Viêm mũi xoang dị ứng là biểu hiện tại chỗ của niêm mạc mũi và xoang trong khung cảnh bệnh dị ứng toàn thân, khi niêm mạc mũi được tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh (được gọi là dị nguyên).
Bệnh viêm mũi xoang dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng thường xuất hiện nhiều lần trong tháng, trong năm, làm giảm khả năng lao động, giảm chất lượng cuộc sống và chi phí khám chữa bệnh tăng cao, tốn kém.
Tỷ lệ bệnh viêm mũi xoang dị ứng ngày càng có xu hướng tăng cao ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Viêm mũi xoang dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều hơn cả vẫn là ở trẻ em và người trẻ tuổi.
Theo thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, từ đầu năm 2017 đến nay, có trên 230 triệu lượt người đến bệnh viện để khám tai mũi họng.
Trong số đó, số lượng người bệnh được chẩn đoán bệnh lý viêm mũi xoang khoảng 16 triệu 500 lượt người.
Và trong số khoảng 16 triệu 500 người bệnh được chẩn đoán là viêm mũi xoang thì có đến hơn 20 nghìn là trẻ em.
Những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xoang dị ứng
Theo ThS-BS Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, bệnh viêm mũi xoang dị ứng liên quan nhiều đến yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường, cơ địa, tiền sử gia đình.
Có thể có các dị nguyên đặc hiệu hoặc không tìm được các dị nguyên đặc hiệu.
Viêm mũi xoang dị ứng biểu hiện khi có các dị nguyên xung đột với các kháng thể, mang tính dị ứng – miễn dịch.
Các dị nguyên có thể gặp là nấm mốc, bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, khói thuốc lào, các loại hóa chất, thực phẩm như tôm, cua…
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường khí hậu cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xoang dị ứng, nhất là khi thay đổi thời tiết đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh, mưa ẩm ướt…
Các yếu tố nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm ở mũi xoang, amidan, VA, răng, lợi miệng… cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi xoang dị ứng.
Ngoài ra, các dị hình của mũi, vách ngăn như vẹo, gai, mào vách ngăn… là những yếu tố thuận lợi gây ra bệnh viêm mũi xoang dị ứng.
Và đặc biệt, bệnh viêm mũi xoang dị ứng có khả năng di truyền, tức là trong gia đình có người bị viêm mũi xoang dị ứng thì thế hệ sau có nguy cơ bị bệnh rất cao, nhất là khi cả bố và mẹ đều bị bệnh thì tỷ lệ con mắc bệnh là rất lớn.
5 triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi xoang dị ứng
1.Ngứa mũi
Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
2.Hắt hơi
Đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Triệu chứng hắt hơi diễn ra đột ngột, hắt hơi nhiều, hàng tràng dài gồm nhiều cái, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
3.Chảy mũi
Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi, chảy mũi nhiều thường là nước trong, có khi ra nhiều giọt tong tỏng.
Sau đó có thể chảy ra mũi nhầy trong và sau vài ngày nếu kèm theo bội nhiễm thì sẽ chảy mũi nhầy đục.
4.Tắc ngạt mũi
Do nước mũi chảy nhiều và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi ở cả hai bên, có khi ngạt hoàn toàn ở cả hai bên mũi.
Triệu chứng tắc mũi làm cho người bệnh phải thở bằng miệng và ở trẻ em có thể gây ra cảm giác ngạt thở.
5.Đau
Bên cạnh cảm giác ngạt cứng trong mũi, đầy trong mũi, vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, làm giảm khả năng lao động.
Một số người bệnh còn có biểu hiện đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm cả rối loạn vận mạch da vùng mặt…
Điều trị viêm mũi xoang dị ứng
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy cho biết, khi bệnh dị ứng mũi xoang kéo dài, không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây bội nhiễm vi trùng làm cho bệnh cảnh dị ứng phối hợp với viêm xoang mủ, hay viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản.
Do đó, khi thấy có các triệu chứng của bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sớm để thăm khám và điều trị sớm.
Trong cơn dị ứng cấp tính, việc điều trị thường là làm sạch và thông thoáng mũi với các thuốc co mạch dễ thở, sát trùng, dự phòng viêm, xông, khí dung các thuốc chống viêm.
Điều trị cơ địa dị ứng bằng cách điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh vận mạch, thiếu hụt vitamin…
Bên cạnh đó cần tiến hành loại bỏ các dị nguyên trong môi trường sống của người bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với các dị nguyên như nấm mốc, bụi nhà, phấn hoa, lông động vật…, không ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua…
Với những trường hợp người bệnh bị dị dạng vách ngăn như lệch, gai, mào; xuất hiện polyp mũi nên tiến hành phẫu thuật để loại bỏ hoặc chỉnh hình.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm, ở Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, vì là tuyến cuối cùng nên bệnh nhân đến điều trị viêm mũi xoang thường là được bảo hiểm chi trả, còn lại phần dịch vụ (điều kiện trang thiết bị, yêu cầu kĩ thuật cao…) phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và chi phí dao động khoảng trên dưới 15 triệu đồng.
Ngoài ra, ‘nhiều người bệnh sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa viêm mũi xong di ứng như dùng cây hoa cứt lợn giã lấy nước nhỏ vào mũi.
Đây là một kinh nghiệm dân gian, không phải hoàn toàn đúng cho tất cả mọi người nhưng có một số bệnh nhân hợp và bệnh thuyên giảm.
Có thể là trong cây cứt lợn có chất sát khuẩn, chống dị ứng nên có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên cách điều trị dân gian này còn tùy thuộc cơ địa của từng người, tùy thuộc tình trạng bệnh của từng người chứ không phải ai bị viêm mũi xoang làm cách này cũng đều khỏi’- BS Thủy cho biết.
Những cây thuốc có tác dụng chữa viêm mũi xoang dị ứng
Cây cứt lợn: Có tác dụng kéo dài, làm giảm ngạt mũi, giảm viêm, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi và sổ mũi nhức đầu. Dùng lá và hoa tươi cây cứt lợn giã nát và vắt lấy nước cốt, tẩm bông bôi vào mũi bên đau.
Hoắc hương: Lá hoắc hương có vị cay, the, mùi thơm hắc, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng giải cảm. Trong Đông y, hoắc hương được dùng chữa cảm cúm, cảm nắng, nhức đầu, sổ mũi, hôi miệng…
Kinh giới (kinh giới tuệ): Có vị cay, tính ôn, vào 2 kinh phế và can. Trong Đông y, kinh giới có tác dụng phát biểu khứ phong, lợi yết hầu, thanh nhiệt tán ứ phá kết. Dùng chữa ngoại cảm phát sốt, đầu nhức mắt hoa yết hầu sưng đau.
Kim ngân hoa: Có vị ngọt, tính hàn, không độc, vào 4 kinh phế, vị, tâm, tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dùng chữa sốt, mụn nhọt, mẩn ngứa… Ngoài ra, kim ngân hoa còn có tác dụng chữa viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng.
Phòng viêm mũi xoang dị ứng bằng cách nào?
- Cần tránh tiếp xúc khi phát hiện được các loại dị nguyên đặc hiệu
- Giữ vệ sinh sạch sẽ mũi họng và vùng miệng họng. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước và sau khi ăn, khi ngủ dậy cũng rất quan trọng để phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang.
- Viêm mũi xoang do dị ứng thì cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, tránh các dị nguyên
- Vệ sinh môi trường sống, chăn, ga, gối, đệm, salon… Nếu có điều kiện thì dùng chăn đệm một thời gian nên thay mới để đảm bảo vệ sinh.
- Nhà ở cần thoáng mát, sạch sẽ để nấm mốc không phát triển.
- Bỏ thuốc lá thuốc lào, hạn chế thực phẩm, đồ ăn mà nghi ngờ là nguyên nhân gây viêm mũi xoang do dị ứng như tôm, nhộng…
- Trong môi trường thì tránh tiếp xúc với khói, bụi, chất tẩy rửa, tăng cường đeo khẩu trang khi đi ngoài đường hoặc làm việc nơi ô nhiễm.
- Chọn công việc thích hợp với cơ địa của mình để tránh bị viêm mũi xoang do dị ứng. Ví dụ có nhiều người là thợ sơn bị dị ứng với sơn thì nên tìm công việc khác để phòng bệnh viêm mũi xoang.
- Đề phòng các yếu tố thuận lợi cho cơn dị ứng xuất hiện như thay đổi thời tiết. Khi thời tiết giao mùa thì cần phải giữ ấm cơ thể, khẩu trang giữ ấm vùng mũi, quàng khăn giữ ấm cổ.
- Đề phòng và điều trị sớm các cơn dị ứng cấp tính để tránh các biến chứng
- Khi có triệu chứng khởi phát nghi ngờ viêm mũi xoang di ứng thì cần đến gặp bác sĩ tai mũi họng sớm để được điều trị sớm. Bởi, bệnh mới phát mà điều trị đúng cách sẽ dễ dàng hơn. Tránh tình trạng thành mãn tính, nặng hơn và gây khó điều trị hơn, chi phí nhiều hơn.