Với mỗi lần phẫu thuật, người chuyển giới như “cá nằm trên thớt” khi không ít trong số đó gặp biến chứng, có khi bỏ mạng.
Pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới, những người thuộc thế giới thứ 3 tại VIệt Nam chỉ biết rỉ tai nhau những địa chỉ chợ đen bán hoocmon, phòng phẫu thuật chui hay kéo nhau qua nước bạn Thái Lan tìm lại chính mình.
Là một người có tiếng nói trong cộng đồng chuyển giới, từng bao lần trải qua đau đớn, vật lộn với những lần tiêm hooc-môn để trở thành cô gái xinh đẹp như bây giờ, bạn gái Vũ Hoàng Mai Châu, Trưởng Ban điều hành mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam vẫn khẳng định mình may mắn hơn nhiều so với những người khác.
Trước hết, sự may mắn đến từ việc, cơ thể không có phản ứng phụ với hooc-môn, có cơ hội được tìm đến đúng giới tính thật của mình. Trên thực tế, Châu từng chứng kiến rất nhiều bạn chuyển giới khác vật lộn với đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
“Mới tuần trước, mình nghe tin một bạn nữ trong cộng đồng chuyển giới phải chết do bị phản ứng với hooc-môn! Và vẫn có hàng trăm ngàn bạn trẻ chuyển giới đang chật vật không biết mình phải “đi đâu, về đâu” với giới tính của mình.
Họ phải đi mua hooc-môn ở các “chợ đen" để chia nhau, tự tìm bác sĩ cho chính mình, không biết đến cơ sở y tế nào để nhận sự trợ giúp. Nhiều người khác, sợ xã hội kì thị, họ vẫn chưa dám bộc lộ, ẩn kín mình đi”.
Châu cũng chia sẻ, hiện nay, nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, do vướng về Luật pháp, các bạn đồng tính không có cơ hội thực hiện ở nước nhà. Phần lớn người chuyển giới thường bảo nhau sang nước bạn Thái Lan.
“Tuy nhiên, Thái Lan là thiên đường chuyển giới, không phải là quốc gia công nhận người chuyển giới, nên các hoạt động phẫu thuật chuyển giới phần lớn là bất hợp pháp”, Châu nói. Chính vì vậy, những người có nhu cầu đều đối mặt với muôn vàn nguy hiểm.
Châu chia sẻ, nếu Việt Nam có dịch vụ chuyển giới thì chi phí tiêm hooc-môn chỉ rơi vào khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, nếu phẫu thuật giới tính, cắt bỏ, tạo hình ngực chỉ khoảng 50 – 100 triệu đồng.
Nhưng nếu đến các cơ sở thẩm mỹ chui tại Thái Lan, chuyển giới có thể tính từ 100 triệu – hàng tỉ đồng.
Với chi phí cao, vượt sức mặt bằng chung, để có thể tìm đến phẫu thuật chuyển giới, nhiều người phải bán dâm, làm các công việc phi pháp để nhanh có tiền phẫu thuật. Nhiều người phải đi vay lãi để chi trả.
Chưa kể, khi đã có tiền, đã được lên bàn phẫu thuật, với những người thuộc thế giới thứ 3 ẩn chứa muôn vàn khổ cực. Nhiều bạn, sang Thái Lan phẫu thuật chỉ có một mình, hết thuốc mê, tỉnh dậy là phải tự về khách sạn ngay, có bạn bị ngất khi đang đi trên đường.
Với tiêm hooc-môn, cơ thể sẽ phản ứng với “dị nguyên” đưa từ bên ngoài. Người chuyển giới phải đối mặt nguy cơ giảm tuổi thọ, hàng loạt các bệnh lý về xương khớp…
Tất cả cộng đồng chuyển giới đều mong và tin rằng, nếu như có hành lang pháp lý đầy đủ, ngoài việc được công nhận giới tính, xã hội thay đổi cái nhìn, họ còn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế một cách hoàn chỉnh hơn hiện nay.
Chí ít, họ sẽ không còn phải đối mặt với những rủi ro do cách làm đẹp “tạm bợ” như trước nay vẫn làm.
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI) nhận định, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở ra cơ hội cho những người chuyển giới.
Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính.
Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính sẽ bảo đảm cho người chuyển giới được sống thật với giới tính họ mong muốn, được can thiệp y khoa trên cơ sở tự nguyện, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử.