Dưới đây là những thông tin bạn cần biết để đưa ra quyết định đúng về việc nhổ răng khôn.
1. Khi nào bạn không nhất thiết phải nhổ răng khôn?
- Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không gây biến chứng, không bị kẹt bởi mô xương và nướu.
- Bệnh nhân có bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tiểu đường, tim mạch, rối loạn đông cầm máu...
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm... mà không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt.
2. Khi nào bạn cần thiết phải nhổ răng khôn?
- Răng khôn mọc lệch gây các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp lại, gây u nang và ảnh hưởng đến các răng lân cận.
- Răng khôn chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt giữa răng khôn và răng bên cạnh, tương lai sẽ sớm ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cần nhổ răng khôn để ngừa biến chứng.
- Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, không bị cản trở bởi nướu và xương nhưng không có răng đối diện ăn khớp, khiến cho răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện, gây nhồi nhét thức ăn và lở loét nướu hàm đối diện.
- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở nhưng hình dạng bất thường, nhỏ, dị dạng, cũng gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, tương lai dễ gây sâu răng và viêm nha chu răng.
- Răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng.
- Nhổ răng khôn khi cần chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân gây một số bệnh toàn thân khác.
Bạn có thể không nhổ răng khôn nếu thường xuyên khám nha sĩ và chụp X-quang răng. Điều này sẽ giúp bạn biết trước những vấn đề có thể xảy ra (như răng khôn mọc lệch) và phẫu thuật răng khôn để tránh tình trạng này.
Các chuyên gia khuyên rằng nên nhổ răng khôn càng sớm càng tốt vì sau khi bạn qua tuổi 25, xương đã cứng và đặc hơn khiến việc phẫu thuật răng khôn sẽ càng thêm khó khăn và các mô lành chậm hơn.
(Theo Vinmec, Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Răng khôn có nhất thiết phải nhổ hay không? tại chuyên mục Sức khỏe răng miệng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].