Cô sinh viên năm 4 luôn thấp thỏm nếu có chuyện gì xảy ra mình không thể đăng ký hiến tạng thì sao?
"Ồ, phải hiến chứ"
Ngay từ những ngày đầu biết tới việc hiến tạng, Nguyễn Thị Giang (sinh viên năm 4, Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) nung nấu ý định một ngày nào đó tên và ảnh của mình sẽ xuất hiện trên tấm “Thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô, tạng”.
Vào đúng ngày sinh nhật tròn 21 tuổi của mình, Giang cùng em gái tới Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia thực hiện ước muốn của mình. Giang tự tin ghi vào Đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết/chết não.
Suốt 3 năm học đại học, suy nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đăng ký hiến mô tạng cứ dập dìu hiển hiện trong Giang. Cô cứ thấp thỏm mãi không thôi, chỉ sợ có vấn đề gì xảy đến khiến cô không thực hiện được điều đó thì sao?
Thời gian đi qua, trong khi mong muốn phải rủ bằng được một người nào đó đi đăng ký cùng mình, thêm việc học hành cuốn đi, Giang cứ lần lữa mãi. Rồi câu chuyện của bé Hải An như củng cố niềm tin vào những điều mình đang và sẽ làm, cô có thêm động lực đi đăng ký hiến mô tạng.
“Càng lớn tôi càng nhận ra, thay vì để cơ thể hóa cát bụi thì tại sao không để lại điều gì đó có cho cuộc sống này, ít nhất là cho một số người thực sự cần nó. Tôi không tin vào số kiếp, nhưng tôi tin vào luật nhân quả, đơn giản như khi mình làm được việc gì tốt cho ai đó, kết quả là mình cảm thấy vui”, Giang thổ lộ.
Mất 4 năm nuôi dưỡng nguyện vọng đăng ký hiến mô tạng và chỉ vỏn vẹn 15 phút điền đẩy đủ thông tin, Giang đã hoàn tất thủ tục đăng ký hiến mô tạng. Vậy là mong muốn từ 4 năm trước của cô đã hoàn thành vào đúng ngày sinh nhật 25/9/2018.
“Vậy mà cũng 4 năm đại học trôi qua mình mới thực hiện được việc này. Khi người ta nói nhiều hơn về cái chết, thẳng thắn nhìn nhận về điểm đến của cuộc đời, tôi mới nhận ra hãy làm những gì mình muốn ngay khi còn có thể, vì chẳng ai biết ngày mai sẽ như thế nào”, Giang chia sẻ.
Có ý thức hơn trong việc giữ gìn thân thể
Tính đến thời điểm này cũng gần 3 tháng Giang cầm trong tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng. Niềm vui từ ngày đó đến giờ trong cô gái chẳng có nhiều thay đổi. Điều thay đổi lớn nhất trong cô chính là ý thức về việc giữ gìn thân thể.
Niềm vui đó được lan sang thành niềm tự hào của mẹ cô khi thấy con gái mình vừa làm được một điều ý nghĩa. Bố cô lặng lẽ trước chia sẻ về chuyện đăng ký hiến tạng của cô, nhưng đó là sự lẳng lặng âm thầm đồng ý.
Bởi lẽ, bố mẹ cô cũng đã quen với việc con gái mình đăng ký hiến máu. Trong khoảng thời gian chờ "duyên" đăng ký hiến mô tạng, Giang thường xuyên đi hiến máu. Từ sau sinh nhật 18 tuổi, cứ 3-4 tháng cô lại hiến máu một lần, mỗi lần 350ml.
Giang hãnh diện để tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng cùng với giấy tờ cần thiết của mình, đi đâu cũng mang theo như báu vật.
Cô nói, để phòng khi xảy ra chuyện gì ảnh hưởng tới tính mạng thì chiếc thẻ này chính là “tiếng nói” gửi tới đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng. Họ sẽ thông báo cho Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người để tiếp nhận, bảo quản và tiến hành lấy tạng để ghép cho người bệnh phù hợp.
Giang ý thức được rằng cơ thể mình sau khi chết/chết não sẽ có thể cứu được ai đó nên cô để ý tới việc rèn luyện, chăm sóc bản thân hơn trước đây.
Cuộc sống sau khi đăng ký hiến mô tạng của Giang vẫn tiếp diễn. Bạn bè hay thấy cô xuất hiện với vai trò biên tập, tham gia cộng tác với nhiều kênh truyền hình như ATV, VTC... và các chương trình tình nguyện của trường tổ chức, là thành viên của nhóm “Sen trong phố” - nhóm sinh trẻ với dự án biến bãi rác thành vườn hoa…
Nguyễn Ngọc Linh