Khoảnh khắc thiếu phụ gặp người đàn ông xa lạ mang trái tim của chồng mình

Đã 6 tháng kể từ ngày chồng ra đi không hẹn ngày trở lại, chị mới có dịp gặp được người đàn ông đang duy trì nhịp đập trái tim của chồng mình. Không tránh khỏi sự chạnh lòng, chị bất giác tuôn trào dòng lệ

Khoảnh khắc thiếu phụ gặp người đàn ông xa lạ mang trái tim của chồng mình 0

12 ngày chết não… và 15 phút quyết định

Một ngày đầu tháng 5/2018, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) đi làm rất sớm, từ 5 giờ. Đến 3 giờ chiều, trên đường trở về nhà, anh bị tai nạn giao thông. Anh được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình rồi được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm trong tình trạng nguy kịch.

Nằm tại Bệnh viện Việt Đức 10 ngày trong tình trạng chết não, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thu Hằng được bác sĩ gọi vào nói chuyện. Các bác sĩ cho biết chồng chị Hằng đã bị chết não, không thể sống lại được.

“Bây giờ có rất nhiều người cần nội tạng để tiếp tục sống. Gia đình có thể hiến được không?”, bác sĩ khẽ khàng đặt vấn đề .

Lúc đầu, chị Hằng không đồng ý bởi chỉ nghĩ đến điều đó đã khiến chị đau xót lắm rồi. Nhưng chỉ sau 15 phút, chị gật đầu đồng ý. Chị gọi điện về xin ý kiến của mẹ chồng và cũng nhận được sự đồng ý từ bà, vì cho rằng “đó là việc làm phúc”.

"Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!"

Đó là chuyến bay từ Hà Nội vào Huế vào ngày 18/5/2018, kết nối giữa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế. Trên chuyến bay đó, anh Khiêm “ngồi” giữa các y bác sĩ của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia. Trong chiếc hộp đỏ được đặt ở vị trí đặc biệt, trái tim anh Khiêm vẫn đang còn đập.

Khoảnh khắc thiếu phụ gặp người đàn ông xa lạ mang trái tim của chồng mình 1

Trái tim của anh Khiêm đang trên đường được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống một bệnh nhân bị suy tim đã 2 năm nay. Khi thấy hình ảnh thùng đựng tim của anh Khiêm trên máy bay, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!"

Cùng lúc đó, chuyến xe đưa anh Khiêm về với đất mẹ cũng lăn bánh đều. Ở quê nhà, gia đình lo hậu sự cho anh Khiêm chu toàn. Nhưng ở khúc giữa đất nước, trái tim anh Khiêm đang được đưa vào thi thể một người đàn ông xa lạ. Nó sẽ tiếp nối nhịp sống của anh Khiêm trên cõi đời này.

Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển vào Huế, cứu một người đàn ông đang thập tử nhất sinh. Giác mạc, thận, gan của anh cũng được đem ghép để cứu những người xa lạ khác. Tất cả mọi người đều đã khỏe trở lại và đều đã trở lại với cuộc sống và gia đình.

Khoảnh khắc thiếu phụ gặp người đàn ông xa lạ mang trái tim của chồng mình 2

Sau hơn 2,5 giờ phẫu thuật cấy ghép, từng ánh mắt, nụ cười của đội ngũ y bác sĩ trong phòng mổ vỡ òa sung sướng, hạnh phúc bởi trái tim đã được đặt vào cơ thể bệnh nhân và bắt đầu đập trở lại trong lồng ngực. Ca phẫu thuật ghép tim hoàn toàn thành công và một sự sống mới được bắt đầu. 

Trái tim anh Khiêm vẫn đập

Hôm nay (ngày 29/11) lần đầu tiên gia đình anh Khiêm gặp người được nhận tim của anh – là chú Trần Tuấn.

Chú Tuấn bị suy tim từ 2 năm nay và được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Suốt 2 năm, lúc nào chú Tuấn cũng trong tình trạng chờ có tim để ghép. Bao lần hy vọng rồi lại vô vọng.

  Chú Trần Tuấn trên sân khấu 'Cho đi là còn mãi'

Chú Trần Tuấn trên sân khấu "Cho đi là còn mãi"

May mắn tới, ngày 18/5 vừa qua, chú nhận được trái tim của anh Khiêm. Lúc đó, chú mới biết mình có thể trở lại cuộc sống khoẻ mạnh được.

