Con tôi năm nay lớp 2, răng sữa của cháu chưa lung lay nhưng răng trưởng thành đã mọc. Tôi cho cháu đi nha khoa thì bác sĩ bảo phải nhổ nhưng cháu lại sợ tiêm và đau. Vậy nhổ răng trẻ thế nào để không đau?
Bác sĩ Trần Mừng, Nha khoa Ngân Hà (6A Lê Đức Thọ, Phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM) trả lời:
Chào chị, Răng sữa chưa lung lay mà răng thật, răng vĩnh viễn đã mọc lên (thường là mọc lệch vào trong) là trường hợp khá thường gặp trong thực tế điều trị cho các cháu. Và trong trường hợp này, chỉ định duy nhất được đưa ra là nhổ bỏ đi răng sữa.
Nhổ đi càng sớm càng tốt để lấy không gian cho răng vĩnh viễn mọc lên và mọc đúng chỗ. Nếu không nhổ đi răng sữa thì răng sẽ không tự rụng như răng sữa thông thường được.
Răng sữa này sẽ tồn tại cùng với răng vĩnh viễn và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của hàm răng.
Bởi vì răng sữa này còn cứng chắc, chân răng chưa bị tiêu nên chân răng còn rất dài. Việc nhổ đi khá đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng phải sử dụng đến thuốc tê. Với kỹ thuật ngày nay thì việc chích thuốc tê cũng rất đơn giản và hoàn toàn không đau.
Đầu tiên phải hiểu, nỗi sợ của bé - trong trường hợp này - là hoàn toàn chính đáng, là tâm lý hoàn toàn tự nhiên của các bé. Người lớn khi phải đi làm răng - mặc dù đã ý thức được là không đau - mà cũng sợ 'toát mồ hôi' - huống hồ các bé!
Phải dựa trên tâm lý cụ thể của từng bé mà có phương pháp động viên, khích lệ hay làm cách nào đó để bé vượt qua nỗi sợ này.
Nhổ răng trẻ em đó là đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn lại rất nhiều của phụ huynh khi phối hợp với các bác sỹ trong quá trình làm giảm đi nỗi sợ của các bé.
Đối với những trường hợp không phải là cấp cứu, tức là có thể hoãn điều trị một thời gian, thì chúng tôi thường khuyên phụ huynh nên dẫn các cháu qua lại phòng khám nha khoa một vài lần. Những lần đầu tiên qua này không phải với mục đích điều trị mà chỉ với mục đích cho bé làm quen với phòng khám, làm quen với bác sỹ và các cô y tá.
Có thể sẽ phải mất 2 đến 3 lần dẫn các bé qua chơi rồi về mà không điều trị gì cả. Đến khi bé thực sự quen với phòng khám, quen với bác sỹ rồi mới dẫn bé lên ghế điều trị. Và bác sỹ chỉ nên điều trị khi các bé đã thực sự tự nguyện hợp tác, vui vẻ điều trị.
Một điều rất quan trọng nữa là, trước khi có ý định dẫn các bé đi làm răng, cha mẹ hãy kể cho con nghe những câu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ về việc làm răng, ví như chuyện gấu con ăn kẹo bị đau răng như thế nào, thỏ con đi làm răng thích thú ra sao.
Hãy hình dung răng cũng có đời sống như con người, như vạn vật vậy. Và cũng như con, răng cũng cần phải được chăm sóc, chiều chuộng như thế nào.
Những câu chuyện này sẽ tạo cho các bé trí tưởng tượng về việc đi làm răng thích thú hơn. Giống như một lần đi khám phá thế giới mới.
Và chỉ nên dẫn các bé đi nếu như thấy được sự thoải mái ở bé. Không nên cưỡng bức bằng vũ lực, nạt nộ, bắt bé phải đi!Và tất nhiên, để bé yên tâm hơn, thoải mái hơn và đỡ sợ hơn phải đòi hỏi một phòng khám với không gian nhẹ nhàng; bác sỹ thân thiện, điều trị HOÀN TOÀN không đau; thậm chí là phải hết sự nhẹ nhàng, khéo léo trong việc lấy dụng cụ (ống chích, kềm nhổ răng,..) phải kín đáo, không được tạo ra tiếng động mạnh làm các bé sợ.
Trong giới hạn của một bài Tư vấn, chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho chị được những thông tin như vậy. Chị hãy tìm hiểu thêm nhé. Chúc bé nhà chị sớm có một hàm răng tốt và đều đẹp!