổi chưa biết nói đã có thể líu lo tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].