Chú Tuấn muốn gặp gia đình người cho mình tạng ngay từ lúc tỉnh dậy sau ca phẫu thuật. Đó là sự mong chờ khắc khoải: “Tôi muốn gặp lại để tâm sự đôi lời”, chú Tuấn thổ lộ.

Còn với chị Hằng, chị mong gặp lại những người nhận tạng của chồng mình để có chút an ủi, cảm nhận sự hồi sinh của chồng mình.

  Vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm và người được ghép trái tim anh

Vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm và người được ghép trái tim anh

Có mặt tại chương trình kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, chị Hằng có mặt từ sớm. Nhìn thấy một người đàn ông từ xa, như một linh cảm, có điều gì đó nhói lên trong lòng mình, một nỗi xúc động dâng ngập tràn.

Đó là chú Tuấn – người đang mang trái tim của chồng chị.

“Nhịp thở của tôi do cháu Khiêm mang lại. Giờ đây, tôi không còn sống cho bản thân mình nữa mà còn sống cho hai người, sống thay cả phần cháu Khiêm”, chú Tuấn tâm sự.

“6 tháng rồi!”

Chồng mất khi chị Hằng mới 27 tuổi, sau 1 tháng kỷ niệm 5 năm ngày cưới và 6 năm ngày yêu nhau. 

Từng là quân nhân tại Lữ đoàn 384, Binh đoàn 12, sau khi xuất ngũ, anh Khiêm trở về quê nhà, làm đầu bếp. Anh là chỗ dựa và lao động chính của gia đình.

Sự ra đi đột ngột của anh để lại một khoảng trống không thể bù đắp. Người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ mới hơn 3 tuổi và hơn 1 tuổi cùng bố mẹ già ngoài 60 tuổi chưa biết xoay xở ra sao trong những tháng ngày tiếp theo.

  Chị Hằng và con gái

Chị Hằng và con gái

Đã 6 tháng kể từ ngày chồng nằm xuống, đôi vai hao gầy của chị phải gánh vác cả gia đình. Một mình chị nuôi 2 con nhỏ. Chị là công nhân làm ca từ 8 giờ cho đến 4 giờ 30 chiều. Nhiều hôm, chị phải tăng ca đến 22 giờ 30.

“Nhớ lắm!”, chị Hằng thốt lên.

Tất cả đồ đạc trong nhà đều do anh Khiêm chọn mua. Khi không còn sự xuất hiện của anh Khiêm trong căn nhà nhỏ, mỗi đồ đạc đều khiến các thành viên trong gia đình thêm nhớ thương anh.

Chị Hằng kể, có một điều rất lạ, 12 ngày anh Khiêm nằm viện, con gái nhỏ không đòi hỏi gì. Cho đến đêm đầu tiên anh Khiêm nằm xuống đất mẹ, con gái gào khóc đòi bố đưa ra vườn, soi đèn bắt ốc sên, xem hoa… Đó là những điều anh Khiêm và con gái hay làm với nhau mỗi cuối ngày.

Khoảnh khắc thiếu phụ gặp người đàn ông xa lạ mang trái tim của chồng mình 6

Trước quyết định hiến tặng tạng của chồng sau khi anh chết não, chị Hằng nhận phải không ít cái nhìn thiếu thiện cảm từ bà con lối xóm.

Chị kể, nhiều người trong làng không hiểu, cho rằng chị đã bán nội tạng của chồng lấy tiền.

“Buồn là những lời đó thường do người lớn tuổi nói, là thế hệ trước nên không biết nhiều đến hoạt động hiến tạng hiện không còn xa lạ ở Việt Nam”, chị Hằng chia sẻ.

Những lời ra lời vào như vậy ảnh hướng tới chị và cuộc sống gia đình không ít. Nhiều lần chị bật khóc vì không hiểu sao búa rìu dư luận cứ chĩa vào chị cay nghiệt như vậy?

Điều cứu vớt chị vượt qua vạc dầu chỉ trích của làng xóm chính là suy nghĩ một phần cơ thể của chồng mình vẫn còn sống trong cơ thể ai đó, có nghĩa là anh không hoàn toàn biến mất.

“Nhờ có bộ phần cơ thể của anh mà người khác được cứu sống, có nghĩa là cái chết của anh không hoàn toàn vô ích, suy nghĩ đó khiến tôi được an ủi. Tôi tin anh cũng đồng ý với quyết định của vợ và gia đình mình", chị Hằng bộc bạch.

Tú Anh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính